Bảo quản hiện vật là một trong 6 khâu quan trọng trong công tác bảo tàng. Bảo quản hiện vật là bộ xương cá voi vây đối với Bảo tàng Quảng Ninh là một thách thức không nhỏ, bởi đây là lần đầu tiên Bảo tàng trực tiếp bảo quản một mẫu vật khổng lồ. Vậy tiến trình bảo quản bộ xương diễn ra như thế nào, gặp khó khăn ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Bộ xương cá voi vây ở Bảo tàng Quảng Ninh
Như đã giới thiệu ở bài viết trước, ngày 18/10/1994, sau khi nhận được tin báo của nhân dân xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, các cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh ngay lập tức xin ý kiến chỉ đạo từ Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đồng thời cử đoàn công tác cùng cán bộ văn hóa thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả) đến hiện trường xem xét tình hình để xử lý bộ xương cá voi vây.
Khi đoàn công tác đến nơi thì con cá đã bị phân hủy một phần, một số xương đã rời khỏi thân, có những đốt sống rời ra, bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ biển Cẩm Phả và được người dân ở đây mang về (một thời gian sau những người vớt được số đốt sống này đã cung cấp lại cho Bảo tàng Quảng Ninh) còn lại bộ xương gần như nguyên vẹn.
Đoàn công tác của Bảo tàng cùng các cán bộ phòng Văn thể thị xã Cẩm Phả, phòng Văn thể huyện Vân Đồn và 20 nhân công đã làm việc miệt mài trong gần một tháng trời giữa cái giá lạnh của gió mùa Đông Bắc để thu hồi bộ xương cá. Sau khi đưa về Bảo tàng, phải mất hơn một tháng nữa cho việc xử lý thủ công. Với những đốt xương sống, dẻ xương sườn đã bị dời ra thì lấy dao và các dụng cụ sắc nhọn để nạo sạch thịt và da bám vào xương. Những chỗ xương vẫn còn dính vào thân thì phải xẻ thịt để tách dần từng chiếc xương sống, xương sườn, xương vây, sau đó nạo hết thịt, gân bỏ đi.
Để ngăn chặn sự xâm hại của nấm mốc và côn trùng, Bảo tàng đã mời chuyên gia về lĩnh vực hóa chất để bảo quản hiện vật.
Tuy nhiên, đây là một con cá có kích thước và trọng lượng lớn, lại mới bị chết, toàn bộ xương là do nóc thịt ra khỏi xương, chứ không phải do quá trình phân hủy từ từ nên những chiếc xương sống còn lại rất nhiều tủy ở bên trong, những loại xương khác thì thịt và gân vẫn còn dính lại. Sau một thời gian chỗ thịt và gân còn bám lại trên xương bị phân hủy, bốc mùi khủng khiếp.
Việc bảo quản bộ xương lâm vào bế tắc, tham vấn của Viện Hải Dương học là đem vùi toàn bộ trong cát chờ phân huỷ hết mới thu hồi về xử lý để trưng bày. Phương án này không được chấp thuận vì có thể xương sẽ bị phân huỷ ngả màu đen và thối. Vậy là lại một lần nữa, cả Bảo tàng tập trung xử lý bộ xương bằng cách dùng bàn chải, dao nhỏ bóc hết lớp màng và gân vẫn còn bám trên bề mặt xương. Hàng chục cân xà phòng bột đã được dùng để làm sạch bề mặt các xương. Ngày thì đem xương phơi ra ngoài trời, ban đêm dùng bóng đèn 1000w và quạt gió để sấy. Kết quả là xương sạch, trắng và đỡ mùi hôi.
Ngày 28/01/1995 (tức 28 Tết), bộ xương được đưa ra trưng bày và thu hút đông đảo nhân dân tới xem.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa ra trưng bày, xương cá bị chuyển sang màu hơi đen, có hiện tượng bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập. Một thách thức lớn đối với các cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh thời điểm đó.
Vì cho đến khi phát hiện ra con cá voi này, chưa có một nhà khoa học, một cơ quan khoa học hay một tài liệu nào nói về công tác xử lý cũng như bảo quản xương cá voi vừa bị chết. Mặt khác đây là lần đầu tiên Bảo tàng Quảng Ninh xử lý, bảo quản loại mẫu vật là xương động vật, lại là loài cá có bộ xương rất to và dài. Chính vì vậy Bảo tàng Quảng Ninh đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý và bảo quản mẫu vật này.
Như đã nói ở trên, sự xâm nhập của côn trùng và dung dịch chúng tiết ra có thể phá hủy toàn bộ hiện vật, một số nấm vi sinh có khả năng tạo ra các enzim phân hủy chất hữu cơ, một số loài côn trùng biến hiện vật thành nơi ẩn náu và sinh trưởng của chúng. Ngoài ra còn phải kể tới môi trường và những tác động khôn lường của nó, đó là yếu tố khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng sinh sống. Với những tác động trên, bộ xương cá voi không tránh khỏi sự xuống cấp, dẫn đến việc Bảo tàng phải ngừng trưng bày, tiến hành tháo dỡ và tiếp tục bảo quản bằng hóa chất trong những năm 1998 và 2000.
Quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh trong việc thu hồi, xử lý và bảo quản xương cá voi. Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, Bảo tàng Quảng Ninh đã chủ động tự nghiên cứu việc bảo quản xương cá voi bằng biện pháp cơ học, theo phương pháp thủ công truyền thống. Người đề xuất và trực tiếp chỉ đạo việc bảo quản là ông Trần Trọng Hà, chủ tịch Hội đồng khoa học của Bảo tàng lúc đó. Để xương được trắng và độ bền vững được nâng cao, cán bộ bảo quản Bảo tàng Quảng Ninh đã ngâm xương trong vôi tôi nhiều ngày.
Công đoạn này nói ra thì có vẻ đơn giản, nhưng ở thời điểm đó, việc làm này gây tranh cãi rất lớn, vì chưa được thử nghiệm bao giờ. Khi ngâm bộ xương cá bằng cách này, Bảo tàng đã cho xây một chiếc bể rất lớn, sau đó hòa tan vôi đã tôi, cùng một số hóa chất khác để ngâm. Cán bộ bảo quản của Bảo tàng Quảng Ninh khi đó đã rất vất vả khi phải xử lý xương trong bể ngâm, phải ngâm mình trong bể để vớt toàn bộ số xương cá khổng lồ đó lên, dùng dao nhỏ và các dụng cụ kỹ thuật xử lý từng thớ thịt, gân còn sót lại, sau đó đưa ra đánh rửa sạch sẽ và để ở nơi khô ráo thoáng mát. Khi xương đã khô, đưa xương vào phòng kín để xử lý bằng hóa chất chống nấm mốc và sự xâm nhập của côn trùng gây hại. Phương pháp xử lý, bảo quản thủ công như Bảo tàng Quảng Ninh đã làm, một mặt tiết kiệm được kinh phí nhưng hiệu quả lại rất cao, xương được bảo vệ bề mặt cũng như độ rắn chắc tăng lên, góp phần bảo vệ lâu dài mẫu vật hữu cơ.
Từ năm 1996 đến nay, bộ xương cá voi tiếp tục được xử lý, bảo quản nhiều lần, với mức độ kỹ thuật ngày càng được nâng cao.
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác bảo quản hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh luôn được quan tâm, chú trọng. Việc bảo quản, kéo dài tuổi thọ cho bộ xương cá voi là một yêu cầu thường xuyên và lâu dài đối với Bảo tàng Quảng Ninh, đòi hỏi ý thức trách nhiệm, lòng say mê đối với nghề và cả sự hiểu biết chuyên sâu của người làm công tác bảo quản, nhằm hạn chế sự xuống cấp của hiện vật, để bộ xương cá voi được bền, chắc và trường tồn với thời gian, trở thành điểm nhấn “ấn tượng” đối với du khách khi đến với Bảo tàng Quảng Ninh.
Bài, ảnh: Đặng Hoa