Chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh hiện có 42 đảng viên. Trong tháng 8/2024, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo đảng viên, viên chức, lao động đơn vị phát huy tính chủ động sáng tạo; đổi mới phương pháp làm việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó, thực hiện tốt công tác mở cửa, đón tiếp, phục vụ khách tham quan Bảo tàng. 8 tháng năm 2024, Bảo tàng đã đã đón trên 657.000 lượt khách tham quan, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Các công tác trưng bày, nghiên cứu, lập hồ sơ, sưu tầm các hiện vật, di chỉ, di tích, di sản văn hóa… được thực hiện hiệu quả, gắn với các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Từ đầu năm đến nay, Chi bộ đã tổ chức kết nạp Đảng cho 2 quần chúng; tiếp tục phân công đảng viên hướng dẫn 2 quần chúng được kết nạp Đảng… Tình hình tư tưởng trong đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi sinh hoạt, đảng viên chi bộ đã tham gia thảo luận, phát biểu nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung: Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị; mở rộng không gian trưng bày; đổi mới sinh hoạt chi bộ, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề...
Ghi nhận, biểu dương những kết quả công tác mà Chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị thời gian tới, Chi bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao. Trong đó, việc tiến tới xây dựng chi bộ thành đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ Sở Văn hóa – Thể thao cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đến số lượng, chất lượng chi bộ. Đặc biệt, Chi bộ cần tập trung nâng cao trách nhiệm của đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên về chất lượng.
Trong công tác chuyên môn, chi bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch hiện đại hóa hoạt động; đổi mới không gian trưng bày. Trong đó, đặc biệt làm nổi bật, phát huy truyền thống, giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ lịch sử.
Công tác sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cần được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, bài bản để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, đề xuất các sản phẩm đặc trưng về tự nhiên, văn hóa, con người Quảng Ninh để quảng bá, giới thiệu tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Theo baoquangninh.vn