Ngày 06/01/2022, tại Trung tâm Hội nghị huyện Hải Hà, Bảo tàng Quảng Ninh đã bàn giao phiên bản phục chế Bảo vật Quốc gia trống đồng Quảng Chính cho huyện Hải Hà.
Tham dự bàn giao, về phía huyện Hải Hà có các đồng chí: Nguyễn Kim Anh, Bí thư Huyện ủy; Hoàng Phi Trường, Phó chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí là lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện. Về phía Bảo tàng Quảng Ninh có đồng chí: Đỗ Quyết Tiến, Phó giám đốc Bảo tàng và đại diện các phòng chuyên môn.
Phiên bản trống đồng Quảng Chính được Bảo tàng Quảng Ninh phục chế theo tỉ lệ 1/1, có hoa văn, kích thước và trọng lượng giống như trống đồng Quảng Chính bản gốc.
Ảnh: Phiên bản trống đồng Quảng Chính được Bảo tàng Quảng Ninh
bàn giao cho huyện Hải Hà ngày 06/1/2023.
Trống đồng Quảng Chính (số đăng ký: BTQN.5224/ KL874) được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đang lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Trống được phát hiện trên một quả đồi tại xã Quảng Chính huyện Hải Hà vào năm 1981 đến năm 1983 chuyển về Bảo tàng Quảng Ninh trưng bày. Trống cao 30cm; đường kính mặt 39,5cm, đường kính đáy 54cm, trọng lượng 12,7kg, trống được làm bằng chất liệu: Hợp kim đồng - thiếc, có niên đại Văn hóa Đông Sơn, khoảng thế kỷ III - II trước Công nguyên. Trống hình trụ tròn gồm: tang phình, thân hình nón cụt, chân choãi. Trống gồm 4 bộ phận: mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống, nhìn ngang trống được chia thành 3 tầng khác nhau: tầng thứ nhất là tầng chân, chân trống choãi; tầng 2 là thân trống, hơi loe; tầng 3 là tầng tang và mặt trống, phình ở giữa và thắt dần về hai phía ráp với mặt và thân trống. Các hoa văn trang trí hình sao 16 cánh nhọn, hoa văn hình chim bay, hoa văn hình người chèo thuyền, hoa văn hình chim đứng, một số hoa văn hình học.
Trống đồng Quảng Chính là hiện vật gốc độc bản, mang phong cách của trống Đông Sơn, nhưng có sự khác biệt, với những nét riêng về hoa văn trang trí so với các trống đồng Đông Sơn khác, nhất là hoa văn tả thực trên trống đồng Quảng Chính. Họa tiết hình chim trên trống này cũng rất độc đáo, bay cùng chiều kim đồng hồ, được thể hiện bằng các đường cong mềm mại với hình dáng cổ, mỏ, hình chim được thể hiện theo phong cách tả thực, trong khi trên các trống Đông Sơn chim lại bay ngược chiều kim đồng hồ với đuôi hình tam giác dài, thân dài, cánh hơi ngắn, cổ và mỏ dài. Hoa văn hình người chèo thuyền là mô típ phổ biến trên trống đồng Đông Sơn, nhưng hình người trên trống Quảng Chính lại thể hiện khá đơn giản. Hoa văn hình chim đứng trên trống đồng Quảng Chính cũng khá đặc biệt, độc nhất vô nhị cho đến ngày nay.
Việc phục chế trống đồng Quảng Chính tại huyện Hải Hà, không chỉ thể hiện niềm tự hào của người dân nơi đây đối với một bảo vật Quốc gia mang tên vùng đất mà nó được tìm thấy mà còn góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia tại địa phương nói riêng; khơi dậy truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương đối với các thế hệ tương lai.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Bài: Đặng Hoa, ảnh: Đức Phương - BTQN