Hội nghị còn có sự tham gia của các đại biểu đại diện cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa; các sở, ngành của 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương; các chuyên gia quốc tế nội bộ, chuyên gia trong nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trao đổi về kết quả tiền thẩm định tại thực địa tham quan hệ thống di tích đề cử để tư vấn hoàn thiện Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trước khi Đoàn chuyên gia thẩm định của ICOMOS sẽ tiến hành chính thức từ ngày 5/8 đến 15/8. Các chuyên gia đã có những đánh giá cụ thể và xác đáng về Hồ sơ, đồng thời cũng nhấn mạnh những điểm mấu chốt cho công tác chuẩn bị phục vụ cho đoàn thẩm tra quốc tế như: Rất cần có các nhà khoa học, nhà khảo cổ, nhà quản lý, nhà quy hoạch chính sách... cùng tham gia; các chuyên gia đến không chỉ đánh giá giá trị của di sản mà còn thẩm tra cả kế hoạch quản lý di sản; đề nghị quan tâm hơn tới vùng đệm bao bọc xung quanh di sản...
Đại diện cho lãnh đạo UBND 3 tỉnh có di tích trong Hồ sơ, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đến nay đã tròn 4 năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo kết luận về việc xây dựng hồ sơ. UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã bám sát thực hiện Kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đảm bảo thời gian, tiến độ hoàn thành hồ sơ. Xác định phạm vi hồ sơ quần thể di tích và danh thắng trên địa bàn 3 tỉnh là rất lớn và khối lượng công việc còn rất nhiều.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và quản lý đã có những ý kiến trao đổi, tập trung các nội dung như: Cần có một thông điệp ngắn gọn nhưng có sức lay động khẳng định được giá trị của quần thể di tích, danh thắng; cần làm nổi bật những điểm quan trọng nào trong quần thể di tích cũng như giá trị nổi bật của từng di tích khi giới thiệu cho đoàn thẩm tra; đưa ra bằng chứng của tính xác thực của các giá trị và thuộc tính của di sản. Công tác bảo vệ và quản lý di tích quốc gia đặc biệt phải được vận hành và quản lý theo thẩm quyền của UBND ba tỉnh và được quản lý tổng thể ra sao. Khu vực Di sản cần được cam kết bảo vệ và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, với sự ủng hộ, tham gia đầy đủ của các bên liên quan và người dân địa phương. Đồng thời, đề xuất thành lập Hội đồng quản lý di tích.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những đánh giá và ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan liên quan tại hội thảo. Thứ trưởng cho rằng trong quá trình 4 năm vừa qua, Việt Nam đã xây dựng được hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng là một nỗ lực rất lớn. Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, các nhà khoa học đều đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc, khoa học trong việc xây dựng hồ sơ và hồ sơ rất có tiềm năng, tuy nhiên Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục phải thực hiện các thủ tục một cách đầy đủ, chính xác.
Thứ trưởng cũng biểu dương UBND tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực, thường xuyên theo dõi và có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ, UNESCO và tổ chức các cuộc họp thảo luận, thu nhận các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ này. Sự kiện Việt Nam đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO năm 2023, đón tiếp Chủ tịch hội đồng UNESCO và đón Giám đốc Trung tâm di sản thế giới năm 2024 là những điều kiện thuận lợi. Thứ trưởng nhận định, các nội dung báo cáo của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng chính là điểm tựa cho chúng ta tiếp tục thực hiện.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Đoàn chuyên gia thẩm định của ICOMOS sẽ đến và thực hiện công việc thẩm định, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị lãnh đạo UBND 3 tỉnh cần tập trung xây dựng chuyên môn về giá trị toàn cầu theo hướng chọn lọc, đúc kết thông tin ngắn gọn về các giá trị di sản. Đối với đơn vị tư vấn cần củng cố toàn bộ các nội dung của hồ sơ di tích. Chuẩn bị các tài liệu liên quan đến di tích, các biện pháp giới thiệu di tích tại chỗ... Trong đó bao gồm việc kiện toàn lại toàn bộ hồ sơ, các ranh giới, đánh giá di sản toàn vẹn, các dự án xây dựng phát triển hay lập kế hoạch phát triển tại các khu vực di sản.
Các địa phương cũng cần có kế hoạch đón tiếp chu đáo; chuẩn bị đầy đủ về nội dung, thành phần, đặc biệt các nội dung phải làm toát lên được giá trị lịch sử, văn hoá, đặc biệt là yếu tố cộng đồng tham gia vào.
Giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì đôn đốc, làm việc với đơn vị tư vấn, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Văn phòng UNESCO tiếp tục chuẩn bị các khâu tiếp theo; chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung tham dự kỳ họp thường niên của Uỷ ban di sản thế giới tại Ấn Độ vào cuối tháng này để giới thiệu hồ sơ này.
Có thể thấy, với quyết tâm mạnh mẽ, công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng hồ sơ đạt được sự thống nhất cao từ Trung ương tới 3 tỉnh; giữa trách nhiệm của Ban chỉ đạo với việc điều hành của các tỉnh, cho đến nay, Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Chất lượng, nội dung, thành phần hồ sơ thực hiện theo Công ước Di sản thế giới năm 1972 của UNESCO.