Image
Loading
06/10/2023 12:00 SA
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Thanh Phán được trưng bày trong không gian“Văn hóa các dân tộc” ở tầng 3 của Bảo tàng Quảng Ninh, trong đó có Lễ cấp sắc ở Ba Chẽ.
 
 
Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán ở Ba Chẽ
trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
 
Ba Chẽ là huyện miền núi thuộc khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh (cách thành phố Hạ Long hơn 80km), có 10 dân tộc anh em sinh sống (Dao, Tày, Kinh, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái), đông nhất là người Dao (chiếm 44,1%) . Dân tộc Dao ở Ba Chẽ có: Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y. Mỗi dân tộc đều có phong tục riêng tạo nên sự đa dạng văn hóa. Trong sự đa dạng văn hóa đó không thể không nhắc đến Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán.
 
Cấp sắc là tục lệ rất quan trọng trong sinh hoạt xã hội, gia đình và bắt buộc đối với người đàn ông dân tộc Dao, đánh dấu sự trưởng thành, khẳng định sự công nhận của cộng đồng và thần linh đối với người được cấp sắc.
 
Theo quan niệm của người Dao, con trai từ 15 đến 20 tuổi đều phải trải qua lễ cấp sắc (gọi là “quá tăng”). Trong lễ cấp sắc người ta dạy cho thanh niên 10 điều cấm, 10 lời thề. Nội dung của các điều răn dạy mang ý nghĩa hướng thiện, tránh làm những điều ác. Những người được cấp sắc được hưởng những quyền lợi: Thứ nhất, được làm nghề cúng bái – điều mà người Dao rất quan tâm. Người được cấp sắc sẽ trở thành thầy cúng sau khi học cúng và phải trải qua “ Lễ thăng đèn” ( tức là lễ cấp sắc ở giai đoạn cao hơn để được cấp sắc từ 7 đến 12 đèn), chỉ có nhiều đèn mới trở thành thầy cúng “cao tay”. Thứ hai, khi chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên, mới được con cháu thờ cúng. Cấp sắc cũng có nghĩa là lễ “khai sinh” hay lễ nhận tên của thánh thần ban định cho. Những bản cấp sắc còn có ý nghĩa là “giấy thông hành” để sau khi chết có thể về thế giới bên kia mà không phải chịu hình phạt đày đọa ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương, mới được Bàn Vương phù hộ. Thứ ba, khi còn sống trên dương thế mới được quyền thờ cúng tổ tiên. Thứ tư, được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, mọi sinh hoạt mới được thuận lợi, dòng họ mới phát triển. Vì vậy dù tốn kém đến đâu người Dao vẫn tổ chức nghi lễ này.
 
Lễ cấp sắc có rất nhiều cấp bậc: 3 đèn (tương ứng với số lượng 36 binh mã được cấp); 7 đèn (72 binh mã được cấp); 12 đèn (120 binh mã được cấp). Thầy cúng từ 7 đèn trở lên bắt đầu dùng quần áo cúng riêng và thường có 3 bộ khác nhau. Một lễ cúng có thể cấp sắc cho một người hoặc vài người, nhưng nhất thiết phải là số lẻ. Trước kia, lễ cấp sắc kéo dài 3 ngày 3 đêm với nhiều bước làm lễ cầu kỳ. Đầu tiên là lễ dâng hương có ý nghĩa báo cho ông bà tổ tiên, thần linh được biết gia đình có người làm lễ cấp sắc. Đây cũng là giờ phút thiêng liêng nhất mở đầu cho thời gian làm lễ kéo dài cũng là lúc không khí tưng bừng, sôi động nhất. Tiếng trống, tiếng chuông tiếng kèn vang lên rộn rã. Các thầy cúng, người giúp việc, người được cấp sắc và đặt tên đều cùng nhảy múa theo tiếng nhạc. Sau lễ dâng hương là đến lễ khai đàn với ý nghĩa từ giờ phút này mảnh đất này trở lên linh thiêng bởi đã có ông bà tổ tiên thần linh về ngự giám. Tiếp theo là lễ dâng đèn với ý nghĩa dẫn dắt người được cấp sắc đi vào con đường học hành để nâng cao sự hiểu biết. Lễ cấp sắc kết thúc vào lúc nửa đêm, từ đây mọi nghi lễ còn lại chủ yếu dành cho người được cấp sắc. Lúc này, thầy cả cầm tù và giương lên trời cao thổi liên tục những hồi dài.
 
Có nhiều loại nhạc cụ dân tộc trong lễ cấp sắc như trống, kèn, thanh la, não bạt, tù và, chuông con,... Âm nhạc trong lễ cấp sắc cũng rất đa dạng, có khi rất tĩnh nghiêm, trầm lắng, có khi lại sôi động, vui nhộn. Tiếng chuông con kêu leng keng trong các điệu nhảy của lễ cấp sắc cũng là những âm thanh độc đáo gây ấn tượng khó quên. Bộ tranh thờ 18 bức vẽ các nhân vật và sự tích Đạo giáo là những tác phẩm hội hoạ có giá trị rất quí hiếm, vì nó không chỉ giúp cho việc nghiên cứu sâu về tôn giáo mà còn giúp cho việc nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình dân gian của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Trang phục trong lễ cấp sắc cũng là một yếu tố rất quan trọng, nó không chỉ làm cho màu sắc của lễ hội thêm rực rỡ mà thông qua các hoạ tiết hoa văn trang trí trên áo thầy cúng, trên trang phục người được cấp sắc đã thể hiện sinh động tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào Dao, thể hiện tài năng lao động sáng tạo, đức tính kiên nhẫn, bền bỉ của người phụ nữ dân tộc Dao trong việc thêu thùa, khâu vá…
 
Ngày nay, lễ cấp sắc diễn ra vào các tháng trong năm (trừ tháng 6 âm lịch) với thời gian 2 ngày 2 đêm. Thời gian giảm nhưng các nghi thức trong lễ vẫn đầy đủ như trước. Một số xã vùng cao như Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thuộc thành phố Hạ Long), những gia đình dân tộc Dao Thanh Phán có điều kiện về kinh tế vẫn tổ chức lễ cấp sắc cho con cháu trong gia đình dòng tộc. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác đến nay đã không còn tổ chức lễ cấp sắc thường xuyên như trước đây vì nhiều lý do về nhận thức, về kinh tế.
 
Như vậy có thể thấy Lễ cấp sắc vừa thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời qua lối diễn xướng bài hát, lời cúng còn thể hiện bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Dao Thanh Phán. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Dao Thanh Phán cần được giữ gìn, bảo tồn. Với giá trị văn hoá đặc sắc, tục có từ lâu đời và đi vào đời sống tâm linh của đồng bào Dao nên lễ cấp sắc đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lựa chọn để đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
 
Bài, ảnh: Phạm Hằng, TL BTQN
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác