Image
Loading
07/05/2019 09:09 SA
Khu Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử có diện tích trên 9.295ha gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp, trải dài gần 20 km theo tuyến đường từ Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng – chùa Trình) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng), thuộc địa bàn phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
 
 
Chùa Đồng - Yên Tử
Gần 1.000 năm trước, sử sách đã ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “Phúc địa thứ 4 của Giao Châu”. ngoài ra, nhiều tài liệu lịch sử đều thống nhất ghi nhận “Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ”.
Chính sự linh thiêng, huyền bí ấy mà từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa tháp và nhiều công trình khác.
Thời Lý, khu vực núi Yên Tử đã có chùa thờ Phật. Thời Trần, khởi đầu là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua anh hùng của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và 1288 mang lại yên bình cho đất nước, vào lúc triều đại đang hưng thịnh vẫn nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.
Năm 1299, Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng Thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn Đạo với Đời. Ông được coi là Đệ nhất tổ của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Cả ba vị được gọi là Tam Tổ Trúc Lâm. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ XII, XIII và XIV.
 
Lễ đón Bằng Xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, bia, tượng, như: chùa Bí Thượng, Suối Tắm, Cầm Thực, Chùa Lân, Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sái, Một Mái, Chùa Đồng...; các am Lò Rèn, Am Hoa, Am Dược, Am Diêm, Am Muối, am Thiền Định, Thác Ngự Dội; Đường Tùng, Hòn Ngọc, Vườn tháp Huệ Quang, Tượng đá An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài hàng chục km, tạo thành Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm Quốc gia và Quốc tế.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra. Là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng và trùng tu. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn và ra đời sớm ở Việt Nam. Sự ra đời và phát triển của Phật giáo Thiền Tông là sản phẩm của thời đại, gắn với thời kỳ độc lập, tự chủ vẻ vang của đất nước, nền văn minh của Đại Việt. Hệ thống chùa, am, tháp, bia tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư sau này.
Các văn bia ở Yên Tử đều chứa đựng một lượng thông tin lớn, thông qua văn bia, ta có thể lập lại một phả hệ những nhà sư đã tu hành, từ đó có thể nghiên cứu được sự phát triển của phật giáo Trúc Lâm qua từng giai đoạn. Trải qua các thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử là nơi hội tụ của các bậc thiền sư đạo cao, đức trọng như sư Tổ Hiện Quang đời Lý, Tam Tổ Trúc Lâm đời Trần, Tổ Chân Nguyên đời Lê, Ni sư Đàm Thái thời Nguyễn... Có nhà sư dòng dõi vua chúa quý tộc Việt Nam như Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang, Thiền sư Tỳ kheo Minh Hành (Trung Quốc).
Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của dòng Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành, thập thiện như: Thiền tâm thiết chủy ngữ lục; Đại Hương hải ấn thi tập; Tăng già Toán sự; Thạch Thất Mỹ Ngữ; Truyền Đăng Lục; Thượng sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hóa phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Hơn 700 năm qua, từ Trung tâm Yên Tử, pháp phái Thiền Trúc Lâm đã lan tỏa mạnh và phát triển rộng tới nhiều vùng miền trong cả nước, đã được các thế hệ Thiền sư nối tiếp kế thừa, phát triển và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Yên Tử còn được xem như một bảo tàng sinh thái tự nhiên, với sự đa dạng về hệ sinh thái, cảnh quan. Cùng với hệ thống chùa, am, tháp là đường tùng, rừng thông, rừng trúc, rừng mai làm cho Yên Tử càng trở lên tươi đẹp và quyến rũ. Trải đều trên các tuyến đường là những cụm kiến trúc chùa, am, tháp, bia ký… lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây. Từ xa xưa, Yên Tử đã được liệt vào hàng danh sơn đất Việt. Đến đỉnh Yên Tử, du khách có thể phóng tầm mắt ra phía Đông là vịnh Hạ Long mênh mông với hàng ngàn đảo đá nhấp nhô như chuỗi ngọc. Nhìn về phía Nam là thành phố Hải Phòng với dòng sông Đá Bạc, Bạch Đằng lững lờ như một dải lụa mềm mại. Trông về phía Tây là đồng bằng trù phú Hải Dương, Bắc Ninh, còn phía Bắc là điệp trùng rừng núi…
Lễ hội chùa Yên Tử là một trong số ít các lễ hội ở Việt Nam được phép tổ chức dài nhất, kéo dài trong 3 tháng Xuân. Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến đây chiêm bái lễ Phật.
Ngày 13/3/1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.
* Một số hình ảnh về Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử:
Một góc núi Yên Tử
Chùa Hoa Yên
Chùa Vân Tiêu
Tháp Tổ
Tượng Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông trong tháp Tổ
Vườn tháp Vọng Tiên Cung
Đường Tùng
Rừng Trúc Yên Tử
Mai vàng Yên Tử
Bài: Phan Thị Thúy Vân, ảnh: TL

 

 

 

 

 
 
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN