Image
Loading
03/01/2024 12:00 SA
Ngày 01/1/2024, tại đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái đã tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ.
Đình Trà Cổ được xây dựng từ thế kỷ XVII, là công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, mang đậm dấu ấn văn hoá Việt trên vùng biên giới Đông Bắc Tổ quốc. Đình được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, cao ráo ở trung tâm của bán đảo Trà Cổ xưa (nay thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ), đình quay hướng nam ghé đông, nằm cách bãi biển Trà Cổ khoảng 200m theo đường chim bay; có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh (丁), gồm Đại Đình (năm gian hai chái) và Hậu cung với tổng diện tích mặt sàn rộng 411m2. Đình Trà Cổ là nơi thờ 7 vị thần Thành hoàng làng Trà Cổ (gồm các vị: Bạch Điểm Tước, Huyền Quốc Lã Thái úy, Ngọc Sơn, Không Lộ, Giác Hải, Quảng Trạch, Nhân Minh) và sáu vị Tiên hiền có công khai hoang, lập làng Trà Cổ.
Đình Trà Cổ nhìn từ trên cao
 
Là một di tích mang trong mình nhiều giá trị đặc sắc, riêng có. Mặc dù nằm cách xa trung tâm, lại gần sát biên giới - nơi có mật độ giao lưu, giao thoa văn hóa rất cao, nhưng kiến trúc và nghệ thuật trang trí kiến trúc đình Trà Cổ vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian dân tộc, thể hiện sâu sắc cốt cách, tâm hồn người Việt Nam. Nằm trong dòng chảy của kiến trúc đình làng Việt truyền thống, đình Trà Cổ hoàn chỉnh và hoàn hảo, là một trong những ngôi đình đẹp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh; nổi bật lên khi so sánh với nhiều di tích khác ở xung quanh, khẳng định nền văn hóa - nghệ thuật Đại Việt hiên ngang đứng nơi địa đầu Tổ quốc.
 
Đình Trà Cổ 
 
Về kiến trúc, đình Trà Cổ là kiến trúc gỗ có mặt bằng hình chữ Đinh (丁) thuộc loại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc đình làng nói riêng, lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung. Mặt bằng nền kiến trúc hình chữ Đinh (丁), nhưng mặt bằng mái lưu ảnh hình chữ Công (工) tạo nên điểm nhấn gây ấn tượng với thị giác con người, nó biến đổi linh hoạt theo góc nhìn của mỗi người. Đình Trà Cổ là một trong số ít ngôi đình ở Việt Nam còn bảo tồn nguyên vẹn được hệ thống sàn gỗ với đủ ba cấp sàn và có thêm sàn hiên.
 
Về nghệ thuật, những chạm khắc ở đình Trà Cổ thể hiện sự khéo léo và trau chuốt của những người thợ - người nghệ nhân dân gian; đồng thời nó phản ánh nguồn gốc lịch sử, quá trình tồn tại, phát triển của di tích và sự kế thừa những tinh hoa nghệ thuật của đời sau đối với đời trước; giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống kinh tế xã hội cũng như tâm tư, tình cảm của thế hệ cha ông - những người có công khai mở và bảo vệ vững chắc vùng biên cương nơi địa đầu Tổ quốc thiêng liêng. Các đề tài chạm khắc chủ yếu tập trung tôn vinh sự uy nghiêm của ngôi đình và sự linh thiêng của các vị thần chủ, nhưng cũng rất phong phú với đường nét và bố cục không bị trùng lặp, tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật đa dạng trong sự thống nhất. Nhiều đề tài mang đậm cốt cách tâm hồn Việt, nhất là những đề tài về hoa cỏ thiêng được chạm cách điệu/cường điệu gắn với thế giới thần linh, mang giá trị biểu tượng đầy chất trí tuệ của cha ông, hoặc những cây thiêng được sáng tạo bởi tư duy liên tưởng mênh mông gắn với ý niệm về tâm linh. Những đề tài ấy minh chứng cho sức sống mãnh liệt và ý thức dân tộc được người xưa thể hiện tại vùng biên viễn, mang đậm tinh thần yêu quê hương xứ sở của người xưa gửi lại cho mai sau. Trong đó, đáng chú ý là những mảng chạm trên 5 bức ý môn gỗ có niên đại thế kỷ XVII, những mảng chạm trên các bộ vì kèo, trên các đầu bẩy, đầu dư, hay trên khám thờ…
 
Y môn gỗ niên đại thế kỷ XVII
 
Nằm sát biên giới Đông Bắc Tổ quốc, đình Trà Cổ là minh chứng sinh động cho quá trình hình thành, phát triển của vùng đất nói riêng; quá trình dựng nước và giữ nước (khai mở, dựng xây, khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên cương) của cha ông ta nói chung. Trải bao năm tháng, ngôi đình vẫn như một ngọn tuệ đăng khẳng định nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc hiên ngang đứng ở vị trí địa đầu của Tổ quốc và như một mốc biên giới mang đậm tinh thần yêu quê hương xứ sở của người xưa gửi lại cho mai sau. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của ngôi đình vẫn được bảo tồn, phát huy như những giá trị thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng. Có thể khẳng định, đình Trà Cổ là một “cột mốc văn hóa” uy nghiêm, trường tồn nơi địa đầu Tổ quốc.
 
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, đình Trà Cổ được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Với việc đình Trà Cổ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 8 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Đền Cửa Ông, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, Quần thể Thương cảng Vân Đồn và đình Trà Cổ. Ngày 01/1/2024, tại đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái đã tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ.
 
                         Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch                            trao Quyết định và Bằng xếp hạng di tích cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái
 
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hồ sơ khoa học và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ. Trong đó, thành phố Móng Cái có 02 tập thể (UBND thành phố, Phòng VHTT) và 02 cá nhân, Sở Văn hóa và Thể thao có 01 tập thể (Bảo tàng Quảng Ninh) và 03 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hồ sơ khoa học
và đề nghị Thủ tướng Chính phủ  xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ
 
Bài, ảnh: Phòng Di tích, Bảo tàng Quảng Ninh
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN