Image
Loading
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam


Nguồn tin:http://baotanglichsu.vn
  • Cập nhật:22/03/2019 10:05:23 SA

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng quân xâm lược hùng mạnh, đều sử dụng vũ khí độc đáo đó là cọc gỗ với 3 trận chiến tiêu biểu là: chiến thắng chống quân Nam Hán năm 938, quân Tống năm 981 và quân Nguyên - Mông năm 1288. Dấu tích những bãi cọc Bạch Đằng còn lại đến ngày nay đã được phát hiện ở nhiều địa điểm và những chiếc cọc Bạch Đằng được sử dụng trong trận kháng chiến chống quân Nguyên - Mông do Trần Hưng Đạo chỉ huy, năm 1288 hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là một trong những minh chứng cho chiến lược và chiến thuật tài giỏi của quân dân Đại Việt dưới thời Trần.


 Sông Bạch Đằng xưa là con sông rộng lớn, sông sâu, sóng dữ. Khi nước thủy triều lên, cảnh quan khu vực sóng nước mênh mông hùng vĩ xen kẽ các chỏm đá vôi cao vút như Trương Hán Siêu tác giả bài “Bạch Đằng giang phú” đã viết:
 
“Bát ngát sóng kình muôn dặm
 
Thướt tha đuôi trĩ một màu
 
Nước trời một sắc
 
Phong cảnh ba thu...”
 
Vùng cửa sông Bạch Đằng thông sang sông Chanh, sông Rút, sông Kênh rất rộng. Vì thế, để chặn cửa mấy con sông ấy, phải có nhiều trận địa cọc, bố trí ở nhiều nơi. Kết quả khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... với di tích bãi cọc Yên Giang thuộc phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) nằm ở cửa sông Chanh, bãi cọc Đồng Vạn Muối nằm ở cửa sông Rút và bãi cọc Đồng Má Ngựa nằm ở cửa sông Kênh thuộc phường Nam Hòa (thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) hàng trăm chiếc cọc được phát hiện. Những chiếc cọc gỗ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là kết quả cuộc khai quật năm 1976 thuộc di tích bãi cọc Yên Giang (thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh).
 
Cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu được khai thác từ cánh rừng Yên Hưng (Quảng Ninh). Cọc dài khoảng 1,5m - 3m, đường kính 20cm - 30cm, màu nâu đen, một đầu thuôn mịn để cắm xuống lòng sông, một đầu nhọn có nhiều rãnh nứt song song do nước bào mòn. Trong khi đóng ở trận địa, khoảng cách trung bình giữa các cọc từ 0,9m - 1,2m để thuyền nhỏ của ta có thể lách qua. Ngoài những cọc cắm thẳng đứng, còn có một số cọc cắm nghiêng 45 độ nhằm mục đích đánh vào thuyền giặc sát bờ. Cọc được cắm ngược chiều với hướng nước chảy để khi thuyền chiến của giặc rút lui, trôi xuôi theo dòng nước, thì sẽ bị cọc đâm ngược vào đáy thuyền. Lực xuyên sẽ mạnh hơn, dễ bị xô thẳng hơn. Nếu cọc nghiêng cùng chiều với dòng nước lực đâm của cọc sẽ yếu hơn, thậm chí có thể bị trượt trên mặt đáy thuyền.
 
Về cách đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng hiện nay có rất nhiều giả thuyết cho rằng: ông cha ta ngày xưa đã lợi dụng nước thủy triều xuống thấp nhất, dùng thuyền chở cọc đã được đẽo nhọn đến địa điểm đóng cọc. Một đầu cọc được nhấn chìm một phần xuống mặt bùn vào vị trí đã định, thân cọc được dựng theo phương thẳng đứng với mặt nước. Dùng một đoạn tre dài 40 cm - 50cm, buộc ngang thân cọc, cách mặt bùn khoảng 1m làm sao để trèo lên dễ dàng. Hai người trèo lên cọc, hai tay giữ chắc cọc, trong khi ba bốn người đứng ngập chân trong bùn đất vẫn giữ cho cọc đứng thẳng hoặc hai chiếc thuyền nan giữ cho cọc đứng yên (ở chỗ nước ngập đầu người). Hai người đứng trên cọc tre cùng lắc theo nhịp, nhấn cọc chìm sâu dần. Khi cọc không xuyên xuống được nữa, thì tháo đoạn tre ra, buộc lên cao hơn và buộc thêm một đoạn tre nữa để không chỉ hai mà bốn người cùng lắc theo nhịp bao giờ cọc chìm dưới mặt nước triều một mức nào đó theo tính toán của các bô lão mới thôi. Nếu ở những luồng nước sâu, khi cọc sắp chìm xuống mặt nước thì ta đặt nối vào một đoạn cọc khác bằng cách ốp 4 nửa đoạn cây tre dài cỡ cái đòn gánh, lấy dây mây buộc thắt lại để cho người trèo lên lắc tiếp. Cho đến khi cọc đủ đứng chắc chân trong nền đất dưới đáy sông mới cởi dây mây ra, tháo đoạn cọc gá tạm đi, lắp nón sắt vào cọc trả lại mặt sông hiền hòa trôi. Qua cách đóng cọc trên sông Bạch Đằng cho thấy, sự sáng tạo trong phương pháp đóng cọc của quân dân ta cũng như việc huy động lực lượng quân dân rất lớn dưới thời Trần để tập trung cho trận địa cọc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288) giành thắng lợi.
 
Ngược dòng lịch sử, khi nói về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rất nhiều sử liệu đã ghi chép rằng: Vào ngày mùng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (tức ngày 9 tháng 4 năm 1288), trước khi thuyền quân Nguyên - Mông đến hạ lưu sông Bạch Đằng đã bị quân ta tấn công, ép quân giặc đi vào hướng sông Đá Bạc để ra sông Bạch Đằng. Đến hạ lưu sông Bạch Đằng, gặp lúc nước thủy triều lên cao ngập hết bãi cọc, tướng Nguyễn Khoái mang thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi giả thua, Ô Mã Nhi liền thúc quân đuổi theo, quân giặc đã rơi vào trận địa mai phục. Lúc này Nguyễn Khoái mới mang binh thuyền cùng phục binh đánh quật trở lại. Trần Hưng Đạo và Vua Trần đem quân tiếp chiến. Nước thủy triều cũng đang bắt đầu rút mạnh, ghềnh Cốc nhô lên đã cản trở đường chính cho quân giặc tháo chạy ra biển, thuyền giặc đã bị đâm vào bãi cọc và xô vào nhau vỡ tan tành. Cùng lúc đó, thủy quân ta ở trên thuyền cũng phản công rất mãnh liệt với nhiều loại vũ khí khác nhau như cung, nỏ, kiếm... áp sát vào thuyền của giặc cùng với những chiếc thuyền chứa đầy cỏ, củi khô cháy rừng rực trôi theo dòng nước gặp thuyền của giặc cháy bùng lên dữ dội. Trận chiến diễn ra trong vòng một ngày, quân ta bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, diệt trên 400 chiến thuyền, 8 vạn quân giặc. Thoát Hoan lại một lần nữa phải chui ống đồng thoát thân về nước theo đường phía Bắc. Trận Bạch Đằng năm 1288 đã chôn vùi đạo quân cuối cùng, đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc cường thịnh và tàn bạo nhất thời đại.
 
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là tổng hợp sức mạnh của toàn dân tộc, thắng lợi đó là mẫu mực của tinh thần “cả nước đồng lòng”, của sức mạnh toàn dân, của những hoàng đế anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, của những quý tộc anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư…, của những bình dân anh hùng như Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… và của đông đảo những người lính anh hùng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Đặc biệt là thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn, với việc áp dụng chiến thuật dùng cọc nhọn đâm thuyền địch, Trần Quốc Tuấn đã biết kết hợp linh hoạt hai yếu tố: Thứ nhất: phải dụ địch đến đúng bãi cọc diễn ra trận chiến khi thủy triều đang lên cao, bãi cọc chưa bị phát lộ; Thứ hai: phải nắm vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán đúng thời điểm để khi quân địch tới bãi cọc rồi, thủy triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm thủng. Sự kết hợp kì diệu hai yếu tố đó đã tạo nên một chiến công lừng lẫy. Điều đó cho thấy, Trần Quốc Tuấn đã rất thành công bởi kế sách độc đáo cũng như sáng tạo trong việc lợi dụng địa hình, địa thế tự nhiên, tính toán chính xác sự lên xuống của con nước. Chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288) là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
 
Ngày nay, khu di tích bãi cọc Bạch Đằng (gồm bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2, bãi cọc Đồng Vạn Muối diện tích khoảng 6.000m2, bãi cọc Đồng Má Ngựa diện tích khoảng 2.100m2) ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã được đắp bờ bao bảo vệ xung quanh. Một số cọc đã được lấy lên và những cọc còn lại được bảo tồn trong hố trưng bày tại chỗ. Tuy nhiên, những cọc Bạch Đằng ở di tích này đa số phần đầu cọc nhô lên đã bị mục gẫy, phần thân cọc vẫn cắm dưới bùn đất nhưng đây lại là chứng tích vô cùng quan trọng của trận chiến lịch sử trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt.
 
Nói đến chiến thuật sử dụng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng không thể không nhắc tới thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo, bà bán nước bên sông… mà công lao to lớn đó đã được nhân dân khắp nơi lập đền thờ. Ở Quảng Ninh, Đền Trần Hưng Đạo tọa lạc trên doi đất bên bờ sông Bạch Đằng thuộc địa phận xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (nay là phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên). Đền Trần Hưng Đạo là nơi thờ người anh hùng dân tộc với sự kiện chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại năm 1288. Ghi nhớ chiến công, tưởng nhớ người anh hùng Trần Hưng Đạo, dân làng An Hưng (Yên Giang ngày nay) lập đền thờ Ngài bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Bên cạnh đền Trần Hưng Đạo là Miếu Vua Bà được xây dựng từ thời Trần trên doi đất cổ, cạnh bến đò cũ ngày xưa và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Đây là một trong số những di tích nằm trong quần thể bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản - những dấu ấn của Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Tương truyền rằng trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một bà cụ bán nước đã hỏi thăm vùng đất này. Bà cụ đã cung cấp cho Trần Hưng đạo về lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn bày cho chiến thuật hỏa công để Hưng Đạo Đại Vương đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò tìm bà hàng nước thì không thấy nữa, ông đã xin vua Trần sắc phong cho bà là "Vua Bà" và lập đền thờ tại đây. Hàng năm, vào ngày 8/3 âm lịch diễn ra lễ hội Bạch Đằng (giỗ trận) ở đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà và các đền đình khác thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh như: Đình Yên Giang (xã Yên Giang), Đình Trung Bản (xã Liên Hoà), Đền Trung Cốc (xã Nam Hoà), Đình Điền Công (xã Điền Công). Lễ hội diễn ra để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh nhà Trần đã có công chống giặc ngoại xâm với trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng. Trong ngày hội có rất nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi như: Lễ rước Đức Thánh Trần từ đền Bạch Đằng Linh Từ về đình Yên Giang, những trò chơi ôn lại những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng (đua thuyền chải, diễn xướng về chiến trận Bạch Đằng: lễ dâng lịch con nước triều, kế phát hoả, cắm cọc trên sông Bạch Đằng...
 
Những chiếc cọc Bạch Đằng trưng bày ở Bảo tàng lịch sử quốc gia là hiện vật quý hiếm còn lại đến ngày nay, là chứng tích về truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trận địa cọc không chỉ như một loại vũ khí độc đáo trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288 mà còn thể hiện phương pháp tác chiến độc đáo, sự sáng tạo tuyệt vời trong nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt dưới thời Trần.
Bức tranh trận chiến Bạch Đằng, năm 1288.
 
Cọc gỗ, dùng trong trận chiến trận chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông
trên sông Bạch Đằng, năm 1288.