Image
Loading
11/07/2024 12:00 SA
Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Với cách tổ chức triển lãm, trưng bày chuyên đề đặc biệt, Bảo tàng Quảng Ninh đã đánh thức tiếng nói của hệ thống di sản văn hóa vùng đất mỏ, kể cho chúng ta rất nhiều thông điệp quý giá từ quá khứ.
 
 
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi quốc gia. Bảo tàng Quảng Ninh đã và đang thực hiện sứ mệnh này một cách xuất sắc thông qua việc tổ chức các triển lãm chuyên đề đặc biệt. Đây là hình thức trưng bày có vai trò rất quan trọng, góp phần làm phong phú, đa dạng và “mới” cho hoạt động bảo tàng. Triển lãm, trưng bày chuyên đề có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được, đồng thời phục vụ những nhiệm vụ chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Vì vậy, triển lãm, trưng bày chuyên đề thể hiện tính đa dạng, thường xuyên đổi mới, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng khác nhau.

Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những địa điểm văn hoá quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, nổi tiếng với các cuộc triển lãm và trưng bày chuyên đề độc đáo. Trong nhiều năm qua, bảo tàng đã không ngừng đổi mới, phát triển để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa về văn hoá, lịch sử, thiên nhiên và con người của vùng đất này.

Tại Bảo tàng Quảng Ninh có các không gian triển lãm, trưng bày với hai khối trưng bày ngoài trời - trong nhà, bao gồm 13 không gian trưng bày cố định và không gian trưng bày chuyên đề; không gian trưng bày cổ vật Việt Nam và nước ngoài tại khu vực khối hội nghị. Trong đó các cuộc triển lãm tại không gian triển lãm, trưng bày chuyên đề (khối hội nghị) ngày càng được coi trọng. Không gian này có sắc màu và ánh sáng mang tính ấm trầm rất phù hợp cho triển lãm, trưng bày theo chuyên đề.  Bảo tàng Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực và phát triển trong khâu tổ chức các triển lãm, trưng bày chuyên đề những năm qua, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn ,phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và con người của địa phương.

Tính riêng từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức thành công 18 cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Có thể kể ra các trưng bày chuyên đề tiêu biểu như: Triển lãm sách, báo, tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và không gian Tết Việt mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020; “Sắc màu Văn hóa các quốc gia ASEAN và các nước đối tác” năm 2020; “Bác Hồ với bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân nhân các cấp” năm 2021;  “Nghề điêu khắc than đá” tại Huế năm 2021;  “Sưu tập các tác phẩm tranh cổ động theo dòng lịch sử Việt Nam” năm 2022… Đặc biệt nhất, Bảo tàng phối hợp đưa những tác phẩm điêu khắc than đá vào Huế triển lãm. Đây là một nghề thủ công mỹ nghệ với chất liệu than đá độc đáo có một không hai trong cả nước.

Sau giai đoạn Covid 19, số lượng các cuộc trưng bày tăng đều, năm sau cao hơn năm trước, có nhiều cuộc trưng bày chuyên đề mỗi năm. Tính riêng trong năm 2023, Bảo tàng đã tổ chức 5 cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề, gồm: Triển lãm chuyên đề “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa sắc màu Di sản”; Triển lãm chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh”; Triển lãm chuyên đề “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - Quảng Ninh năm 2023”; Trưng bày chuyên đề “Quảng Ninh - 60 năm xây dựng và phát triển”; Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”.

Các cuộc triển lãm, trưng bày tại bảo tàng Quảng Ninh thường được tổ chức theo chủ đề cụ thể, từ văn hóa dân tộc, lịch sử, đến các bộ sưu tập nghệ thuật và đồ vật cổ. Đội ngũ của của bảo tàng đã đầu tư nhiều công sức vào việc nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày những hiện vật có giá trị, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử và con người của địa phương. Các triển lãm, trưng bày chuyên đề đã góp phần lan tỏa hình ảnh văn hóa con người Quảng Ninh đến với đông đảo công chúng và du khách. Với sự quan tâm của lãnh đạo cùng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, kinh nghiệm các triển lãm chuyên đề tại bảo tàng Quảng Ninh đã được tổ chức một cách chuyên nghiệp và sáng tạo.

Cũng trong năm 2023, Bảo tàng còn phối hợp triển khai tổ chức triển lãm “Di sản thiên nhiên thế giới - triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc” Hoạt động phối hợp trưng bày chuyên đề không chỉ giúp làm đa dạng các triển lãm đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn thể hiện năng lực, vai trò, vị thế của Bảo tàng Quảng Ninh. Đặc biệt, triển lãm “Jeju Hàn Quốc” thể hiện sự hợp tác quốc tế, khẳng định quá trình vươn tầm quốc tế của một bảo tàng địa phương.

Triển lãm, trưng bày tại Bảo tàng ngày càng thu hút được công chúng cũng như du khách đến tham quan thưởng lãm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo tàng đã tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề “Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” (Mừng Đảng - mừng Xuân và đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, năm 2024);  “Độc đáo Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh”; phối hợp với Bảo tàng Binh chủng Hóa học tổ chức trưng bày chuyên đề “Mệnh lệnh từ trái tim”. Đồng thời, tham gia trưng bày ảnh 13 bảo vật Quốc gia tại khu vực sảnh phía trước tầng 1 của Trung tâm Hội nghị tỉnh trong Hội thảo Văn hóa Quốc gia năm 2024.

Trước đó, Bảo tàng Quảng Ninh đã làm tốt những nhiệm vụ chính trị được giao với các triển lãm trưng bày chuyên đề phục vụ các sự kiện lớn lễ kỷ niệm của tỉnh của đất nước như: Triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm - vinh quang và tự hào” dịp tết Canh Tý 2020, trưng bày chuyên đề “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa sắc màu Di sản”; Trưng bày chuyên đề “Quảng Ninh - 60 năm xây dựng và phát triển”, trưng bày ảnh chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” tại huyện đảo Cô Tô năm 2021, trưng bày chào mừng các kỳ đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp v.v.

Không dừng lại ở đó, Bảo tàng còn phối hợp với Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long, các nhóm họa sĩ Hội VHNT tỉnh tổ chức các triển lãm nhóm mỹ thuật để trưng bày chuyên đề các tác phẩm hội họa, điêu khắc mới sáng tác. Đây là hoạt động đáng lẽ thuộc về lĩnh vực văn nghệ nhưng đã được các nghệ sĩ chọn Bảo tàng là không gian gửi gắm niềm tin cho những tác phẩm của mình. Sau các cuộc trưng bày, hàng chục tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đã được các nghệ sĩ tặng cho Bảo tàng.

Đặc biệt, trong mỗi một cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề, số lượng học sinh phổ thông, sinh viên Trường Đại học Hạ Long luôn đến thăm quan rất đông. Điều này không chỉ khẳng định sức hấp dẫn của Bảo tàng mà còn cho thấy hoạt động triển lãm trưng bày chuyên đề có tính giáo dục và lan toả cộng đồng sâu sắc.

Bên cạnh việc trưng bày các hình ảnh, hiện vật và tư liệu lịch sử, Bảo tàng Quảng Ninh cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu, hội thảo liên quan đến các triển lãm chuyên đề, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương và du khách tham gia, tương tác. Du khách đến với trưng bày triển lãm có thể tham gia in dập tranh dân gian, chụp ảnh check in các không gian trưng bày, xem biểu diễn dân ca (múa cấp sắc) của người Dao Thanh Y. Điều này làm cho không gian trưng bày không còn bị bó hẹp. Các hoạt động cũng vì thế mà sinh động hơn, hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với du khách trẻ tuổi.

Bảo tàng cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác số hóa vào công tác triển lãm, trưng bày giúp cho khách tham quan có thể tra cứu các thông tin liên quan tới chủ đề đang diễn ra. Triển lãm, trưng bày đã phát huy các giá trị về di sản văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của công chúng trên không gian mạng. Đến nay, trang Web và trang Fanpage đã viết và đăng tải hàng ngàn bài viết kèm theo hàng ngàn ảnh, video tuyên truyền, giới thiệu. Bảo tàng phối hợp với Báo Quảng Ninh điện tử, truyền hình Quảng Ninh và nhiều cơ quan báo chí ở trung ương thường xuyên đăng tải các tin bài, phóng sự hình ảnh nhằm giới thiệu giá trị của các triển lãm trưng bày chuyên đề.

Một cách làm sáng tạo được Bảo tàng thực hiện đó là giới thiệu  trưng bày những sưu tập cá nhân. Việc phát huy giá trị các di vật cổ vật tại Bảo tàng hiện nay vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các nhà sưu tập đang sở hữu những cổ vật quý. Bảo tàng Quảng Ninh đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà sưu tập để tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề quy mô hơn không chỉ các cổ vật phát lộ tại Quảng Ninh mà còn cả cổ vật của các địa phương liên quan. Nếu làm được như thế thì các di vật, cổ vật sẽ được trưng bày luân chuyển để phục vụ du khách đến Quảng Ninh tìm hiểu văn hoá con người nơi đây.

Một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” xác định năm 2030 là huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho không gian triển lãm nghệ thuật, trong đó có không gian triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, phát triển các nội dung trưng bày khác tại Bảo tàng.

Những nỗ lực và thành tựu trong công tác triển lãm trưng bày chuyên đề tại bảo tàng Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đồng thời tạo ra những trải nghiệm văn hóa đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước. Phát biểu tại lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam : Vai trò của sáng tạo lý luận phê bình và quảng bá” tổ chức tại TP Hạ Long, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đánh giá: Quảng Ninh là một trong số những tỉnh đứng đầu về các hoạt động triển lãm bởi vì có các công trình tiêu biểu về kiến trúc và mỹ thuật như Bảo tàng với không gian kiến trúc độc đáo. Quảng Ninh có thể tổ chức triển lãm quốc tế thu hút nhân vật nổi tiếng thế giới đến sáng tác và triển lãm trong khi đó địa phương không phải bỏ ra bất cứ khoản chi phí gì. Tuy nhiên, nơi khác muốn để làm được điều đó cũng phải có những cơ sở hạ tầng tốt với không gian bảo tàng, không gian triển lãm như Quảng Ninh thì mới tổ chức được. Nhờ những tác phẩm này mà khách du lịch sẽ đến đông hơn, hình ảnh địa phương cũng được quảng bá rộng rãi hơn.

Bằng việc tổ chức các triển lãm chuyên đề đặc biệt, Bảo tàng Quảng Ninh đã thực sự đánh thức tiếng nói của hệ thống di sản văn hoá. Sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ, khai thác tiềm năng giáo dục và giao lưu văn hoá quốc tế đã giúp bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là nơi truyền tải những giá trị văn hoá sống động. Những nỗ lực này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá mà còn lan toả, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Một số hình ảnh công tác triển lãm, trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh:
 
 
 
 
 
 
Bài, ảnh: Hồng Nguyên - BTQN
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phương dự sinh hoạt chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phương dự sinh hoạt chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh

  • 04/09/2024 12:00 SA

Sáng 4/9, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 9/2024 tại Chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.