Image
Loading
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam


Nguồn tin:BTQN
  • Cập nhật:20/04/2019 01:46:57 CH

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2019, ngày 22/4, Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia; khai trương phòng trưng bày bảo vật Quốc gia và Khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ Thăng Long đến Yên Tử – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật Hoàng”.


Trước đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg công nhận Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là Bảo vật Quốc gia.
Bình gốm Đầu Rằm (có niên đại 3.400 - 3000 năm cách ngày nay) và Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (thế kỷ XIV) được công nhận là Bảo vật Quốc gia bởi hội tụ được nhiều giá trị độc đáo, khác biệt. Thứ nhất, đây là các hiện vật gốc, độc bản, nguyên vẹn. Thứ hai, các hiện vật có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ. Trong đó, Bình gốm Đầu Rằm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật gốm tiền sơ sử Việt Nam, là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao kỹ - mỹ nghệ sản xuất gốm Phùng Nguyên. Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần. Thứ ba là giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử. Việc phát hiện Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử trên con đường hành hương lên am Ngoạ Vân, nơi vua Trần hoá Phật, góp tư liệu quan trọng vào nhận thức về di tích am Ngọa Vân - “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và di tích Ngọa Vân nói chung. Qua kỹ thuật chế tác, các họa tiết hoa văn… thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần. Còn Bình gốm Đầu Rằm, với tất cả các biểu hiện hình dáng, hoa văn trang trí cũng như những tư tưởng về thế giới quan triết học, tư duy hình học đối xứng… là một tác phẩm kỹ - mỹ thuật đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của cộng đồng cư dân xưa.
Cũng trong ngày này, Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ Thăng Long đến Yên Tử – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật Hoàng”.
Triển lãm sẽ giới thiệu các giá trị di sản văn hóa của thời đại nhà Trần, về cuộc đời, sự nghiệp của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông - một ông vua, nhà tu hành đắc đạo của một triều đại võ công, văn trị rực rỡ nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam, qua hình thức trưng bày diễn giải gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật khảo cổ khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và hệ thống các di tích liên quan đến Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh.
Không gian trưng bày gồm 03 nội dung: Từ Hoàng cung Thăng Long đến Yên Tử; Hoàng đế Trần Nhân Tông – một đấng minh quân, một anh hùng dân tộc; Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Trưng bày sẽ góp phần tôn vinh công đức của vị minh quân – Phật Hoàng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm gắn với Trần Nhân Tông; góp phần quảng bá hình ảnh của Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích danh thắng Yên Tử; Khu di tích nhà Trần tại Đông Triểu đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Việc công bố Quyết định công nhận hai Bảo vật Quốc gia; khai trương phòng trưng bày bảo vật Quốc gia và khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ Thăng Long đến Yên Tử – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật Hoàng” sẽ góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
      
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22/4/2019 đến hết tháng 5/2019 tại không gian trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Quảng Ninh.
Đặng Hoa – Bảo tàng Quảng Ninh
 
 
 

Nguồn tin:BTQN