Image
Loading
16/07/2019 10:30 SA
Trải qua hơn 4000 năm lịch sử, so với các thời kỳ phát triển của loại hình gốm thì thời kỳ Lý, Trần phát triển mạnh mẽ nhất và cũng có thể nói đây là giai đoạn vàng của gốm Việt Nam. Ba yếu tố cơ bản tạo nên sự đặt biệt của sản phẩm gốm thời Lý – Trần là: Hình dáng - Hoa văn trang trí, màu men và kỹ thuật nung. Chậu gốm hoa nâu tại Thái miếu được coi là vật dụng của hoàng gia phản ánh đầy đủ về giá trị, ý nghĩa, kỹ thuật đồ gốm thời Trần.
Thái miếu (hay còn gọi là đền Thái) nằm trong hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích nhà Trần ở Đông Triều; ngoài chức năng là nơi thờ tự các vị tiên đế nhà Trần, Thái miếu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, được coi là “triều đình phía Đông của nhà Trần”. Theo các nguồn tài liệu, nghiên cứu cho thấy Thái miếu là tiên miếu (hay Tổ miếu) do An Sinh Vương Trần Liễu xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIII khi ông được ban ấp ở An Sinh.
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Thái miếu, từ năm 2008-2010 di tích đã được tiến hành nghiên cứu khai quật. Kết quả khai quật cho thấy ngoài việc tìm được hệ thống các dấu tích nền móng gồm mặt bằng kiến trúc, đường đi, sân vườn,.. cùng một lượng lớn các loại hình di vật thời Trần gồm các loại hình vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành… trong đó có giá trị nổi bật là chậu gốm hoa nâu có trang trí hoa văn hình rồng, một đồ dùng cao cấp liên quan đến Hoàng gia.
 
 
Chậu gốm hoa nâu có kích thước rất lớn, hình dáng thu dần về đáy chậu, miệng chậu loe thành gờ viền dày, đường kính miệng 93cm; đường kính đáy 50cm; cao toàn thân 40cm; thân chậu trang trí hoa văn theo phong cách khắc chìm tô nâu, nét hoa văn họa tiết được tạo tác khá công phu gồm 4 băng hoa văn chạy xung quanh thân chậu, trên cùng tiếp giáp miệng trang trí băng hoa chanh 4 cánh, tiếp theo là 8 con rồng có hình dáng chắc khỏe, phía dưới là sen dây với bông sen nở theo chiều cắt dọc, các cặp cánh đối xứng theo nhịp bố cục thưa thoáng và dưới cùng là băng hoa mai, các dải băng trang trí hoa văn khác nhau được ngăn cách bởi băng viền chỉ chạy xung quanh thân chậu. Là sản phẩm đặc trưng trong phong cách gốm hoa nâu với hình dáng đầy đặn, khỏe khoắn. Nét khắc trên sản phẩm chỗ nông chỗ sâu, hoa văn khoáng đạt được thể hiện theo tùy hứng dưới bàn tay của người thợ gốm dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá đây thực sự là một nét đặc trưng tiêu biểu của dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt không hề trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm nào trên thế giới.
Hoa văn trang trí trên đồ gốm hoa nâu một dòng gốm đặc trưng của thời Trần nói chung không những phản ánh chủ đề Phật giáo mà còn phản ánh được phần nào con người và thiên nhiên trong cuộc sống với hình ảnh của các loài hoa đặc trưng thời Trần như hoa chanh, sen, mai…chậu gốm hoa nâu tại Thái miếu ngoài các họa tiết đó, còn thể hiện họa tiết đặc sắc hơn cả trong chủ đề trang trí hoa văn hình rồng, hình tượng rồng thể hiện tính chắc khỏe, thân uốn lượn đều đặn hình sin thu dần về đuôi, hình dáng rồng uy nghi mang ý nghĩa, giá trị độc tôn, quyền quý của vương triều.
Chậu gốm hoa nâu tại Thái miếu là sản phẩm tiêu biểu mang ý nghĩa lịch sử tồn tại và phát triển của của hoàng tộc nhà Trần, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Thái miếu đã được phục dựng thì di vật chậu gốm góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị lịch sử lâu đời của di tích.
 Bài, ảnh: Nguyễn Trung Dũng - BTQN
 
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác