Image
Loading
05/08/2021 03:50 CH
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964 đã lùi xa hơn một phần hai thế kỷ, nhưng những tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh vẫn luôn nhắc nhở và gợi cho chúng ta nhớ về chiến thắng mở đầu trận chiến tranh không lực chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc.
Không gian trưng bày về kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Ninh
 
Hôm nay vừa tròn 57 năm Chiến thắng mở đầu chống đế quốc Mỹ, ngày 5/8/1964 - 5/8/2021, hãy cùng Bảo tàng Quảng Ninh ôn lại sự kiện đó nhé!
 
Càng thua đau ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ càng liên tục thực hiện ý đồ tiến công đánh phá miền Bắc, dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Vào hồi 12 giờ 30 phút, ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Giônxơn trực tiếp ra lệnh cho máy bay từ Hạm đội 7 bắn phá nhiều nơi như: Bến Thủy (Nghệ An), Sông Gianh (Quảng Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa) và thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
 
13 giờ 35 phút, ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay của Mỹ gồm: 2 chiếc F86, 2 chiếc F102, 4 chiếc AD6 bất ngờ tập kích vào Bãi Cháy, cảng Hải quân cột 8 thị xã Hòn Gai. Sau 30 phút, chúng đã ném 10 quả bom, bắn nhiều đạn rốc két, giết chết 1 công nhân bến Hòn Gai, làm bị thương 3 người khác, đắm 1 xà lan chở than, hỏng 2 toa xe lửa và 1 đoạn đường ray.
 
Với tinh thần cảnh giác cao, ý chí căm thù đế quốc Mỹ sâu sắc, tinh thần quyết chiến quyết thắng, các lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Hòn Gai đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội pháo phòng không, Hải quân… nổ súng đánh trả chúng quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên giặc lái Anvaret. Đây là tên phi công Mỹ đầu tiên bị nhân dân ta bắt sống trên miền Bắc.
 
Ngay sau trận chiến đấu và chiến thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ cao xạ Bạch Đằng, Thủ tưởng nói: “Tôi rất vui mừng được thấy trận đánh thắng đế quốc Mỹ của các đồng chí. Tôi chuyển lời khen ngợi của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ phòng không, hải quân, công an, dân quân, tự vệ và toàn thể nhân dân Hòn Gai anh hùng. Thắng lợi của ta là rất lớn, nhưng mới là trận đầu. Chúng còn có thể đến với lực lượng lớn hơn nữa. Một điều quan trọng là phải rút kinh nghiệm để rút ra những bài học chiến đấu làm cho thắng lợi sẽ to lớn hơn nữa. Rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi, để có thể chiến thắng hơn nữa”. [1]
 
Hiện nay, tại tầng 2 của Bảo tàng Quảng Ninh, toàn bộ hiện vật về kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Ninh được trưng bày trong không gian thiết kế rất độc đáo, giống như trong khoang một chiếc máy bay, nhắc chúng ta nhớ về “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964 với những hình ảnh, hiện vật như: mũ phi công, giầy và ảnh Trung úy phi côngMỹ Anvaret; Mảnh xác máy bay của máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hòn Gai ngày 5/8/1964; Ảnh Khẩu đội phòng không khu phố Bạch Đằng – Hòn Gai bắn máy bay Mỹ ngày 5/8/1964; Tổng đài điện thoại của đồng chí Vi Thị Mến, nữ điện báo viên Bưu điện Bãi Cháy dũng cảm bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc trong trận Mỹ bắn phá Hòn Gai ngày 5/8/1964; Thùng đạn 14,55mm, binh nhất Đổng Quốc Bình dùng để tiếp tế đạn cho các đồng đội chiến đấu trên tàu 124 Hải quân; Hộp đầu nổ đạn dùng trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai và rất nhiều tư liệu hiện vật là tang vật trong chiến tranh không lực của Mỹ ở Quảng Ninh những năm 1968-1972.
 
Đây là những hình ảnh tư liệu hiện vật vô cùng giá trị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Quảng Ninh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương, đất nước.
 
Một số tư liệu, hiện vật liên quan đến trận chiến thắng ngày 5/8/1964
 
 
Khẩu đội phòng không khu phố Bạch Đằng – Hòn Gai
bắn máy bay Mỹ ngày 5/8/1964
 
Tổng đài điện thoại của đồng chí Vi Thị Mến, nữ điện báo viên Bưu điện Bãi Cháy
dũng cảm bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc
trong trận Mỹ bắn phá Hòn Gai ngày 5/8/1964
 
Thùng đạn 14,55mm, binh nhất Đổng Quốc Bình
dùng để tiếp tế đạn cho các đồng đội chiến đấu trên tàu 124 Hải quân
và Hộp đầu nổ đạn dùng trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai
 
Mảnh xác máy bay của máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hòn Gai ngày 5/8/1964
 
Ảnh Trung úy phi công Mỹ Anvaret bị bắt trong trận 5/8/1964
 
Mũ phi công và giầy của Trung úy phi công Mỹ Anvaret bị bắt trong trận 5/8/1964
 
* Ghi chú:
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập III (1955-1975).
Thúy Vân – Đặng Hoa
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Giữ gìn không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm

Giữ gìn không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm

  • 14/07/2024 12:00 SA

Không gian văn hoá Phật giáo Trúc Lâm có tính tổng hợp, bao quát, đa dạng, hình thành từ Yên Tử và bao trùm lên toàn bộ không gian di sản, ảnh hưởng đến các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, đã và đang được TP Uông Bí...