Tọa lạc bên bờ Di sản thế giới vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh được thiết kế độc đáo về kiến trúc cùng với cách trưng bày hiện đại. Nơi đây là điểm đến ấn tượng đối với du khách gần xa khi đến với vùng danh thắng nổi tiếng vịnh Hạ Long.
Khách tham quan trưng bày
Giám đốc Trung tâm Thông tin Bảo tồn và Phát huy di sản Văn hóa - Bảo tàng Quảng Ninh Phan Thị Thúy Vân cho biết, kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Pe’rez Arroyo, một trong những kiến trúc sư hàng đầu thế giới theo trường phái hậu hiện đại, giảng viên tại nhiều trường Đại học nổi tiếng thế giới đã nghiên cứu và thiết kế Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh thành một công trình nghệ thuật hết sức ấn tượng, độc đáo. Với tổng diện tích gần 24.000 m2, bảo tàng gồm 3 khối nhà Hội nghị - Bảo tàng - Thư viện, kết nối với nhau bằng hệ thống cầu kính trên cao. Đặc biệt, cụm công trình lắp 14.000 m2 kính bán cường lực, có khả năng chống tự vỡ do biến đổi nhiệt. Ban ngày, tòa nhà như một tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh mây, trời, sóng nước và một góc Tp. Hạ Long thơ mộng. Ban đêm như biến vào hư không, chỉ có dòng chữ Bảo tàng Quảng Ninh lung linh rực sáng.
Ngay từ cửa vào của tầng thứ nhất, hình ảnh tạo ấn tượng với du khách là không gian của biển cả và thiên nhiên. Với chủ đề Đa dạng sinh học và Tài nguyên thiên nhiên. Điểm nhấn là 4 cột trưng bày hình dạng ống, tượng trưng cho núi đá, hang động vịnh Hạ Long. Mỗi ống núi là một không gian riêng ghi lại quá trình kiến tạo địa chất, khoáng sản, biển, hệ sinh thái biển, động thực vật đặc hữu, các loại côn trùng. Ngoài các màn hình Led chiếu phim tài liệu theo chủ đề còn có hệ thống máy chiếu 3D tạo cảm giác cho du khách như đi giữa lòng đại dương mênh mông. Tiếp nối là nội dung trưng bày đời sống, ngư cụ của ngư dân cùng các hiện vật thể khối như thuyền gỗ, thuyền buồm ba vát, thuyền chải với hội đua thuyền nổi tiếng của các xã đảo huyện Vân Đồn. Ở không gian này chủ yếu sử dụng ánh sáng tự nhiên kết hợp với các sắc màu rực rỡ của cánh buồm và trang phục lễ hội, du khách như được hòa vào đời sống thường nhật của dân chài miền biển Quảng Ninh.
Không gian trưng bày về khai thác than trong hầm
Tầng hai có nhiều khu trưng bày độc đáo. Với thiết kế mô phỏng lòng thuyền, gian đầu là nơi trưng bày các hiện vật khảo cổ học của các thời kỳ lịch sử tiền sơ sử, sơ sử cho tới cận đại, phác họa nên hình ảnh của vùng đất Quảng Ninh đầy biến động. Với cách trưng bày hiện đại, tạo không gian, sử dụng ánh sáng hợp lý, nổi bật như trưng bày Quảng Ninh thời kỳ kháng chiến chống Pháp được thiết kế với rừng cây bao phủ tượng trưng cho Chiến khu Đông Triều anh hùng thì đến thời kỳ chống Mỹ lại được đặt trong không gian tựa như khoang máy bay, gợi nhớ về “ Sự kiện vịnh Bắc Bộ”ngày 5/8/1964. Bên cạnh đó, không gian Văn hóa tâm linh gắn với Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm được bố trí một khu vực riêng. Tại đây, khách tham quan được chiêm ngưỡng mô hình chùa Đồng và nhiều hiện vật cổ, Bảo tháp thời Trần và các vật liệu kiến trúc đặc trưng thời Trần…
Trưng bày bộ khung xương cá voi
Lên tầng 3, du khách sẽ được khám phá không gian trưng bày về lịch sử hình thành và phát triển của ngành than. Tại đây, công việc, đời sống của những người thợ mỏ được khắc họa thông qua sa bàn động. Đặc biệt, phần giới thiệu về khai thác than hầm lò với cách trưng bày độc, lạ, đó là tạo các đường lò có tỷ lệ 1/1 với các phương pháp chống lò thủ công và chống lò thủy lực đã tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan, được trải nghiệm thực tế như đi trong hầm lò. Cũng tại tầng 3, có không gian trưng bày về đời sống, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng của văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Không gian cuối của Bảo tàng là nơi trưng bày hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh - nơi vinh dự được đón Bác về thăm 7 lần. Theo Giám đốc Thúy Vân, bên cạnh khu trưng bày chính, Bảo tàng kết nối với khối nhà Hội nghị bằng cầu kính trên cao. Ngoài việc tổ chức các sự kiện, khối nhà Hội nghị còn là nơi trưng bày, giới thiệu các cổ vật độc đáo, có giá trị về nhiều mặt. Tiêu biểu là 5 Bảo vật Quốc gia như hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử; bình gốm Đầu Rằm; trống đồng Quảng Chính; thống đồng thời Trần; mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu thời Lê Sơ.
Trưng bày cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa
Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Kiều Đinh Sơn cho biết, với cách trưng bày mở, hiện đại, độc đáo, sử dụng công nghệ, ánh sáng cao kết hợp với màu sắc ấn tượng, mỗi nội dung trưng bày đều có điểm nhấn mạnh, gây sự chú ý và thu hút du khách. Bảo tàng được kết nối với các điểm du lịch như cụm di tích và danh thắng núi Bài Thơ, khu nhà thờ xứ Hồng Gai, tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marine Plaza, Trung tâm Thương mại Vincom Center Hạ Long, Cung quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm… Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh là sản phẩm du lịch đặc sắc, chứa đựng các giá trị văn hóa. Chính vì thế nơi đây, hàng năm đã thu hút đông du khách vừa vui chơi, giải trí, trải nghiệm và mua sắm. “Bên cạnh việc chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ thuyết minh viên; chỉnh lý, đổi mới công tác trưng bày; đề cao việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá; tăng cường kết nối với các Công ty du lịch, lữ hành, các trường học để thu hút du khách nội địa, góp phần đưa hình ảnh Bảo tàng Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn, an toàn trong hành trình khám phá di sản thế giới vịnh Hạ Long, Quảng Ninh”.