Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) ngày 25/8/2022 đã công bố định nghĩa mới về bảo tàng tại hội nghị toàn thể lần thứ 26 diễn ra ở Praha (Séc). Theo đó, định nghĩa bảo tàng là một “tổ chức thường trực và phi lợi nhuận phục vụ lợi ích xã hội, đồng thời là nơi nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, diễn giải và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể”. Với định nghĩa mới, ICOM nhấn mạnh bảo tàng là nơi rộng mở với công chúng, có tính chất dễ tiếp cận và hòa nhập, giúp thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Các bảo tàng hoạt động và tương tác với công chúng theo chuẩn mực đạo đức, đảm bảo chuyên nghiệp và bao gồm sự tham gia của cộng đồng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho giáo dục, thưởng thức, thẩm định và chia sẻ kiến thức.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5, Cục Di sản văn hóa và ICOM Việt Nam đã giới thiệu chủ đề hoạt động của ICOM năm 2024:“Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research). Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024 là dịp để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa trong việc cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là những không gian quan trọng nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới.
Ảnh: Áp phích (poster) kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 2024
Thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã thể hiện vai trò như là một trong các đại sứ của Ngày Quốc tế bảo tàng, thông qua các hoạt động thiết thực và mối quan hệ với cộng đồng, khách tham quan. Ngoài các hoạt động theo kế hoạch công tác, việc tham gia Ngày Quốc tế Bảo tàng còn là dịp để Bảo tàng tăng cường việc xây dựng quan hệ đối tác với các trường học, các hiệp hội, các bảo tàng trong và ngoài tỉnh, nhằm quảng bá sự kiện của bảo tàng và củng cố mối liên kết với các tổ chức có mục tiêu tương tự. Tính từ 01/01/2024 đến hết tháng 4/2024, Bảo tàng Quảng Ninh đã đón hơn 116.998 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu.
Tháng 01/2024, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” tại Bảo tàng Quảng Ninh. Tại đây, bảo tàng cũng đã xây dựng không gian check in Tết Việt mang đậm không khí Tết cổ truyền dân tộc và trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ, tạo nên sự tương tác vui vẻ, kết nối và để lại sự ấn tượng đến với nhiều đối tượng khách tham quan.
Tháng 4/2024, Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Độc đáo Lễ Cấp sắc người Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh”. Thông qua nội dung trưng bày đã giới thiệu đến khách tham quan những nét độc đáo nhất trong các nghi thức chính thực hiện Lễ Cấp sắc người Dao Thanh Y tỉnh Quảng Ninh, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và di sản văn hóa Quảng Ninh nói chung, văn hóa, con người Dao Thanh Y nói riêng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, hướng tới hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh tích cực tổ chức các hoạt động theo chủ đề
Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024: “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”
Đầu tháng 5/2024, Bảo tàng Quảng Ninh đã phối hợp với Khoa Văn hóa, trường Đại học Hạ Long tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh thông qua hiện vật Bảo tàng năm 2024”. Hội thi diễn ra nhằm mục đích nâng cao trình độ năng lực, nghiệp vụ thuyết minh viên và kiến thức, kỹ năng thực tế của sinh viên chuyên ngành văn hóa; đồng thời là cơ hội để Bảo tàng Quảng Ninh và Trường Đại học Hạ Long giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu về hiện vật bảo tàng, qua đó tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với du khách.
Từ năm 2020, Bảo tàng Quảng Ninh đã là một trong những đơn vị tiên phong phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và các bảo tàng địa phương khác, tổ chức giờ học lịch sử cho các em học sinh thuộc khối tiểu học và THCS trên toàn quốc với chương trình: “Giờ Sử Online”. Chương trình được thiết kế kết hợp với công nghệ số, thu hút sự quan tâm của học sinh, mang lại hiệu quả cao cho các em khi tiếp thu kiến thức lịch sử trên nền tảng số.
Cùng với đó, bảo tàng thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua các chương trình tham quan, học tập thực tế, giáo dục lịch sử địa phương, từ đó khơi gợi niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tạo động lực để các em học tập, sáng tạo và có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Bảo tàng Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ, kết nối với các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin tới các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị liên quan về hoạt động của bảo tàng, từ đó góp phần nâng cao giá trị, lan tỏa tầm quan trọng của bảo tàng trong xã hội đến với nhiều đối tượng công chúng khác nhau.
Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc phát triển trưng bày tương tác, đổi mới ứng dụng công nghệ số cũng được Bảo tàng Quảng Ninh coi trọng. Bảo tàng ảo được tích hợp trên giao diện của trang thông tin điện tử qua đường link http://baotangao.baotangquangninh.vn/ đã giới thiệu từ tổng quan đến cụ thể từng không gian trưng bày, tái hiện dưới hình thức 3D sinh động, hấp dẫn, với nội dung cơ bản, súc tích, đem lại cho khách tham quan những trải nghiệm mới mẻ, đa chiều.
Bảo tàng Quảng Ninh tích cực thực hiện các hướng dẫn về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương (Hướng dẫn số 126-HD/BTGTW ngày 19/12/2023), giới thiệu các hoạt động của Bảo tàng, nội dung giá trị hiện vật, sưu tập hiện vật, quảng bá giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội trên Website, Fanpage Bảo tàng Quảng Ninh. Kể từ khi thiết lập đến nay, website của Bảo tàng Quảng Ninh đã thu hút được gần 7 triệu lượt xem và theo dõi.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện, tăng cường công tác chuyển đổi số trên mọi mặt công tác hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá, bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ; Tăng cường công tác nghiên cứu chuyên môn, đổi mới hoạt động, xây dựng nội dung trưng bày, triển lãm chuyên đề theo xu hướng tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa ngành, chú trọng bổ sung thông tin, xây dựng các sưu tập hiện vật có giá trị; Tăng cường các hoạt động giáo dục, xây dựng thêm nhiều chương trình giáo dục di sản văn hóa có chất lượng, hướng tới các nhóm khách tham quan chuyên sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu về các chương trình giáo dục di sản văn hóa cơ bản, dễ thực hiện, dễ phối hợp, chia sẻ với các bảo tàng và trường học khác.
Hòa chung không khí sôi nổi, hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024, Bảo tàng Quảng Ninh cùng các bảo tàng trong và ngoài nước, cùng nhìn nhận lại về giáo dục nhằm hướng tới một tương lai, trong đó sự đổi mới hòa quyện với truyền thống, sẵn sàng chia sẻ kiến thức vượt qua mọi rào cản. Bảo tàng Quảng Ninh khuyến khích những người yêu quý di sản văn hóa cùng bảo tàng khám phá sự giàu có về kiến thức, tìm tòi sâu rộng về lịch sử và cùng nhau xây dựng một thế giới thông tin rộng mở hơn, bao trùm hơn, góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tới các thế hệ mai sau.
Tin bài: Nguyễn Xuân (Bảo tàng Quảng Ninh).