Image
Loading
01/04/2019 11:44 CH
Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều gồm quần thể các lăng, mộ, đền, chùa, am, tháp, tọa lạc trên vùng đất An Sinh cổ, nay thuộc địa bàn các xã: An Sinh, Bình Khê, Tràng An, Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc nhà Trần, sau chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương ở đó. Do vậy, nhà Trần đã chọn vùng đất quê gốc để xây dựng lăng mộ cho 11 vị tiên đế, như: Lăng Tư Phúc, lăng Đồng Thái, lăng Đồng Mục, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, Nguyên Lăng, lăng Đồng Hỷ cùng nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo, như: Đền An Sinh, đền Thái, am - chùa Ngọa Vân, am Mộc Cảo, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, chùa – quán Ngọc Thanh, chùa Trung Tiết. Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc của triều đại nhà Trần. Là nơi tĩnh thiền và nhập niết bàn của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Hệ thống chùa, am, tháp gồm:
1. Chùa Quỳnh Lâm: Tọa lạc trên núi Tiên Du, xã Tràng An. Chùa xây dựng từ thời Lý, nổi tiếng với pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng, được xếp vào nhóm “An Nam tứ đại khí”. Thời Trần, chùa được mở rộng và trở thành trung tâm Phật giáo của Đại Việt - Quỳnh Lâm Viện. Các vị Sư Tổ của Thiền phái Trúc Lâm đều đến đây tu hành, thuyết pháp. Nhà thơ Trần Quang Triều lập nên “Thi xã Bích Động” để các danh nho nổi tiếng lui tới ngâm vịnh. Lễ hội chùa Quỳnh Lâm tổ chức từ ngày 1-4 tháng 2 Âm lịch hằng năm.
2. Am – chùa Ngọa Vân: Tọa lạc trên núi Bảo Đài, xã Bình Khê, thuộc dãy núi Yên Tử. Ban đầu là am nhỏ, xây dựng từ thời Trần. Đây là nơi Trần Nhân Tông (vị vua thứ 3 nhà Trần) chọn tĩnh thiền và nhập cõi Niết bàn, trở thành Đệ Nhất Tổ của phái Thiền Trúc Lâm. Một phần xá lỵ của Ngài được táng ở tháp Phật Hoàng tại Ngọa Vân.
Am – chùa Ngọa Vân được tôn tạo với quy mô lớn vào thời Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ phái Thiền Trúc Lâm (thời Trần) và các thời hậu Lê, Nguyễn, gồm nhiều công trình kiến trúc trải dài từ suối Phủ Am Trà qua Đô Kiệu, Thông Đàn, Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc.
3. Chùa Hồ Thiên: Tọa lạc ở phía Nam núi Phật Sơn, xã Bình Khê, thuộc dãy núi Yên Tử, do Pháp Loa xây dựng vào năm 1327. Thời Lê Trung Hưng, chùa được trùng tu quy mô lớn với các công trình nổi tiếng như nhà bia được ghép bằng những khối đá lớn, tháp đá 7 tầng.
4. Chùa - quán Ngọc Thanh: Tọa lạc trên núi Ngọc Thanh, xã Thủy An. Thời Trần, tại đây có cả Chùa (đạo Phật) và Quán (đạo Giáo). Là nơi vua Trần Thuận Tông xuất gia tu hành theo đạo Giáo. Ông mất năm 1399 và được táng vào lăng Đồng Hỷ ở chân núi Ngọc Thanh.
5. Am Mộc Cảo: Nằm bên tả ngạn suối Phủ Am Trà, xã An Sinh. Là nơi ở trong thời gian cuối đời của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông, mẹ của vua Trần Minh Tông. Năm 1332 phụ táng vào khu vực lăng Đồng Thái (lăng vua Trần Anh Tông).
6. Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết): Tọa lạc tại thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh. Là nơi thờ Phật và thờ hai vị bề tôi trung thành của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung.
Hệ thống đền, miếu gồm:
1. Đền Thái: Tọa lạc trên một quả đồi thấp, thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Đền Thái vốn là Tiên Miếu hay Tổ Miếu, do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng để thờ tổ tiên nhà Trần và Trần Thừa (cha của Trần Liễu). Sau này các vua Trần được thờ cúng tại đây, Tiên Miếu trở thành Thái Miếu của nhà Trần. Thời thuộc Minh đổi thành đền Thái. Thời Nguyễn, xây dựng đình trên nền đền Thái có tên đình Đốc Trại, thờ Thành hoàng làng là 8 vị vua nhà Trần. Năm 2014, đền Thái được xây dựng khang trang.
2. Đền An Sinh: Xây dựng từ thời Trần tại xã An Sinh, thờ 5 vị vua: Anh Tông, Minh Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Khâm Minh Thánh Vũ Hiển Đạo An Sinh hoàng đế. Năm 1997, đền được xây dựng lại như hiện nay, thờ 8 vị vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Giản Định và thờ Trần Hưng Đạo.
Hệ thống lăng mộ các vua Trần gồm:
1. Lăng Tư Phúc: Tọa lạc trên quả đồi thấp sau đền An Sinh. Tháng 6 năm 1381, chuyển thần vị của vua Trần Thái Tông (vị vua đầu tiên của nhà Trần) và Trần Thánh Tông (vị vua thứ 2 nhà Trần) ở Thái Bình, Nam Định về lăng Tư Phúc. Sau phụ thờ thêm Trần Phế Đế (vị vua thứ 10 nhà Trần).
2. Lăng Đồng Thái: Tọa lạc ở khu đồi Trán Quỷ (hồ Trại Lốc), xã An Sinh. Năm 1320 an táng vua Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 nhà Trần. Năm 1332 phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu.
3. Lăng Đồng Mục: Tọa lạc ở khu đồi Khe Gạch, xã An Sinh. Năm 1357 an táng vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 nhà Trần.
4. Lăng Ngải Sơn: Tọa lạc ở khu Ao Bèo, xã An Sinh. Năm 1381 chuyển thần vị của vua Trần Hiến Tông (vị vua thứ 6 nhà Trần) từ An Lăng ở Kiến Xương Thái Bình về lăng Ngải Sơn.
5. Lăng Phụ Sơn: Tọa lạc ở khu Đống Tròn, xã An Sinh. Năm 1369 an táng vua Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 nhà Trần.
6. Nguyên Lăng: Tọa lạc ở khu Khe Nghệ, xã An Sinh. Năm 1394 an táng vua Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8 nhà Trần.
7. Lăng Đồng Hỷ: Tọa lạc ở núi Ngọc Thanh, xã Thủy An. Năm 1377 chiêu hồn vua Trần Duệ Tông về thờ (vị vua thứ 9 nhà Trần). Năm 1399 an táng vua Trần Thuận Tông, vị vua thứ 11 nhà Trần.
Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa ký Quyết định số 313QĐ/BT xếp hạng Đền, Lăng mộ các vua Trần là Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia. Ngày 07/02/2013, khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 307/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg công nhận hộp bằng vàng thời Trần tìm thấy tại Ngọa Vân là bảo vật Quốc gia./.
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân, TL
*Một số hình ảnh về Khu Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều:
Đền An Sinh, xã An Sinh
 
 
Tháp Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở am – chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê
 
Tháp chùa Hồ Thiên, xã Bình Khê
 
Tượng quan hầu và tượng linh thú bằng đá ở lăng Ngải Sơn, xã An Sinh
 
Ngói đầu đao lợp góc mái thời Trần, thế kỷ XIV, tìm thấy tại Thái Lăng, xã An Sinh
 
Hộp bằng vàng thời Trần – Bảo vật Quốc gia, tìm thấy ở khu vực Hồ Trại Lốc, xã An Sinh
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN