Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng gồm quần thể các bãi cọc, đình, đền, miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phân bố trên địa bàn phường Yên Giang, phường Nam Hòa, xã Liên Hòa thuộc thị xã Quảng Yên và xã Điền Công thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Quảng Yên đã phát hiện và khai quật được ba bãi cọc gỗ có niên đại thế kỷ XIII, chưa phát hiện được bãi cọc nào có niên đại sớm hơn.
Sông Bạch Đằng và các bãi cọc đã trở thành tên địa danh lịch sử, gắn với anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Vùng đất cửa sông Bạch Đằng xưa, từ một phòng tuyến quân sự đặc biệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, đã trở thành vùng đất linh thiêng. Nhân dân nhiều đời trên vùng đất Quảng Yên và Uông Bí đã tôn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm Thần, Thành Hoàng làng, xây đình, đền, miếu thờ Ngài và thờ những cận thần đã giúp Ngài trong trận chiến thắng, tạo thành một quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng.
Bãi cọc Yên Giang: Ở vị trí cửa Sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 1953, khai quật vào các năm 1958; 1969; 1976; 1984; 1988.
Bãi cọc Đồng Vạn Muối: Ở vị trí cửa Sông Rút, một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 1958, khai quật năm 2005.
Bãi cọc Đồng Má Ngựa: Ở vị trí cửa Sông Kênh, sát với sông Rút, thuộc phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 2009, khai quật năm 2010.
Đền Trần Hưng Đạo: Tọa lạc trên doi đất cổ giữa sông Bạch Đằng, nơi trung tâm chiến trận Bạch Đằng năm 1288, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Đền thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Miếu Vua Bà: Tọa lạc cạnh đền Trần Hưng Đạo, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Thờ bà bán hàng nước ở bến Đò Rừng cổ. Tương truyền, bà đã mách bảo cho Trần Hưng Đạo lịch thủy triều, địa thế lòng sông Bạch Đằng để xây dựng trận địa cọc và kế hỏa công đánh giặc Nguyên Mông năm 1288. Sau chiến thắng, Bà được vua Trần phong “Vua Bà”.
Bến Đò Rừng: Ở vị trí trước miếu Vua Bà, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Tại đây có cây Quếch cổ thụ, tương truyền, Trần Hưng Đạo đã chọn làm nơi phát hoả hiệu lệnh chiến đấu trong chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Đền Trung Cốc: Tọa lạc giữa khu Đồng Cốc, phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên. Tương truyền, năm 1288, khi đi thị sát địa hình xây dựng trận địa cọc ở cửa Sông Rút và Sông Kênh, thuyền chở Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị mắc cạn ở gò đất Đồng Cốc. Sau chiến thắng, nhân dân lập đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão để ghi nhớ sự kiện này.
Đình Trung Bản: Thuộc thôn Trung Bản, xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên. Tương truyền, trong chiến trận Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo cùng quân sỹ đánh đuổi tàn binh giặc trên các gò đất cao gần trận địa cọc Bạch Đằng, tóc ông bị xổ ra, khi đến gò đất này, ông đã dừng lại chống kiếm xuống đất búi lại tóc. Sau chiến thắng, nhân dân xây đình, tôn Ông làm Thành hoàng làng.
Đình Yên Giang: Thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Xưa kia là Làng Rừng, giáp với sông Bạch Đằng, mảnh đất ghi dấu chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Nhân dân Yên Giang xây đình, tôn Trần Hưng Đạo làm Thành hoàng làng. Đền thờ Ông ở Bến Rừng gần miếu Vua Bà, có tên gọi đền Trần Hưng Đạo.
Đình Đền Công: Cách sông Bạch Đằng 500 mét, thuộc xã Điền Công, thành phố Uông Bí. Tương truyền, năm 1288 có 5 vị thần xưng là Ngũ vị Đại tướng quân đã báo mộng cho Trần Hưng Đạo chọn nơi phát hoả hiệu lệnh chiến đấu. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo sửa lễ vật tế tạ đền công các vị Thần. Nhân dân xây đình lấy tên Đền Công, xây miếu thờ 5 vị Thần. Năm 1954, miếu hỏng, chuyển 5 vị thần về thờ chung tại đình Đền Công.
Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ ngày 6-9/3 âm lịch với nhiều nghi lễ trang nghiêm và các hoạt động lễ hội phong phú, được tổ chức tại tất cả các điểm trong khu di tích. Nhằm tôn vinh giá trị ngày đại thắng của dân tộc ta và tưởng nhớ những người đã hy sinh trong các trận chiến Bạch Đằng.
Các điểm di tích trên đã được xếp hạng Di tích quốc gia trong nhiều năm, từ năm 1988 đến 2012. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 322/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong những trung tâm du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh phát triển./.
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân - BTQN
Một số hình ảnh về các điểm di tích và lễ hội
trong Khu di tích lịch sử Bạch Đằng
Bãi cọc Yên Giang, phường Yên Giang
Bãi cọc Đồng Vạn Muối, phường Nam Hòa
Bãi cọc Đồng Má Ngựa, phường Nam Hòa
Đền Trần Hưng Đạo, phường Yên Giang
Miếu Vua Bà, phường Yên Giang
Bến đò Rừng, phường Yên Giang
Đền Trung Cốc, phường Nam Hòa
Đình Trung Bản, xã Liên Hòa
Đình Yên Giang, phường Yên Giang
Đình Đền Công, xã Điền Công, thành phố Uông Bí
Lễ hội Bạch Đằng
Đua thuyền trong lễ hội Bạch Đằng
Phối cảnh khu trung tâm di tích Bạch Đằng