Image
Loading
13/05/2024 12:00 SA
Tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra ngày 12/5, tại TP Hạ Long đã đề cập đến vấn đề thời sự rất quan trọng nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, thể thao. Với tinh thần khoa học, khách quan, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn và tâm huyết của các đại biểu về nội dung này.
 

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người”.

Thiết chế văn hóa, thể thao là yếu tố cấu thành của mỗi nền văn hóa và hội thảo là dịp đặc biệt để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, nhất là những người làm công tác văn hóa cùng thảo luận, làm sâu sắc, toàn diện hơn nhận thức về vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa, thể thao. Bằng trí tuệ và sự nhiệt huyết đối với sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa dân tộc, các đại biểu tại hội thảo đã có những kiến giải sâu sắc về chính sách và nguồn lực cho sự phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cũng như khai thông những "điểm nghẽn" trong chính sách, nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Qua nghiên cứu cách làm của các địa phương, tôi thấy rằng, Quảng Ninh có những chủ trương, cách làm rất phù hợp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quảng Ninh đã tạo đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn giá trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, từng bước tạo cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Tôi hy vọng các địa phương khác sẽ đi theo hướng như thế để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người.

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Trọng tâm, trọng điểm các giải pháp phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh".

Bám sát và thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. 

Các nghị quyết được triển khai toàn diện, sâu sắc để xây dựng và phát huy văn hóa và con người Quảng Ninh. Trong đó, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm triển khai và có nhiều kết quả thiết thực trong việc góp phần quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa văn minh, xây dựng con người Quảng Ninh "Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh" . Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Để văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững” trong lĩnh vực thiết chế văn hóa, thể thao, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho các công trình văn hóa, thể thao, không gian triển lãm; xây dựng, mở rộng không gian trưng bày nghệ thuật tại các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, cấp xã; hoàn chỉnh các công trình văn hóa thể thao, đặc biệt là Nhà Hát tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh… Qua đó, từng bước cùng với nhân dân phát huy được sức sáng tạo và nguồn lực trong dân trong quá trình thực hiện; thúc đẩy xây dựng văn hóa, con người để đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Quảng Ninh.

 

NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu Diễn (Bộ VH-TT&DL): “Xác định công nghiệp văn hóa là mũi nhọn để phát triển văn hóa du lịch của Quảng Ninh”.

Quảng Ninh là vùng đất có quá nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với những giá trị tuyệt vời về cảnh quan thiên nhiên, Quảng Ninh còn có giá trị rất lớn về lịch sử văn hóa, con người nơi đây luôn dồi dào năng lượng, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo địa phương luôn khát khao đổi mới sáng tạo. Không chỉ dừng lại là những sản phẩm văn hóa, công nghiệp văn hóa chính là tiềm năng mềm trong tương lai, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Từ cơ sở thực tiễn của Quảng Ninh, tôi cho rằng, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm phát triển đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật biểu diễn, hướng tới sự phát triển văn hóa bền vững, cụ thể như: Làm thực cảnh sâu sắc về văn hóa ở Yên Tử, trong đó có những show về giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, tạo dấu ấn đặc trưng của Quảng Ninh; làm thực cảnh biển những câu chuyện xung quanh Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long… Ngoài công nghiệp văn hóa về truyền thống giá trị lịch sử, Quảng Ninh còn là mảnh đất tiềm năng để thu hút những Festival quốc tế. Tôi tin, Quảng Ninh sẽ phát triển nhiều hơn nữa về công nghiệp văn hóa và xác định công nghiệp văn hóa là "mũi nhọn" để phát triển văn hóa du lịch của địa phương. Với vai trò quan trọng của thiết chế văn hóa, Quảng Ninh cần nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng những thiết chế văn hóa giữa biển và đất liền để xây dựng biểu tượng xứng tầm quốc gia tại vùng đất này; xây dựng được bộ phận quản lý, vận hành, đảm bảo phát huy hiệu quả giá trị bền vững của các thiết chế văn hóa.

 

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban BQL Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VH,TT&DL): “Thành công của Quảng Ninh mang đến cho các đại biểu cách nhìn trực quan, sinh động hơn”.

Hội thảo Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao mang lại cho chúng ra giải pháp để tháo gỡ cho những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Từ đó, giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi những luật có liên quan. Với các cơ quan chức năng đang được giao quản lý, vận hành, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao cũng sẽ phải nghiên cứu, chủ động đề xuất với các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các bất cấp từ thực tiễn.

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo bằng cách thông qua HĐND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có Quảng Ninh với rất nhiều thiết chế văn hóa phát huy được hiệu quả. Điển hình là Bảo tàng Quảng Ninh đã nổi lên như một hình mẫu không chỉ ở địa phương mà đối với nhiều bảo tàng trung ương thì Bảo tàng Quảng Ninh cũng rất xứng đáng là mô hình đáng để học tập, nơi mà vừa đảm bảo được hiệu ích xã hội, vừa có thể khai thác được hiệu ích kinh tế. Từ những thành công của Quảng Ninh cũng mang đến cho các đại biểu về cách nhìn trực quan, sinh động hơn trong phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao.

 

Bà Phạm Thị Nhâm, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng): “Nghiên cứu định lượng, giá trị văn hóa thể thao là nền tảng phát triển thiết chế văn hóa bền vững”.

Quảng Ninh có những đặc điểm, giá trị về văn hóa, cảnh quan hết sức đặc sắc. Tỉnh Quảng Ninh cũng phát triển mạnh du lịch dựa trên nền tảng văn hóa biển, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa tâm linh với việc đầu tư, tôn tạo hạ tầng xã hội mạnh mẽ. Đây được coi là hướng đi đúng đắn, hiệu quả phát huy được các giá trị văn hóa, con người của Quảng Ninh.

Để thực sự phát triển hiệu quả các nội hàm thiết chế văn văn hóa, thể thao theo đúng định hướng, Quảng Ninh cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm về công nghiệp văn hóa, văn hóa số dựa trên những nền tảng sẵn có. Đồng thời, trên cơ sở hạ tầng sẵn có, Quảng Ninh nghiên cứu, định lượng các giá trị văn hóa, con người trong việc phát triển, phát huy hạ tầng văn hóa, thể thao gắn với sự phát triển chung của tỉnh một cách rõ ràng hơn. Từ đó, đưa ra các giải pháp về nguồn lực và có phương hướng quản lý, phát triển thích hợp trong thời gian tới.

 

TS- NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam:“Bảo tồn, phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống của các loại hình nghệ thuật gắn với phát triển du lịch địa phương”.

Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, liên tục diễn ra 2 hội thảo về văn hóa, trong đó có Hội thảo về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao tổ chức tại Quảng Ninh. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với văn hóa dân tộc, cũng là cơ hội để khối văn nghệ sỹ được lắng nghe, trao đổi và đề xuất những kiến nghị nhằm phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật sân khấu truyền thống hàm chứa những giá trị độc đáo được kết tinh từ nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc sân dộc, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhất là văn hóa nghệ thuật phục vụ cho du lịch, phục vụ cho đời sống nhân dân; là địa phương đi đầu trong thực hiện sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh là: Chèo, Cải lương và Kịch. Điều này đã góp phần phát huy hiệu quả việc bảo tồn, gìn giữ vốn nghệ thuật truyền thống mà các nghệ sĩ Quảng Ninh đã dày công vun đắp. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Quảng Ninh đang có dấu hiệu mai một. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý nên nghiên cứu, xem xét kĩ để đưa ra các chính sách quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật, để giúp các loại hình nghệ thuật vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy mạnh mẽ những giá trị truyền thống của các loại hình nghệ thuật, gắn với phát triển du lịch địa phương, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.

Theo baoquangninh.vn

trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Phóng sự “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phóng sự “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

  • 08/11/2024 12:00 SA

Phóng sự “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045