Image
Loading
20/10/2021 04:19 CH
Lấy ý tưởng từ hình tượng than đá - loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh, kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo đã thiết kế Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh thành một công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Bảo tàng Quảng Ninh là một phần trong cụm công trình Bảo tàng - Thư viện nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Nhìn từ phía ngoài, bảo tàng tạo ấn tượng với du khách bằng lớp kính màu đen bao bọc tòa nhà như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời và thành phố Hạ Long.
    Bảo tàng Quảng Ninh - nhìn từ phía ngoài        Kiến trúc độc đáo của Bảo tàng
qua ống kính của Nhiếp ảnh gia Hoàng Dương
 
Hệ thống trưng bày trong nhà thu hút du khách với nhiều ý tưởng lạ mắt được lấy cảm hứng từ giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh Quảng Ninh.
 
Mô hình trưng bày ống núi in hình vịnh Hạ Long, kết hợp ánh sáng chiếu rọi mờ ảo, giúp du khách cảm thấy như đi trong lòng Vịnh để tìm hiểu tài nguyên thiên nhiên trên vùng đất Quảng Ninh.
 
Trong từng ống núi, các hiện vật được trưng bày tại các hộp vuông, chiếu ánh sáng rõ nét giúp du khách hiểu được những lợi thế thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh: Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển… và các nét riêng của ngư dân biển trong lao động và sinh hoạt.
 
 
 
 
 
Mô hình ống núi nhìn từ phía ngoài
         Mô hình ống núi                                                           
 
Mô hình con thuyền gỗ - du khách như được đu đưa trên vịnh Hạ Long để tìm hiểu một nền văn hóa biển đặc trưng.
 
Mô hình con thuyền gỗ với nhiều đường cong và tủ trưng bày vuông, tròn kết hợp lạ mắt đã giúp giới thiệu tới du khách cuộc sống của cư dân Hạ Long ngay từ buổi đầu, cách đây 7000-6000 năm. Thời điểm đó cư dân Hạ Long đã biết sử dụng các công cụ mũi nhọn, những hòn kê, hòn đập để duy trì cuộc sống của mình, thể hiện tinh thần chế ngự thiên nhiên và ý thức bám biển của họ. Đây cũng chính là những yếu tố nội sinh để hình thành nên nền văn hóa Hạ Long - chính là một nền văn hóa biển đặc sắc, với 03 đặc điểm chính: Tạo ra công cụ lao động sản xuất, tạo ra đồ trang sức và tạo ra đồ gốm. Trên các hiện vật là bình gốm, bát gốm, mảnh gốm giai đoạn này, hoa văn chữ S, hay còn gọi hoa văn hình sóng nước được thể hiện một cách rõ nét, là nét riêng có được cư dân vùng biển thể hiện trên sản phẩm của họ.
Mô hình con thuyền gỗ
       
                 Mô hình con thuyền gỗ               
   
Mô hình khoang máy bay: sống dậy những năm tháng bắn rơi máy bay Mỹ hào hùng, oanh liệt.
 
Lấy ý tưởng mô hình khoang máy bay, không gian trưng bày lịch sử Quảng Ninh trong những ngày đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã được khắc họa lại đầy đủ và xúc động.
 
Trong hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (lần thứ nhất từ 1964-1968 và lần thứ hai năm 1972), quân dân Quảng Ninh đã trải qua 4 năm, 1 tháng, 7 ngày (tính ra vừa tròn 1.500 ngày) trực tiếp đối mặt với các cuộc oanh kích của máy bay Mỹ. Trong những tháng năm ấy, nhân dân Quảng Ninh vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chi viện sức người, sức của cho miền Nam, vừa đánh trả máy bay Mỹ.
 
Kết quả quân dân Quảng Ninh đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống 24 tên giặc lái. Ghi dấu đậm nét trong trang sử chống Mỹ oanh liệt, hào hùng.
      Mô hình khoang máy bay – Tầng 2
 
                                          
     Mô hình khoang máy bay -Tầng 2              
   
Sa bàn khai thác than lộ thiên và mô hình hầm lò: giúp du khách hiểu được lịch sử và sự phát triển của ngành khai thác than ở vùng đất Quảng Ninh

Sa bàn giới thiệu mô hình than lộ thiên, mô phỏng khai trường mỏ than Cọc 6 (Công ty CP Than Cọc 6 - Vinacomin), một trong 5 “cánh chim đầu đàn” của Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sa bàn tái hiện công nghệ khai thác mỏ lộ thiên bằng hệ thống hào mở vỉa bám vào vách vỉa than; thiết bị đào hào là máy xúc thủy lực gầu ngược kết hợp với máy xúc EKG... Ở đây du khách có thể thấy hệ thống khai thác phổ biến của ngành Than là xuống sâu dọc một hoặc hai bờ công tác, đất đá đổ ra bãi thải ngoài...
 
Mô hình hầm lò than được mô tả chi tiết theo tỷ lệ 1/1 với đầy đủ cột chống, xe goòng, công nhân mỏ đang làm việc… không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế khi bước đi trong hầm lò, cảm nhận được sự tiến bộ trong áp dụng khoa học công nghệ của các mỏ than hiện nay, mà còn cảm nhận được sự vất vả của những phu mỏ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị với hình thức khai thác thô sơ, thủ công… Qua đó du khách có sự so sánh giữa khai thác than xưa và nay, hiểu được ý chí kiên cường trong lao động, chiến đấu của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh.
 
  Sa bàn khai thác than lộ thiên; Ảnh: Vietbull
 
                      Đường vào mô hình hầm lò than                                               
       Hình ảnh khai thác than thủ công
             thời thực dân Pháp cai trị
 

     Khai thác than hiện đại ngày nay
 
 Có thể thấy, những ý tưởng độc đáo và lạ mắt của nhà thiết kế đã giúp Bảo tàng Quảng Ninh để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách tham quan, trở thành điểm đến thu hút du khách khi tới vùng đất Quảng Ninh.
 
Phạm Làn – Bảo tàng Quảng Ninh
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới

  • 06/02/2023 10:20 SA

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới ra đời là phát minh vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người. Cho đến hiện tại, thiết bị này vẫn không ngừng được cải tiến và hoàn thiện về mọi mặt. Nhờ có phát minh này mà nghệ thuật nhiếp ảnh...