Khu trưng bày Lịch sử phát triển ngành Than tại tầng 3 của Bảo tàng Quảng Ninh đã dành một nơi trang trọng để trưng bày hình ảnh, tư liệu về những thanh niên yêu nước trong phong trào vô sản hóa, hoạt động cách mạng ở khu mỏ Quảng Ninh những năm 1926-1929 như đồng chí Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Thị Mai, Vũ Văn Hiếu… Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Thanh Nghị (06/3/1911 – 06/3/2021), chúng ta cùng điểm lại quãng thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí tại Quảng Ninh.
Đồng chí Lê Thanh Nghị hoạt động trong phong trào công nhân
ở Nhà máy Điện cột 5, Hòn Gai những năm 1926-1928
(ảnh trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh)
Đồng chí Lê Thanh Nghị, tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 06/3/1911, trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Năm 16 tuổi làm ở Nhà máy Điện Cọc 5, Hòn Gai (Quảng Ninh). Đầu năm 1928, phong trào “vô sản hóa” lan rộng ở vùng mỏ, Nguyễn Khắc Xứng được cử đến Vàng Danh (Uông Bí) gây dựng cơ sở Đảng. Năm 1929, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh Lê Thanh Nghị. Tháng 4/1945, được cử làm Ủy viên thường trực Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, trực tiếp phụ trách Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chiến khu Đông Triều). Giữa tháng 10/1945, đ/c Lê Thanh Nghị, phái viên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trực tiếp về Tiên Yên nắm tình hình và chỉ đạo việc củng cố chính quyền cách mạng tỉnh Hải Ninh. Năm 1967, khi là Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng chí vẫn dành thời gian về thăm và chúc tết công nhân mỏ than Đèo Nai. Năm 1973, đ/c Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đề nghị Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cho tỉnh Quảng Ninh được hợp tác với Công ty nước ngoài quy hoạch đô thị khu vực từ Cửa Ông Cẩm Phả - Hòn Gai đến thị trấn Quảng Yên thành khu du lịch của Tỉnh và cả nước. Tiềm năng kinh tế của tỉnh từng bước được khơi dậy, đưa ngành du lịch trong tương lai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh.
Đ/c Lê Thanh Nghị với phong trào “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh
những năm 1926-1928 (ảnh trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh)
Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến tháng 12/1986, đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, nhiều cương vị khác nhau. Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nêu cao tấm gương sáng của người Đảng viên Cộng sản, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước ta.
Ngày 16/8/1989, đồng chí Lê Thanh Nghị đã từ trần tại Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam thăm và chúc Tết
công nhân mỏ Đèo Nai năm 1967 (ảnh trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh)
Để tưởng nhớ và ghi nhận những công lao đóng góp của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở vùng mỏ Quảng Ninh, nhiều con đường, tuyến phố chính của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh được mang tên Lê Thanh Nghị.
Phố Lê Thanh Nghị phía trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và đất nước. Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, sáng tạo góp phần thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh../.
Thúy Vân - Đặng Hoa