Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Trong đó, Quảng Ninh có 3 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y tỉnh Quảng Ninh; Lễ mừng cơm mới của người Tày tỉnh Quảng Ninh, lần lượt theo các Quyết định: 3975; 3976; 3989/QÐ-BVHTTDL.
Kiêng gió là một tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Dao tỉnh Quảng Ninh, được bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai, với mong muốn có một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Tục Kiêng gió mang tính đại diện cho cộng đồng, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Dao Thanh Phán sinh sống lâu đời tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ngày nay, tục kiêng gió đã trở thành ngày Hội Kiêng gió không chỉ của đồng bào Dao Thanh Phán mà còn là ngày hội của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa đặc sắc của du khách khi đến với huyện Bình Liêu vào ngày 04/4 âm lịch hàng năm.
Cấp sắc là một nghi lễ không thể thiếu của người Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lễ đặt tên cúng và cấp sắc phong cho con trai để được làm người lớn, người trưởng thành, được làm thầy trong cấp sắc cho người khác và đặc biệt là khi chết có tên gọi để được đưa về cõi âm với tổ tiên và được mời về nhận lễ của con cháu ở cõi dương gian. Lễ cấp sắc mang tính đại diện cho cộng đồng người Dao Thanh Y, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Dao Thanh Y sinh sống tại Quảng Ninh.
Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày tỉnh Quảng Ninh. Lễ mừng cơm mới là bữa cơm dâng cúng gia tiên nhằm tổng kết một năm sản xuất, kính dâng thành quả lao động, cảm tạ trời đất, tổ tiên và cầu mong gia đình no ấm, khỏe mạnh. Lễ mừng Cơm mới đã và đang được người Tày trao truyền qua các thế hệ, được cộng đồng coi trọng và thực hành hàng năm, đây là cách tốt nhất để người Tày gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc.
Cùng với 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trước đó, cộng với 3 di sản vừa được công nhận, tỉnh Quảng Ninh hiện có tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di sản được vinh danh đã khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đồng thời, góp phần khẳng định di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh rất đa dạng, giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài: Đặng Hoa, ảnh: Quỳnh Vân - BTQN