Image
Loading
25/02/2025 12:00 SA
Quảng Ninh có nhiều di tích, khu lưu niệm liên quan về lịch sử ra đời, phát triển của Chi bộ Đảng tại Vùng mỏ. Hệ thống di tích này đang ngày càng chứng minh được giá trị lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và bồi đắp tinh thần yêu nước cho các thế hệ.
abc

1. Cụm Di tích Lịch sử - Cách mạng Khu mỏ Mạo Khê bao gồm: Địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh; chùa Non Đông (Tường Quang Tự) và Nhà máy Cơ khí Mạo Khê.

Ngày 23/2/1930, Chi bộ đầu tiên được thành lập ở Mạo Khê, gồm 5 đảng viên. Chi bộ Mạo Khê chủ trương phát triển Đảng, mở rộng các tổ chức quần chúng và xuất bản tờ báo Than. Cụm Di tích Lịch sử - Cách mạng Khu mỏ Mạo Khê cũng là nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ. Từ năm 2004, chùa Non Đông được đại trùng tu trong niềm hân hoan của Phật tử gần xa. Ngôi chùa hiện tại vẫn giữ được những nét kiến trúc điêu khắc truyền thống, là địa điểm tham quan chiêm bái của rất đông du khách, phật tử và những người yêu văn hoá lịch sử nói chung. Đối với nhà máy cơ khí, hiện vẫn còn ngôi nhà vòm (kiến trúc mái bê tông hình vòm nên thợ mỏ gọi là nhà vòm), một công trình có kiến trúc của Pháp đang dần bị mai một với thời gian. Công trình nhà vòm không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có nét đẹp kiến trúc cổ nhất tại Khu mỏ.

Địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên; chùa Non Đông cùng với Nhà máy cơ khí Mạo Khê, hợp thành Cụm Di tích Lịch sử Cách mạng Khu mỏ Mạo Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia vào cuối năm 2019.[1] Cụm Di tích Lịch sử - Cách mạng Khu mỏ Mạo Khê là địa chỉ đỏ để Thành uỷ Đông Triều, Đảng bộ Công ty Than Mạo Khê cũng như nhiều cơ quan đơn vị chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện báo công, tri ân, kết nạp Đảng viên mới v.v. hàng năm.

2. Thành phố Cẩm Phả, gắn liền với Chi bộ Đảng có Di tích Báo Than (phố Quang Trung, thành phố Cẩm Phả) là một di tích có giá trị lớn về lịch sử. Cuối năm 1928, hai nhóm Thanh niên Cẩm Phả và Cửa Ông ghép lại thành một Chi bộ do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Đây là Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Quảng Ninh. Chi bộ này đã tổ chức xuất bản tờ báo địa phương, lấy tên là Báo Than, phụ trách và viết bài là đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ. Người phụ trách in là đồng chí Vũ Thị Mai, công nhân nhà sàng. Toà soạn báo đặt tại ngôi nhà nhỏ thuộc phố Boóc-đô (nay là số 22, Quang Trung, Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả). Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 1928 đến đầu năm 1931, có lúc phải ngừng xuất bản nhưng Báo Than đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân mỏ, phát huy vai trò để các Chi bộ, Đặc khu uỷ tuyên truyền, vận động cách mạng, đoàn kết, tập hợp quần chúng Vùng mỏ dưới lá cờ của Đảng đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Theo năm tháng, hiện ngôi nhà nơi đặt Tòa soạn vẫn được bảo tồn, khẳng định giá trị lịch sử và được nhiều thế hệ làm báo ghé thăm. Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng đã được những chiến sĩ cách mạng nhóm lên, tỏa sáng và trao truyền cho thế hệ sau. Báo Than gắn liền với các bước trưởng thành của Vùng mỏ kiên cường, là một mốc son trong lịch sử báo chí cách mạng Quảng Ninh.[2] Di tích Toà soạn Báo Than đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Địa danh ghi dấu sự kiện người chiến sĩ Cộng sản kiên trung cắm cờ Đảng cổ vũ phong trào đấu tranh của công nhân: Cầu trục Poóc tích 1, nơi người Cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng, công nhân Nhà máy sàng Cửa Ông, đã cắm lá cờ đỏ búa liềm vào đêm 6, rạng ngày 7/11/1929. Tin tưởng vào ý thức trách nhiệm của người đảng viên trẻ, Chi bộ quyết định giao nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm trên cầu Poóc tích số 1 tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông để kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga cho đồng chí Ngô Huy Tăng, mở màn cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc bãi công năm 1936 của Công nhân Vùng mỏ. Cầu trục Poóc tích số 1 cảng Cửa Ông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1997.

3. Thành phố Hạ Long hiện nay, có hai khu lưu niệm tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy vùng mỏ Quảng Ninh.

Thứ nhất là tượng đài tại Nhà Văn hóa Công nhân Mỏ than Hà Tu, nơi sinh thời đồng chí Vũ Văn Hiếu đã sống và tham gia hoạt động cách mạng. Sau tượng đài có một bức phù điêu bằng đất nung, có chiều dài 10,5m và chiều rộng là 5,5m. Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu hiện được Công ty Than Hà Tu và UBND phường Hà Tu (thành phố Hạ Long) quan tâm gìn giữ, là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Vào tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã quyết định thành lập tại khu mỏ Quảng Ninh một đặc khu lấy tên là Đặc khu Hòn Gai. Ba Đảng uỷ ở mỏ được hợp nhất, đồng chí Vũ Văn Hiếu, Đại biểu Đảng uỷ Cẩm Phả được cử làm Bí thư Đặc khu uỷ Hòn Gai. Kể từ các chi bộ Cộng sản được thành lập đến việc Đặc khu uỷ ra đời, phong trào cách mạng ở Quảng Ninh từ đây bước sang một giai đoạn mới.

Thứ hai là Tượng đài đặt tại Lán Bè, trên khu đất của Thư viện tỉnh cũ, gần Công viên hoa Hạ Long do nhà điêu khắc Phạm Sinh thực hiện. Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu được thiết kế dạng bán thân cao bằng đồng đỏ nguyên chất nặng 1,7 tấn, đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối cao 6m, tứ diện trạm khắc hoạ tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh vịnh Hạ Long. Khuôn viên khu vực đặt tượng còn có các hạng mục phụ trợ: Sân hành lễ, cây xanh, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng... Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu có mối liên kết chặt chẽ với Đài liệt sĩ Quảng Ninh là nơi diễn ra lễ dâng hương tri ân của tỉnh và thành phố trước khi tổ chức các sự kiện lớn nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức nhiều lễ kết nạp Đảng viên mới trong những năm gần đây.[3]  Khu di tích này hiện nay đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long có phương án cải tạo, nâng cấp công trình xung quanh khu vực tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Vũ Văn Hiếu. Với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm du lịch mới, hấp dẫn.

Chiều ngày 30/4/1930, lá cờ Đảng tung bay kiêu hãnh trên đỉnh núi Bài Thơ. Đồng chí Đào Văn Tuất nhận lá cờ Đảng do chị Cả Khương (đồng chí Phan Thị Khương, công nhân nhà sàng Hòn Gai) may và nhận chỉ thị từ đồng chí Nguyễn Công Hoà, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh uỷ Quảng Hồng. Sáng ngày 1/5/1930, lá cờ Đảng  tiếp tục tung bay trên đỉnh Mỏm Quạ, núi Bài Thơ. Lá cờ Đảng được cắm lên đỉnh núi Bài Thơ năm ấy là một trong những tín hiệu báo trước giờ cáo chung của thực dân Pháp ở nước ta. Cụm di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ đã được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1992.[4]

4. Thị xã Quảng Yên: Di tích công trình Nhà máy Kẽm Quảng Yên, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên được Sở VHTTDL trình UBND Tỉnh bổ sung vào danh mục Di tích Lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh năm 2016. Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tháng 3 năm 1940 tại Nhà máy Kẽm. Ban đầu, Chi bộ có 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên, anh trai đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm sau là Chủ tịch UBND Tỉnh) làm Bí thư. Sau đó Chi bộ phát triển lên 10 người hầu hết là công nhân nhà máy kẽm và thợ thủ công ở tỉnh lỵ Quảng Yên. Chi bộ hoạt động ngay cạnh hang ổ của tên tay sai khét tiếng Cung Đình Vận chứng tỏ rằng uy tín của Đảng rất lớn đã bám rễ sâu vào phong trào quần chúng, được quần chúng hết lòng tin yêu, bảo vệ. Sự ra đời của Chi bộ ở Nhà máy Kẽm đã thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân lao động nơi đây phát triển mạnh hơn trước. Sách báo của Đảng được phổ biến rộng rãi hơn, tạo điều kiện nâng cao ý thức chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong quần chúng nhân dân để đấu tranh cách mạng[5].

5. Tại các địa phương miền Đông của tỉnh, các Chi bộ Đảng ra đời muộn hơn một chút so với miền Tây. Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, trên con đường Hữu Nghị sạch và đẹp nhất Móng Cái, cụm Di tích lưu niệm Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố (chân cầu Ka Long, phường Ka Long) luôn được nhân dân trân trọng và giữ gìn. Ngày 19/10/1946, tại số nhà 42, phố Chính (phường Hoà Lạc hiện nay) đã diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản của huyện Móng Cái theo quyết định của Liên khu uỷ 12 và Ban cán sự Đảng tỉnh Hải Ninh. Khi mới thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện gồm 4 đồng chí, trong đó đồng chí Hoàng Giang Đông được cử giữ chức Bí thư Chi bộ[6].

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng của tổ chức Đảng ở địa phương, đáp ứng yêu cầu thống nhất sự lãnh đạo của Đảng với phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Móng Cái. Cụm Di tích lưu niệm Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố Móng Cái đã được đưa vào Danh mục Di tích cấp tỉnh. Địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Móng Cái hiện nay đã trở thành điểm dừng chân, tham quan, chụp ảnh lưu niệm không thể thiếu trong hành trình khám phá Móng Cái của rất nhiều du khách.

Huyện Tiên Yên, cách đây 77 năm, vào cuối tháng 10/1948, giữa khu rừng già âm u, hiểm trở núi Khe Giao, đã diễn ra một sự kiện thiêng liêng của Lịch sử Cách mạng Tiên Yên, đó là giờ phút thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Tiên Yên với 5 đảng viên, tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Yên bây giờ. Khe Giao chính là nơi đã làm nên một phần lịch sử của tỉnh Quảng Ninh[7]. Đó là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Yên sau này, cũng là nơi gắn liền với những chiến công của chiến dịch Đông Bắc lẫy lừng, hiện thân của sự anh dũng, xả thân của quân và dân các dân tộc miền Đông Bắc Tổ quốc. Di tích Khe Giao đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Hệ thống Di tích Cách mạng được trải đều khắp tỉnh Quảng Ninh là một minh chứng lịch sử cho sự hình thành và phát triển sâu rộng của các Chi bộ Đảng tại vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, địa điểm lưu niệm liên quan đến các tổ chức cơ sở Đảng tại Quảng Ninh đã chứng minh sự lãnh đạo xuyên suốt tài tình của Đảng trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương Quảng Ninh. Những di tích, địa điểm lưu niệm này đã và đang được lớp lớp cán bộ, Đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trân trọng, gìn giữ, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị, trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và muôn đời sau./.

Hồng Nguyên - Bảo tàng Quảng Ninh

[1] Xem thêm: Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Triều, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội 2013, tr59. 

2] Xem thêm: Kỷ yếu 50 Báo Quảng Ninh, tr10.

[3] Xem thêm: Đồng chí Vũ Văn Hiếu- Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Ninh xuất bản năm 1987, tr65.

[4] Xem thêm: Di tích và danh thắng tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT xuất bản, 2002, tr178.

[5] Xem thêm: Lịch sử Đảng bộ TX Quảng Yên, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội 2020, tr50.

[6] Xem thêm: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, 2003, tr20.

[7] Xem thêm: Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Yên, NXB Hồng Đức, Hà Nội năm 2020, tr13.

trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

"Đánh thức" di sản văn hóa Vùng mỏ

  • 27/04/2025 12:00 SA

Công tác triển lãm, trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Quảng Ninh trong những năm qua đã góp phần đánh thức hệ thống di sản văn hóa Vùng mỏ, kể cho chúng ta rất nhiều thông điệp quý giá từ quá khứ.