Image
Loading
03/04/2019 12:00 SA
Thông tư số: 13/2010/TT-BVHTTDL
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM                    Số: 13/2010/TT-BVHTTDL            Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                                                   Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2010
 
 
 
THÔNG TƯ
Quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
______________________
 
 
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di  sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia như sau:
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh:
1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Điều 2. Lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
1. Hiện vật là di vật, cổ vật được lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia là hiện vật đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa và đã được đăng ký theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.
2. Hiện vật đang có tranh chấp về quyền sở hữu chỉ được lập hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia sau khi đã xác định rõ quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp.
3. Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia (sau đây gọi là Hồ sơ hiện vật) bao gồm:
a) Bản thuyết minh hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, trong đó phải trình bày rõ đặc điểm của hiện vật theo các tiêu chí quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Ảnh: 01 ảnh tổng thể và 01 ảnh đặc tả chi tiết (ảnh màu, từ cỡ 9cm x 12cm trở lên), chú thích đầy đủ, đảm bảo thể hiện các đặc trưng cơ bản của hiện vật. Khuyến khích gửi kèm theo ảnh lưu trữ trên các phương tiện kỹ thuật số;
c) Bản ghi âm, ghi hình (nếu có) phải có âm thanh, hình ảnh rõ nét thể hiện sự độc đáo của hiện vật (ghi trên băng hoặc đĩa);
d) Bản sao, bản dập (nếu có), bản dịch đối với những hiện vật là sách, tài liệu chữ cổ hoặc hiện vật có hoa văn trang trí, có chữ viết thể hiện trên hiện vật;
đ) Tài liệu khác liên quan đến hiện vật (nếu có) gồm: Bài viết về hiện vật; xác nhận của nhân chứng đối với các hiện vật có giá trị lịch sử; giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật theo quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Hồ sơ hiện vật được lập thành 04 bộ: 01 bộ hồ sơ lưu giữ tại tổ chức, cá nhân lập hồ sơ; 03 bộ hồ sơ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị công nhận bảo vật quốc gia theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
6. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý hiện vật chịu trách nhiệm lập Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Hồ sơ hiện vật phải bảo đảm tính chính xác, trung thực và các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình làm thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
7. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân lập Hồ sơ hiện vật khi được tổ chức, cá nhân đề nghị.
Điều 3. Gửi hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
1. Đối với bảo tàng quốc gia:
Bảo tàng quốc gia gửi văn bản đề nghị (Mẫu số 2a ban hành kèm theo Thông tư này) và Hồ sơ hiện vật đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo ý kiến thẩm định bằng văn bản của Hội đồng khoa học của bảo tàng (hoặc các hội đồng khác của bảo tàng có liên quan đến hiện vật).
2. Đối với bảo tàng chuyên ngành:
a) Bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương gửi văn bản đề nghị (Mẫu số 2a ban hành kèm theo Thông tư này) và Hồ sơ hiện vật đến người đứng đầu Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương là đơn vị chủ quản của bảo tàng kèm theo ý kiến thẩm định bằng văn bản của Hội đồng khoa học của bảo tàng (hoặc các hội đồng khác của bảo tàng có liên quan đến hiện vật);
b) Bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương gửi văn bản đề nghị (Mẫu số 2a ban hành theo Thông tư này) và Hồ sơ hiện vật đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp của bảo tàng kèm theo ý kiến thẩm định bằng văn bản của Hội đồng khoa học của bảo tàng (hoặc các hội đồng khác của bảo tàng có liên quan đến hiện vật);
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp của bảo tàng có trách nhiệm xem xét, quyết định việc gửi văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan đến người đứng đầu Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương là đơn vị chủ quản của cơ quan, tổ chức;
c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương xem xét, quyết định việc gửi văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Đối với bảo tàng cấp tỉnh, ban hoặc trung tâm quản lý di tích, bảo tàng ngoài công lập, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp hiện vật:
a) Bảo tàng cấp tỉnh, ban hoặc trung tâm quản lý di tích gửi văn bản đề nghị (Mẫu số 2a ban hành kèm theo Thông tư này) và Hồ sơ hiện vật đến Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại;
b) Bảo tàng ngoài công lập, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp hiện vật (sau đây gọi là chủ sở hữu hiện vật) gửi văn bản đề nghị (Mẫu số 2b ban hành kèm theo Thông tư này) và Hồ sơ hiện vật đến Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại;
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và Hồ sơ hiện vật, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật;
d) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc gửi văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
đ) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định gửi văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 4. Thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định hiện vật) và bố trí kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định hiện vật trong dự toán ngân sách sự nghiệp hằng năm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Thành phần của Hội đồng thẩm định hiện vật:
a) Hội đồng thẩm định hiện vật có từ 7 đến 11 thành viên, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng và các ủy viên là các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn nghiệp vụ và uy tín về giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
b) Bộ phận thường trực của Hội đồng thẩm định hiện vật có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân và tổ chức các phiên họp của Hội đồng thẩm định hiện vật để thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật. Bộ phận thường trực đặt tại bảo tàng cấp tỉnh hoặc ban quản lý di tích cấp tỉnh hoặc phòng di sản văn hóa trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Chức năng của Hội đồng thẩm định hiện vật:
Hội đồng thẩm định hiện vật là tổ chức tư vấn giúp Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét chọn hiện vật để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
4. Phương thức làm việc của Hội đồng thẩm định hiện vật:
a) Hội đồng thẩm định hiện vật làm việc theo nguyên tắc dân chủ; theo phương thức thảo luận, góp ý kiến và biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai để xác định giá trị hiện vật và Hồ sơ hiện vật được đưa ra thẩm định;
b) Phiên họp của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng; ý kiến bằng văn bản của các thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo;
c) Hội đồng xem xét, phân tích từng hiện vật và Hồ sơ hiện vật theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;
d) Thành viên của Hội đồng đánh giá từng hiện vật và Hồ sơ hiện vật theo mẫu phiếu quy định (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này). Phiếu hợp lệ là phiếu đánh dấu vào một trong hai cột “đưa vào danh mục” hoặc “không đưa vào danh mục” tương ứng ghi trên phiếu;
đ) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên, trong đó có 01 Trưởng ban. Kết quả kiểm phiếu được tổng hợp theo mẫu (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này);
e) Những hiện vật được Hội đồng đồng ý đề nghị xem xét công nhận bảo vật quốc gia phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt đồng ý và số thành viên này bảo đảm không ít hơn 1/2 tổng số thành viên của Hội đồng. Trường hợp số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định cuối cùng;
g) Các thành viên Hội đồng trao đổi, thảo luận và thống nhất đề nghị bổ sung hoặc sửa đổi những tài liệu của Hồ sơ hiện vật đã được Hội đồng nhất trí đề nghị xem xét công nhận bảo vật quốc gia;
h) Biên bản phiên họp của Hội đồng được lập kèm theo Danh mục hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia (Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 5. Thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Hồ sơ hiện vật và các văn bản có liên quan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Hội đồng giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là Hội đồng giám định cổ vật) thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật.
2. Hội đồng giám định cổ vật do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Thành phần của Hội đồng giám định cổ vật gồm các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn, nghiệp vụ và uy tín về giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Phương thức làm việc của Hội đồng giám định cổ vật thực hiện theo quy định về phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định hiện vật tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này. Kinh phí hoạt động của Hội đồng giám định cổ vật được bố trí trong ngân sách sự nghiệp hằng năm của Cục Di sản văn hóa.
3. Cục Di sản văn hóa là cơ quan thường trực của Hội đồng giám định cổ vật có trách nhiệm:
a) Tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng xây dựng quy chế làm việc của Hội đồng giám định cổ vật trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt;
b) Tiếp nhận hồ sơ; tổ chức các phiên họp của Hội đồng giám định cổ vật để thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật.
Điều 6. Thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có kết quả thẩm định của Hội đồng giám định cổ vật, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định việc gửi văn bản đề nghị Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật.
2. Hồ sơ đề nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Hồ sơ hiện vật;
c) Văn bản thẩm định của Hội đồng khoa học của bảo tàng (hoặc các hội đồng khác của bảo tàng có liên quan đến hiện vật) và văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định hiện vật;
d) Văn bản đề nghị của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Văn bản thẩm định của Hội đồng giám định cổ vật.
Điều 7. Trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận bảo vật quốc gia.
2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm:
a) Tờ trình đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Hồ sơ hiện vật;
c) Văn bản thẩm định của Hội đồng khoa học của bảo tàng (hoặc các hội đồng khác của bảo tàng có liên quan đến hiện vật) và văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định hiện vật;
d) Văn bản đề nghị của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Văn bản thẩm định của Hội đồng giám định cổ vật;
e) Văn bản thẩm định của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.
2. Cục Di sản văn hóa chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.
 
Nơi nhận:                                                                                  BỘ TRƯỞNG
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;                                  (đã ký)
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;                                                          Hoàng Tuấn Anh
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
- Hội đồng DSVHQG;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo Văn phòng CP, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Tổng cục, VP, Thanh tra, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, DSVH(5), PC, NVC.500. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thông tư số 02/TT- BVHTTDL ngày 17/6/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thông tư số 02/TT- BVHTTDL ngày 17/6/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

  • 31/07/2024 12:00 SA

Ngày 17/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT- BVHTTDL Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa,...