Image
Loading
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam


Nguồn tin:baoquangninh.com.vn
  • Cập nhật:11/07/2019 09:06:14 SA

Nhà ở của con người là một sáng tạo để thích ứng với điều kiện tự nhiên và phù hợp với văn hóa của từng dân tộc. Người Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu có những tri thức riêng, độc đáo để xây dựng ngôi nhà ở của mình.


Việc đầu tiên là chọn đất làm nhà. Vị trí được chọn là nơi cao ráo, khuất gió, gần nương và nguồn nước để tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Sau khi chọn được vị trí, họ mời thầy mo xem đất lành hay dữ. Tiếp đó, họ tạo mặt phẳng trên đất định làm nhà, đắp đất và làm nhẵn như nền nhà, xếp lên đó ba hàng hạt ngô hay gạo mới bóc vỏ tượng trưng cho người, gia tài, vật nuôi rồi lấy bát úp kín. Sáng hôm sau đến kiểm tra, nếu thấy gạo hoặc ngô vẫn giữ nguyên hàng lối không bị lộn ngược, không có kiến tha là điềm tốt, có thể làm được nhà trên đất đó.
Một ngôi nhà trình tường của người Dao Thanh Phán huyện Bình Liêu thấp thoáng giữa đồng lúa.
 
Chọn được đất, họ có thể dựng nhà bất cứ lúc nào, miễn là hợp tuổi chủ nhà và tránh được những ngày xấu đã ghi trong sách người Dao hoặc những ngày kị trong tháng, ngày kiêng của dòng họ. Hướng nhà phải hợp với tuổi của chủ nhà. Điều này được xem xét bởi các thầy mo trong bản.
 
Sống ở nơi khí hậu lạnh giá vào mùa đông (có năm xuống đến 0 độ), nóng ẩm vào mùa hè, cùng với đó là hiểm họa từ thú dữ, nên người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn (Bình Liêu) đã sáng tạo ra kiến trúc nhà trình tường độc đáo. Đó là một ngôi nhà vừa là nhà ở vừa như hang để chống được sương mù, cái lạnh cắt da của mùa đông trên núi, cái nóng nực của mùa hè, lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ. Để có được một ngôi nhà trình tường vững chãi, bền lâu thì phải thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn.
Những ngôi nhà trình tường khiến nhiều du khách tò mò, thích thú.
 
Đầu tiên, móng nhà được đào sâu khoảng 1m, rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính (là đất trộn nhuyễn) lên cao hơn mặt sân khoảng 40 - 60cm. Tường nhà được làm bằng đất sét, đất cao lanh hay đất thịt đỏ vàng. Sau khi đặt móng, để nện đất thành tường phải làm chiếc khuôn bằng gỗ rồi cào đất núi đã chọn vào thúng, sàng đổ vào khuôn gỗ ván, cầm chày gỗ thay nhau giã đến khi đất kết dính với nhau, tháo khuôn ra không rơi là được. Hết tầng lượt thứ nhất, lại tháo khuôn gỗ đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao 50 - 70cm. Đất giã và nện càng nhuyễn và chặt thì sau này tường sẽ không bị nứt. Tường đất của ngôi nhà thường cao 5 - 6 lượt tầng ván khuôn, cá biệt có gia đình làm cao 7 - 8 tầng khuôn, tường dày từ 50 - 60 cm. Trình xong tường xung quanh, lấy gỗ làm khung nhà bên trong tường, hệ thống cột gỗ để phân chia các phòng. Mái nhà được lợp ngói âm dương. 
 
Nhà trình tường của người Dao Thanh Phán xã Đồng Văn tương đối thống nhất, theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian, hai cửa, gồm một cửa chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng lợn phía sau. Ngoài ra, còn làm thêm hai cửa sổ ở bên trái, bên phải lối ra vào và một cửa sổ ở gian bếp. Ba gian nhà được sắp xếp: Gian bên trái dùng để đặt buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải là buồng ngủ của con cái (thường có cửa buồng kín đáo); gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, bày bàn ghế tiếp khách, một số gia đình đặt thêm 1 - 2 giường dành cho khách.
 
Bên trong nhà còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính. Sau bức tường phụ này chính là khu vực bếp. Nhà trình tường nào cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Trên bếp luôn có gác bếp nhỏ chứa lương thực, thực phẩm để hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc.
Cả nhà chính và bếp đều được đắp đất.
 
Ngoài nhà trình tường, người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn còn sử dụng đá để xây nhà. Một ngôi nhà bằng đá chống chọi tốt với những cơn gió mùa với cường độ mạnh. Như ngôi nhà của anh Chìu Quay Tắc ở bản Sông Moóc A được xây bằng đá, được trao truyền qua 3 thế hệ, có tuổi đời hơn 100 năm. Còn có loại nhà ở sườn núi chỉ có bãi cỏ, không có cây cối chắn gió. Để xây được loại nhà này, người Dao phải đào sâu xuống sườn núi khoảng 2m, tạo mặt phẳng đủ xây một ngôi nhà. Nhà xây có mái chỉ cao ngang với sườn đồi, tránh gió núi làm tốc mái. Đây là nhà của những gia đình chăn nuôi gia súc như dê, bò, trâu ở các thảo nguyên, xa khu dân cư.
 
Theo xu hướng hội nhập văn hóa, nhà ở của người Dao Thanh Phán hiện nay cũng đã có rất nhiều biến đổi. Giữa núi rừng, thỉnh thoảng lại xuất hiện những ngôi nhà bê tông cao tầng, thay thế cho hình ảnh ngôi nhà trình tường cổ kính. Những ngôi nhà trình tường còn được giữ lại hiện nay tạo ấn tượng thú vị với nhiều du khách đến Bình Liêu. Thực hiện tốt việc bảo tồn những ngôi nhà trình tường còn lại của người Dao Thanh Phán sẽ là một cách tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, là định hướng tạo sinh kế mới bền vững cho đồng bào người Dao.
 
 
 

Nguồn tin:baoquangninh.com.vn