Bình gốm Đầu Rằm( Quảng Ninh) phát hiện vào năm 1998 tại di chỉ khảo cổ Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia (đợt 7, tháng 12/2018) cùng với 21 hiện vật khác của cả nước.
Bình gốm Đầu Rằm – Bảo vật Quốc gia
Đây là hiện vật gốc độc bản, được tìm thấy trong số hàng trăm di tích thời đại tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam. Thông qua kết quả phân tích bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang, các nhà khoa học nhận định bình gốm Đầu Rằm có niên đại tuyệt đối khoảng 3.000-3.400 năm cách ngày nay, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên. Từ giai đoạn sau Phùng Nguyên, khi đồ đồng dần phát triển, sự tài khéo và cảm nhận thẩm mỹ của người Việt đã dần chuyển sang đồ đồng. Do vậy, những tác phẩm tuyệt mỹ như bình gốm Đầu Rằm hay bát bồng và thố Phùng Nguyên đều không được sản xuất nữa.
Bình gốm Đầu Rằm được làm bằng chất liệu đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700-800°C, thuộc loại gốm tương đối cứng, hay còn gọi là gốm chắc. Xương gốm màu xám đen, làm bằng đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng.
Bình có hình dáng độc đáo như chiếc gùi tre, duy nhất của thời đại đồng thau được phát hiện trong khảo cổ học, còn tương đối nguyên vẹn, chiều cao (chỉ tính phần còn lại) là 25,3cm, đường kính vai bình 14cm. Thân bình hình chóp cụt, phần trên lớn hơn phần dưới, chia thành 3 phần: miệng bình rộng 6,5cm, vai bình cao 2,3cm, thân bình cao 16,2cm. Chân bình hình thang có đáy hình vuông, kích thước 6,8cm. Xương gốm dày trung bình từ 0,5cm đến 0,7cm. Phần miệng bình bị vỡ, chân đế có một số vết sứt nhỏ, 2/5 diện tích bề mặt ngoài của bình bị vôi hóa. Trên thân bình có một lỗ nhỏ (khoảng 3cm) gần vai, khả năng đây là lỗ của vòi bình đã bị vỡ.Toàn bộ thân bình có màu đỏ sẫm, 2/5 thân bình có màu trắng xám (do lộ trên mặt đất, bị vôi hóa bởi nước trong hang đá vôi).
Sự độc đáo của bình gốm Đầu Rằm không chỉ được thể hiện ở hình dáng mà còn ở hoa văn trang trí, như: Hoa văn chải; đắp nổi; đường chỉ chìm; đường chấm dải;hình chiếc lá; khắc vạch song song; khắc vạch chéo hình ô trám… Đặc biệt hoa văn hình chữ S trên bình gốm Đầu Rằm mang tính đặc trưng, điển hình cho hoa văn trang trí trên đồ gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên, đã chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa cư dân ở Đầu Rằm, thuộc văn hóa Hạ Long với cư dân thuộc Văn hóa Phùng Nguyên.
Các chuyên gia cùng các nhà quản lý đang thẩm định giá trị của bình gốm Đầu Rằm
Các nhà khoa học đã nhận định bình gốm Đầu Rằm là một trong những thành tố góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, đặc biệt là hoa văn trang trí. Sau này những mô típ hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn đã kế thừa sáng tạo từ văn hóa Phùng Nguyên, góp phần tạo nên nghệ thuật đỉnh cao của Văn hóa Đông Sơn.
Bình gốm Đầu Rằm là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử. Là tác phẩm nghệ thuật gốm tiêu biểu, đặc sắc của văn hóa Phùng Nguyên, nền văn hóa được đánh giá là đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồ đá và đồ gốm.Thông qua Bình gốm Đầu Rằm giúp chúng ta nhận biết về ngành nghề truyền thống, khoa học kỹ thuật, đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của người Việt cổ sinh sống trên vùng đất Quảng Ninh.
Bảo vật Quốc gia bình gốm Đầu Rằm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
Để giúp nhân dân và du khách được tận mắt chiêm ngưỡng bảo vật Quốc gia, Bảo tàng Quảng Ninh hiện đang trưng bày bình gốm Đầu Rằm và hộp vàng Ngọa Vân Yên Tử là hai cổ vật đã được công nhận bảo vật Quốc gia cùng với hàng trăm cổ vật có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ XIX tại tầng 2 - không gian trưng bày cổ vật. Hai bảo vật này được trưng bày trong tủ kính với hệ thống an ninh và chế độ bảo quản đặc biệt theo quy định về bảo quản bảo vật Quốc gia./.
Bài: Vũ Thị Kim Dung; ảnh: Đặng Thị Hoa, TLBT