Image
Loading
19/07/2024 12:00 SA
Di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm tộc người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ; hình thành ý thức về bản sắc và sự kế tục trong từng cộng đồng, từng tộc người, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.
 

Quảng Ninh được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các tài nguyên vô hạn và hữu hạn. Quảng Ninh miền đất địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc mang trong mình những giá trị riêng biệt; là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo; nơi lưu giữ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, phát tích của thiền phái Trúc Lâm, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Văn hóa Quảng Ninh bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể là những di tích nổi tiếng đã được bảo tồn và phát huy trong không gian rộng lớn của tỉnh từ Đông Triều đến Vân Đồn, từ Quảng Yên ra đến Móng Cái. Văn hóa phi vật thể trong đó có di sản Hán Nôm bao gồm: địa chí cổ, thần tích, thần sắc, địa bạ, tục lệ hương ước, hoành phi câu đối, văn bia, văn chuông, thơ phú…là hồn cốt của vùng đất Quảng Ninh.

Để bảo tồn và phát huy các di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, là điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…Di sản văn hóa - với tư cách là nguồn tài nguyên nhân văn có hàm lượng trí tuệ cao - có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiêu biểu là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Trên cơ sở kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ngành du lịch sẽ tạo ra các loại hình dịch vụ văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, biến di sản thành loại hàng hóa đặc biệt.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, ngay từ khi có Luật Di sản ra đời vào năm 2001 và được sửa đổi bổ sung vào năm 2009 tỉnh Quảng Ninh đã rất chú trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở cả hai lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Đi kèm với di sản vật thể là di sản phi vật thể, trong đó có di sản Hán Nôm như địa chí cổ, văn bia, hoành phi, câu đối, thần tích, thần sắc, địa bạ, tục lệ, hương ước, thơ phú…là những di sản có giá trị. Bởi những giá trị lớn lao của di sản Hán Nôm cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau nên năm 2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo và giao cho Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức biên soạn bộ sách “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh”.

Bộ sách “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh” được chia thành 3 tập: Tập 1 bao gồm địa chí cổ, thần tích, thần sắc. Về địa chí cổ, sách “Đồng Khánh dư địa chí” đã phản ánh đầy đủ các mặt diên cách, diện tích, sông núi, con người, sản vật… của Quảng Ninh; Về thần tích, thần sắc: đã sưu tầm và công bố hầu hết những bản thần tích, thần sắc về vùng đất Quảng Ninh được lưu giữ tại Thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của các Thần được thờ tự ở Quảng Ninh đã gắn liền với xây dựng và bảo vệ quê hương qua các thời kỳ lịch sử, tiêu biểu là Trung Thiên Long Mẫu, Linh Lang Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương, tám vị Vua nhà Trần…; Tập 2 bao gồm địa bạ, tục lệ hương ước. Phần địa bạ ghi rất rõ số ruộng của từng xã và số thuế phải nộp cho quốc gia. Mỗi cuốn địa bạ còn lưu chữ ký, đóng dấu, cam đoan của quan chức địa phương, nếu làm sai sẽ bị tịch thu gia sản và bị tội chết; Về tục lệ hương ước là những khoán lệ, điều lệ do làng xã đặt ra cho từng xã. Riêng khoán lệ ở hai tổng Hà Nam, Hà Bắc huyện Yên Hưng đã đề cao việc quai đê lấn biển và bảo vệ làng xã; Tập 3 bao gồm địa chí cổ, thơ văn. Phần địa chí cổ đã dịch chú các sách “Ức Trai dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống trí”. Đặc biệt sách “Đông Triều huyện chí”, “Đông Triều huyện phong thổ ký”, “Thần triều Thánh tổ các xứ địa đồ” do các quan lại đã từng làm quan tại Đông triều viết phản ánh khá đầy đủ bức tranh toàn cảnh của địa phương; Về văn thơ, phần này có văn bia, văn chuông, hoành phi câu đối, được lưu giữ tại các di tích của địa phương trong tỉnh, những áng văn thơ của các bậc vua chúa viết khi tu trì ở Quảng Ninh hoặc viết khi đi vi hành về Quảng Ninh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…, văn thơ của các danh nhân như Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi…Đây là những áng văn thơ tuyệt vời ca ngợi chiến công oanh liệt trên đất Quảng Ninh. Đặc biệt những áng văn thơ của các vua Trần đã hướng con người phải biết tu tập, hướng thiện, làm người có ích cho xã hội.

Bộ sách “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh” được nhóm biên soạn bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa dầy công nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp, biên dịch (Nhóm biên soạn: Chủ biên: Hoàng Giáp; Thư ký biên soạn: Hoàng Văn Toàn; Các thành viên: Hoàng Thị Bích Ngọc, Hoàng Thị Thúy Ngà, Hoàng Như Quỳnh, Lê Thị Hà, Trần Giáng Hoa, Trương Thị Thủy, Nguyễn Văn Toàn, Ngô Trung Hòa). Bộ sách hàm chứa nhiều tư liệu rất có giá trị, nó là sức mạnh tinh thần giúp cho các làng bản của Quảng Ninh trụ vững và phát triển trên miền biên cương xa xôi, hiểm yếu của đất nước. Nó góp phần tạo nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đánh tan quân Nam Hán và quân Nguyên xâm lược. Đây là bộ sách có quy mô lớn, bao quát nhiều vấn đề trong đời sống văn hóa xã hội thời trung cận đại của vùng đất Quảng Ninh xưa. Bộ sách “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh” đang được lưu giữ tại Phòng Tư liệu - Bảo tàng Quảng Ninh./.

Bài và ảnh: Vũ Thị Kim Dung - Phòng Nghiên cứu

trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

  • 14/10/2024 12:00 SA

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Bảo tàng Quảng Ninh gửi Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024)”