Không gian trưng bày Chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh” tại Bảo tàng Quảng Ninh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý trong đó là một số bút tích của Bác trên các báo, những bức thư tay, điện khen của Người gửi cho quân dân Quảng Ninh. Những dấu ấn tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, tình cảm lớn lao của Người dành cho nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những nơi được Bác về thăm nhiều nhất khi Người còn sống. Bác đã đến thăm từ những hải đảo xa xôi, khu vực biên giới đến những tầng than, xưởng thợ, nhà máy, công trường… Đến đâu Bác cũng động viên, khen ngợi tinh thần thi đua yêu nước, cần cù lao động sản xuất, sáng tạo, chiến đấu anh dũng của nhân dân các dân tộc và các lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Trên báo Vùng mỏ (số ra ngày 24/5/1962) có bài viết “Một người mù”, kể về anh Đỗ Tân ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều, dù bị mù hai mắt nhưng vẫn cố gắng học tập. Sau khi đọc bài báo, Bác đề lời khen “Anh Đỗ Tân mù cả 2 mắt vẫn cố gắng học tập và vận động bà con học tập” và đề nghị thưởng huy hiệu cho anh.
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Vùng mỏ
về đề nghị thưởng huy hiệu của Người cho anh Đỗ Tân
ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều (nay là phường Đức Chính, thị xã Đông Triều)
Tấm gương về “Cô mậu dịch viên số 23” (bài viết trên Báo Hồng Quảng) về chị Phạm Thị Minh Tới được Bác khen: “Cô Phạm Thị Minh Tới bán hàng mậu dịch thật thà, tận tâm, 4 năm liền lao động tiên tiến”, được thưởng huy hiệu của Bác.
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Hồng Quảng
về tấm gương chị Phạm Thị Minh Tới, mậu dịch viên,
cửa hàng công nghệ phẩm thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả).
Ngoài ra, còn có bút tích của Bác trên báo Nhân dân về việc thưởng huy hiệu của Người cho đồng chí Voòng Tắc Chắn ở đảo Cô Tô, xã đội trưởng, dân quân tự vệ, chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp. Bút tích trên báo Hồng Quảng đề nghị thưởng huy hiệu cho cô Bách, 17 tuổi ở Hợp tác xã Phong Cốc luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp.
Bút tích của Bác trên báo Vùng Mỏ đề nghị thưởng huy hiệu cho em Nguyễn Văn Mai, 12 tuổi, học sinh lớp 4 Trường cấp I xã Tràng An (Đông Triều) dũng cảm cứu một em bé khỏi chết đuối và chị Nguyễn Thị Đáy mặc dù nuôi ba con nhỏ nhưng vẫn tích cực phục vụ chiến đấu.
Bút tích trên báo Ninh Bình đề nghị thưởng huy hiệu cho cụ Phạm Văn Sành và cụ Phạm Văn Phiền, xã viên Hợp tác xã Ánh Hồng, xã Vĩnh Khê (Đông Triều) bị loà hai mắt, tuổi cao nhưng vẫn cần cù lao động, tích cực trong sản xuất.
Bút tích trên báo Quảng Ninh đề nghị thưởng huy hiệu cho đồng chí Đào Đình Lâm, công nhân bậc 4, mỏ Hà Lầm, có thành tích đạt 2 kỷ lục về đi lò cái và lò thượng độc đạo dẫn đầu mỏ. Bút tích trên báo Quân đội Nhân dân đề nghị thưởng huy hiệu cho hai nữ công nhân tổ sửa chữa hạt đường X thuộc tỉnh Quảng Ninh là chị Thi và chị Chiến đã dũng cảm và xung phong hiến máu để cứu người bị thương; Bút tích ghi trên tấm ảnh chân dung của Người dùng để gửi tặng một số đơn vị bảo vệ biển Đông Bắc, năm 1969.
Có thể nói, thông qua những bút tích của Bác trên rất nhiều tờ báo về những tấm gương cán bộ, chiến sĩ, công nhân, thiếu nhi… tỉnh Quảng Ninh, cho thấy Người rất quan tâm đến mọi mặt đời sống ở Vùng mỏ, nhất là tình hình sản xuất than và đời sống công nhân.
Bên cạnh bút tích để lại trên các báo, còn có những thư khen, điện khen của Bác với đồng bào Vùng mỏ như: Điện biểu dương công nhân và cán bộ mỏ than Thống Nhất năm 1963, điện biểu dương công nhân và cán bộ Xí nghiệp than Cửa Ông năm 1965; điện biểu dương công nhân và cán bộ mỏ than Cọc 6 năm 1965, điện biểu dương công nhân và cán bộ mỏ than Đèo Nai năm 1965; Thư khen ngợi quân và dân Quảng Ninh bắn rơi 100 máy bay Mỹ, ngày 19/8/1966; Thư khen gửi công nhân và cán bộ mỏ than Cọc 6 vì thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1968, ngày 7/9/1968.
Những câu từ ngắn gọn, súc tích, mở đầu với lời nhắn “Thân ái gửi…” và kết thúc với câu “Chào thân ái và quyết thắng!” nghe sao gần gũi, thân thuộc, nhẹ nhàng mà có sức động viên rất lớn lao: “Bác rất vui lòng nhận được báo cáo rằng: ngày 17 tháng 8 năm 1968 mỏ than Cọc 6 đã thắng lợi hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng than cả năm 1968. Như thế là rất tốt. Bác gửi lời khen ngợi toàn thể các cô, các chú công nhân và cán bộ mỏ than Cọc 6”. (Trích “Điện khen công nhân và cán bộ Mỏ than Cọc 6” ngày 7/9/1968).
Điện khen công nhân và cán bộ Mỏ than Cọc 6 (ngày 7/9/1968)
Bác nhắn gửi quân dân vùng Mỏ: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta. Quân và dân Quảng Ninh hãy phát huy truyền thống anh hùng của đất mỏ, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, đánh tan mọi âm mưu tội ác của giặc Mỹ, lập nhiều thành tích chiến đấu và sản xuất to lớn hơn nữa”. (Trích “Thư khen quân và dân Quảng Ninh bắn rơi máy bay giặc Mỹ”, gửi ngày 20/8/1966)
Thư khen quân và dân Quảng Ninh bắn rơi máy bay giặc Mỹ (gửi ngày 20/8/1966)
Dù bận trăm công nghìn việc, ở tận Thủ đô xa xôi, Bác vẫn dõi theo tình hình chiến đấu, lao động sản xuất, thi đua học tập của quân dân Quảng Ninh thông qua báo chí, các báo cáo và biểu dương, khen ngợi kịp thời. Đây chính là nguồn cổ vũ động viên, là sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh làm nên nhiều chiến công vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Mùa thu tháng 9, cùng với nhân dân cả nước tưởng nhớ ngày Bác mãi đi xa, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh càng thêm trân trọng những hình ảnh, hiện vật gắn liền với những lần Bác thăm và làm việc tại tỉnh nhà. Những bút tích Người để lại còn lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Quảng Ninh dường như còn lưu lại hơi ấm, nét cười, tình cảm yêu thương bao la của Người dành cho nhân dân vùng Mỏ. Đó là những giá trị sẽ còn mãi với thời gian, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu để giành thắng lợi không chỉ trong những chặng đường lịch sử đã qua mà cho cả các giai đoạn hiện nay và mai sau./.
Quỳnh Trang – Bảo tàng Quảng Ninh