Image
Loading
14/07/2024 12:00 SA
Không gian văn hoá Phật giáo Trúc Lâm có tính tổng hợp, bao quát, đa dạng, hình thành từ Yên Tử và bao trùm lên toàn bộ không gian di sản, ảnh hưởng đến các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, đã và đang được TP Uông Bí gìn giữ, phát huy mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
 
Hiện vật có niên đại thế kỷ 13, 14 được tìm thấy tại Yên Tử.
Hiện vật có niên đại thế kỷ XIII, XIV được tìm thấy tại Yên Tử.

Nhìn tổng thể, không gian Yên Tử tại Uông Bí là nơi phát tích một tông phái đạo Phật. PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, đánh giá: “Các ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ngoài chức năng của loại hình thiết chế tôn giáo thực chất còn là những bảo tàng sống động về văn hoá Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo”.

Trong những năm qua, TP Uông Bí đã có nhiều giải pháp hiệu quả trùng tu, tôn tạo di tích nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với khai thác phát triển kinh tế, nhất là du lịch bền vững. Năm 1992, Ban Quản lý Di tích Yên Tử được thành lập và là một trong những di tích quốc gia đầu tiên có Ban Quản lý. Việc thành phố cho thành lập Ban Quản lý cho thấy một tầm nhìn, một khát vọng phục hưng Yên Tử. Những công trình chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, vườn tháp… lần lượt được trùng tu, tôn tạo.

Sau này, Ban đổi tên thành Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Ban Quản lý đã dập, dịch 101 văn bia, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị văn hoá vật thể vô cùng phong phú, trong đó có 770 hiện vật đã được lập hồ sơ dưới dạng miêu tả, chụp ảnh, đánh số hiện vật.

Hơn 30 năm qua, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong khu vực di tích, phát hiện nhiều di vật, tách lập được hệ thống bản vẽ mặt bằng của các điểm di tích, giúp giải mã nhiều vấn đề về khoa học, lịch sử, văn hoá liên quan đến danh nhân, di tích và không gian quy hoạch tổng thể khu di tích Yên Tử hiện tại và tương lai.

Cùng với đó, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tiếp tục phối hợp thực hiện các công trình bảo tồn và phát huy giá trị Yên Tử, trong đó có việc tôn tạo chùa Bảo Sái, trùng tu chùa Một Mái, am Dược, am Hoa; tu bổ, chỉnh trang các tháp cổ, hồ Mắt Rồng tại khu vực vườn tháp Huệ Quang, sửa chữa chống thấm nhà trưng bày, bảo quản hiện vật cổ tại chùa Giải Oan, chùa Vân Tiêu, duy tu, bảo trì các công trình hạ tầng trong khu di tích Yên Tử.

Đặc biệt từ năm 2013, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá, phân cấp cho các địa phương thực hiện Quy hoạch tổng thể 3 khu di tích trọng điểm của tỉnh, TP Uông Bí đã tích cực tu bổ, phục dựng các công trình bị hư hại, xuống cấp. Uông Bí đã dừng khai thác than tại một số khai trường quan trọng của Công ty Than Nam Mẫu, hoàn nguyên và khoanh định Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ.

Theo quan niệm ngày càng phát triển của di sản văn hóa thì những giá trị của Thiền phái Trúc Lâm ngày càng được bảo tồn, trùng tu và luôn được sáng tạo thêm, vì nhu cầu ngày càng cao của con người, trong cuộc sống luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại. Cho đến nay, một số công trình mới cũng tạo ra những điểm nhấn trong không gian văn hoá Yên Tử. Đơn cử, như cây cầu đá và lầu gỗ trên suối Giải Oan tạo ra sự hài hoà với cảnh quan chung. Năm 2005, chùa Đồng được phục dựng và lập kỷ lục Việt Nam về chùa đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao nhất. Đặc biệt, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh non thiêng Yên Tử, cao đến 12,6m, đúc bằng 138 tấn đồng, là những bằng chứng về sự sáng tạo và biến đổi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử theo dòng thời gian. Hay như Cung Trúc Lâm là công trình được thiết kế lấy cảm hứng từ các kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử.

Làm nón lá truyền thống tại không gian hội làng Yên Tử.
Làm nón lá truyền thống tại không gian hội làng Yên Tử.

Cách thức tiếp cận lễ hội Phật giáo ở non thiêng Yên Tử cũng có nhiều sáng tạo và đổi mới. Không dừng ở các lễ hội truyền thống, hiện nay, cộng đồng dân cư vừa bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống vừa cải biến, nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng hiện đại, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới. Bên cạnh một lễ hội xuân truyền thống, mấy năm nay còn có lễ hội về miền đất Phật mùa thu theo dấu chân Phật hoàng, lễ hội mai vàng Yên Tử gắn với hoa anh đào Nhật Bản. Đó là sự sáng tạo đã được cộng đồng thừa nhận.

Tham luận tại hội thảo “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí” vừa diễn ra, GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đánh giá: Trong những năm qua, Uông Bí và một số thành phố, địa phương khác của Quảng Ninh đã thực sự trở thành vùng đất hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa. Về văn hóa, Uông Bí nên tính sớm và thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Rồi đây, nếu Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới thì tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Uông Bí - Quảng Ninh là rất xa rộng, khả quan.

Theo baoquangninh.vn
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

“Yên Tử như một vũ trụ thu gọn các giá trị tinh thần, giá trị lịch sử

“Yên Tử như một vũ trụ thu gọn các giá trị tinh thần, giá trị lịch sử"

  • 12/08/2024 12:00 SA

Trong thời gian qua, bộ hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên...