Trong thời gian qua, bộ hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia sử học, các nhà khoa học, trong đó có nhà sử học Lê Văn Lan.
Nhân dịp nhà sử học Lê Văn Lan đến Bảo tàng tỉnh, tìm hiểu về không gian văn hóa nhà Trần, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa nhà sử học Lê Văn Lan, dưới góc nhìn lịch sử, ông lý giải như thế nào về địa danh Yên Tử?
+ Tôi muốn chúng ta phải bắt đầu từ địa danh học. Chữ "Yên" còn đọc là "An", được viết với sự kết hợp của bộ "Miên" là mái nhà, dưới có chữ ''Nữ", chiết tự ra là có người phụ nữ dưới mái ấm thì sẽ có bình yên. Còn chữ "Tử'' là chữ trong Khổng Tử, Lão Tử là người đạo hạnh đức độ, giỏi giang, là nhân vật lớn.
Nhân vật ở vùng đất này chính là An Kỳ Sinh, là một đạo sĩ từ phương Bắc xuống phương Nam tìm nơi đắc địa để tu đạo thần tiên. Ông đã tìm thấy ở vùng núi non này một nơi có thể tu đắc đạo. Sau đó, nhân vật này được đặt tên cho vùng đất mà ông tu đạo thần tiên. Nếu mọi người chịu khó trèo lên đỉnh sẽ gặp điều thú vị là có một tảng đá tự nhiên mang hình người. Truyền thuyết lập tức gắn hòn đá đó với hình tượng của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh.
- Giá trị lớn nhất của Yên Tử chắc không phải ở chỗ là biểu tượng của Đạo giáo như ông vừa kể bên trên?
+ Tôi muốn nói ở góc độ biểu tượng. Và theo quan điểm Ấn Độ, trên ngọn núi vũ trụ có 3 tầng hạ giới, trung giới và thượng giới. Soi chiếu với quan điểm đó, tôi thấy Yên Tử cũng hình thành mô hình vũ trụ thu nhỏ với 3 tầng hạ giới, trung giới và thượng giới. Và Yên Tử được hiểu như là nơi mà các giá trị tinh thần, giá trị lịch sử được hội tụ lại cả ở đây.
Dưới thời Phật giáo phát triển mạnh mẽ, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao lại có chuyện đức Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn chỗ này làm chỗ tu hành và sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt. Mà trước Trần Nhân Tông thì ông nội của ngài là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) cũng đã đến đây với niềm ước nguyện đau đáu bỏ ngai vàng xuất gia nhưng không thành. Nhiều vị vương quan nhà Trần đã đến Yên Tử với mong muốn để tích hợp với thiên nhiên, hòa hợp với vũ trụ. Người xưa quan niệm Yên Tử là một vũ trụ thu nhỏ. Nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại nhiều bài thơ thấm đẫm phong vị thiền. Đại thi hào Nguyễn Trãi để lại 2 câu thơ: Vũ trụ ngút ngàn ngoài biển biếc/ Nói cười người ở dưới mây xanh.
- Tóm lại, cả 3 tầng thế giới tượng trưng đó nói gì về Yên Tử, thưa ông?
+ Đó là cả 3 thế giới tượng trưng. Cảnh quan, ngôn ngữ, ý nghĩa triết học đều gói lại giá trị kỳ vĩ, kỳ diệu của Yên Tử. Yên Tử là nơi thế giới thu lại, kết tinh lại làm nên danh thắng, làm nên chỗ gọi là Đại Già Lam (nơi thanh tịnh, khoáng đạt, vắng vẻ phù hợp cho tu hành) của non sông đất nước dân tộc, của văn hoá nhà Trần và của nền văn minh Đại Việt.
- Thưa ông, ngoài 4 vùng di tích đã rõ như Yên Tử, An Sinh, Bạch Đằng, Vân Đồn, thì Quảng Ninh còn có một vùng di tích gắn với văn hoá nhà Trần, đó là Ba Chẽ. Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện này?
+ Chúng tôi đã đi khảo sát di tích miếu Ông, miếu Bà, tìm thấy các di vật còn sót lại từ đời Trần và đời Lý, như: Nền nhà đá, chuông gang, bia đá, ngọn tháp yểm, bạch hổ, gốm sứ, một số ngôi mộ cổ… Chúng tôi cho rằng, miếu Ông, miếu Bà có một giá trị văn hóa lịch sử to lớn gắn với hoạt động quân sự của vua tôi nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên. Nó có thể còn là bằng chứng sống ghi nhận những hoạt động thương mại của dân cư trong vùng. Về một vùng văn hoá nhà Trần ở Quảng Ninh, ngoài 4 vùng di tích đã rõ như Yên Tử, An Sinh, Bạch Đằng, Vân Đồn thì đó chính là Tam Trĩ (Ba Chẽ). Tất nhiên, để làm rõ hơn nữa cần có những nghiên cứu thêm.
- Thưa ông, trước chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần có chiến thắng của Lê Hoàn chống Tống. Lâu nay, có vẻ như chiến thắng thời kỳ vua Lê Hoàn còn nhiều những tồn nghi của lịch sử?
+ Điều đó là do chép nhầm Lãng Sơn trong sách cổ thành Lạng Sơn nên một số sách hiện nay cho rằng tướng Tống là Hầu Nhân Bảo bị giết ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Trận này, vua Lê Đại Hành đánh quân Tống ở sông Bạch Đằng, khu vực tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Và Hầu Nhân Bảo bị quân ta trá hàng và giết chết ở sông Bạch Đằng.
- Chúng tôi được biết là cách đây chưa lâu, ông và các cộng sự đã có chuyến thực tế khảo sát tại Cô Tô. Nhân đây, ông có thể chia sẻ về chuyến đi này?
+ Chúng ta đang có một Cô Tô quý báu như ngọc, ngoài nhiệm vụ tiền tiêu, Cô Tô còn mang sự giàu thịnh, sự đẹp đẽ, sự vẻ vang cho Tổ quốc, cho đất nước, cho sự nghiệp phát triển của Đảng, của dân tộc, của thời đại. Cô Tô cần được định vị và đầu tư, nghiên cứu trí tuệ, công sức để thực hiện khát vọng phát triển.
Chúng tôi đánh giá cao quan điểm chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của huyện Cô Tô. Cần định vị Cô Tô bằng phương pháp so sánh với đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). So sánh với đảo phát triển hơn để có bối cảnh rộng hơn, nhằm nhìn nhận lại và đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp với nội lực của huyện đảo.
So sánh Cô Tô với Phú Quốc, tôi nhận thấy Cô Tô toàn bộ là sản phẩm quốc nội, có đặc tính dân dã với những truyền thống quen thuộc vẫn được bảo tồn. Trên con đường phát triển của Cô Tô phải nhận thấy những đặc điểm cốt lõi, cần đầu tư, nghiên cứu trí tuệ, công sức và căn cứ vào nội lực, hiện trạng, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống biển đảo. Chúng tôi luôn sẵn lòng ủng hộ và giúp đỡ huyện trong quá trình khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử.
- Ông đã có những góp ý cụ thể gì cho Cô Tô, thưa ông?
+ Tôi đề xuất đặt tên cho Quảng trường thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là Quảng trường Hồ Chí Minh hoặc Quảng trường 9/5. Đây sẽ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức những buổi hòa nhạc trang trọng, mang âm hưởng truyền thống hoặc quốc tế, sẽ trở thành một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ định kỳ và trở thành sự kiện văn hóa hấp dẫn, tiêu biểu.
Việc khai thác các hoạt động ở quảng trường đã được định danh, đặc biệt là nghi lễ thượng cờ có sức mạnh lan tỏa và tạo ra nội lực cho sự phát triển của Cô Tô. Đồng thời, các hoạt động này cũng sẽ giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc.
Việc kế thừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử vô cùng quý báu của khu di tích sẽ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống vô cùng quý giá cho lớp lớp thế hệ mai sau bởi Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô chính là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân, cán bộ huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh nói riêng và cả người dân Việt Nam nói chung.
- Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Theo baoquangninh.vn