Image
Loading
24/04/2024 12:43 SA
Bảo tàng là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, nơi khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật, hình ảnh, biểu tượng, thước phim sinh động..., bảo tàng được xem là một trường học lý tưởng ngoài nhà trường. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh sẽ kể câu chuyện lịch sử, văn hóa theo một cách riêng, sinh động, tạo niềm hứng thú và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của học sinh.
 Hội đồng Quốc tế các viện bảo tàng (ICOM - năm 2007) đưa ra định nghĩa về bảo tàng “…Bảo tàng thu mua, giữ gìn, nghiên cứu, liên lạc và trưng bày các hiện vật vì mục đích giáo dục, thưởng thức những di sản vật thể, phi vật thể của con người và môi trường xung quanh con người”; Theo Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam, “Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.
 
Như vậy, bảo tàng được coi như một thiết chế văn hóa đa chức năng, trong đó có chức năng giáo dục, góp phần quan trọng không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn đáp ứng được yêu cầu về nhận thức và hưởng thụ văn hóa của mọi đối tượng, nhất là các em học sinh. Bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục thông qua việc phổ biến những kiến thức, hiểu biết khoa học cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu trên cơ sở khai thác đặc trưng và khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động thông qua hệ thống trưng bày các tổ hợp hiện vật gốc. Hoạt động giáo dục của bảo tàng cũng được triển khai theo Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL (31/12/2010) về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, bao gồm hướng dẫn tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản ấn phẩm và Đề án được phê duyệt theo Quyết định 208/2014/QĐ – TTg ngày 27/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã khẳng định: Bảo tảng tỉnh, thành phố phải trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nêu rõ nhiệm vụ: Phấn đấu 100% bảo tàng cấp tỉnh ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa; tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương ngay tại bảo tàng.
Trong vai trò như một trường học lý tưởng ngoài nhà trường, Bảo tàng không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử mà còn cả kiến thức về nếp sống văn hóa, đạo đức ứng xử với di sản cho học sinh khi đến tham quan, trải nghiệm; Thời gian qua, bảo tàng Quảng Ninh đã đón hàng nghìn lượt các em từ các trường học trong cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng đến tham quan học tập, trải nghiệm với các đối tượng là sinh viên, học sinh trung học, học sinh tiểu học, mần non. Môt số trường học tại Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng, phát huy giá trị tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa và khai mở những tiềm năng của học sinh.
 
251 em học sinh và các giáo viên, phụ huynh học sinh khối 4
– Trường Tiểu học Lê Hồng Phong tham gia hoạt động trải nghiệm
chủ đề “Nghề truyền thống” ngày 17/4/2024
 
Có thể nói Bảo tàng Quảng Ninh nơi có kiến trúc vô cùng độc đáo, nơi lưu giữ đến 60.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật Quốc gia, các hiện vật được trưng bày theo chủ đề mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền. Tầng 1: Là không gian của biển cả và thiên nhiên, trưng bày, giới thiệu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Quảng Ninh, như khoáng sản, địa chất và đa dạng sinh học, được bố trí trưng bày dạng ống núi làm từ những chất liệu hiện đại kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng tạo hiệu ứng nước khiến du khách có cảm giác như đang đi trong không gian vịnh Hạ Long thu nhỏ. Tại không gian tầng 1 còn trưng bày rất nhiều loại dụng cụ đánh bắt thủy hải sản của người dân Quảng Ninh với các mô hình tái hiện lại cảnh đánh bắt thủy hải sản và mô hình thuyền đặc trưng của địa phương, qua không gian này du khách và đặc biệt là các em học sinh có thêm những hiểu biết về những nghề lâu đời nhất, gắn liền với quá trình con người tới cư trú tại vùng đất Quảng Ninh ngày nay đó là nghề đánh bắt hải sản. Trong giai đoạn đồ đồng - Văn minh Hùng Vương (khoảng 3500-2000 năm cách ngày nay), do kỹ thuật đúc đồng phát triển, các ngư dân ở Quảng Ninh khi ấy đã có thêm nhiều dụng cụ để đánh bắt hải sản và nghề này trở thành nghề chính, kế đến mới là săn bắn thú rừng và chăn nuôi, trồng trọt; Trải qua thời gian, nghề đánh bắt hải sản ở Quảng Ninh ngày nay đã phát triển với nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền vẫn được bảo lưu như: nghề câu mực, câu cá song, chã, thuyền chài, đánh cá đèn, gõ thuyền đuổi cá, đánh hà, cào thiếp …; Làng nghề đan ngư cụ cũng ra đời từ khoảng giữa thế kỷ XV, tồn tại cho đến ngày nay. Làng nghề đó đã hàng trăm năm tuổi là làng nghề truyền thống Hưng Học ở phường Nam Hòa - Thị xã Quảng Yên - Tỉnh Quảng Ninh.
 
Làng nghề đan ngư cụ hàng trăm năm tuổi vẫn tồn tại,
đó là làng nghề truyền thống Hưng Học ở phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.
 
Tầng 2: của bảo tàng trưng bày những di tích, hiện vật về lịch sử tỉnh Quảng Ninh trải dài từ thời kỳ tiền sử đến hết kháng chiến chống đế quốc Mỹ với các không gian văn hóa tiền Hạ Long, văn hóa Hạ Long, thời đại kim khí, thời kỳ sơ sử: kỷ nguyên Đại Việt, khu trưng bày chuyên đề Yên Tử - Nhà Trần, thời kỳ cận - hiện đại: phong kiến, cách mạng, kháng chiến. Từ thời kỳ tiền sử đến hết kỷ nguyên Đại Việt được đặt trong một không gian lớn, thông suốt, ốp gỗ với nhiều đường cong và tủ trưng bày vuông, tròn kết hợp lạ mắt tạo hình như một con thuyền khổng lồ mang theo hàng ngàn hiện vật tái hiện lại một nền văn hóa Hạ Long trên 4000 năm lịch sử. Không gian trưng bày lịch sử Quảng Ninh trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ được thiết kế như khoang máy bay để gợi nhớ những trận chiến bắn rơi máy bay Mỹ.
Ngày 17.4. 2024 các em học sinh khối 4, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong
tham quan học tập tại không gian trưng bày chuyên đề Yên tử - Nhà trần - Bảo tàng Quảng Ninh
 
Tầng 3: gồm ba không gian trưng bày chính tái hiện toàn bộ lịch sử ngành khai thác than: Lịch sử ngành than đến với không gian này khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thực tế khi bước đi trong hầm lò, thấy được sự tiến bộ trong áp dụng khoa học và công nghệ của các mỏ than hiện nay, mà còn cảm nhận được sự vất vả của những phu mỏ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị với hình thức khai thác thô sơ, thủ công, từ đó có sự so sánh giữa xưa và nay. Khu vực lịch sử ngành than có sa bàn khai trường khai thác than lộ thiên và mô hình phỏng dựng không gian khai thác than hầm lò; Không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, trong không gian văn hóa các dân tộc Quảng Ninh, bảo tàng chọn 6 trong tổng số 21 dân tộc của tỉnh để trưng bày với những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, đã tái hiện lại nghi lễ leo đao trong Lễ hội Đại phan của dân tộc Sán Dìu, Nghi lễ cấp sắc của người Dao….., Tiếp đến là không gian trưng bày chuyên đề Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Không gian trưng bày Bác Hồ với Quảng Ninh được thiết kế trang trọng, giúp cho người xem thấy được cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm sâu sắc của Bác dành cho nhân dân các dân tộc Quảng Ninh (trong lúc sinh thời đã 9 lần Người về thăm và làm việc tại Quảng Ninh)
 
Các em học sinh khối 4 - Trường tiểu học Lê Hồng Phong
tham quan học tập tại không gian tầng 3 - Bảo tàng Quảng Ninh
 
Trước sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi và thu hẹp không gian, môi trường sinh hoạt vui chơi của các em. Đến với bảo tàng các em có thể chia sẻ những hiểu biết, các em được “nghe, nhìn, tham gia” nhiều hoạt động bổ sung thêm kiến thức từ thực tế, sự hiểu biết hoặc cảm hứng mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống các em.
 
Bảo tàng Quảng Ninh với những tiềm năng sẵn có đã và đang làm tốt công tác giáo dục di sản qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan học tập của các em tại bảo tàng. Để chuyền tải đúng - đủ - hay các thông tin từ tư liệu hiện vật đang được trưng bày trong bảo tàng đến với các em học sinh đặc biệt là đối tượng học sinh tiểu học, hay nói cách khác là các em biết thêm được những gì sau khi rời khỏi bảo tàng? Trên cơ sở nội dung trưng bày, một khung nội dung thuyết minh đã được biên soạn lại để các thuyết minh viên dựa trên cơ sở này linh hoạt chuyển tải sao cho phù hợp với từng đối tượng thăm quan. Đối với đối tượng học sinh tiểu học bảo tàng Quảng Ninh định hướng cho các em theo chủ đề ví du như: Hoạt động trải nghiệm chủ đề: “Nghề truyền thống” các em sẽ được tìm hiểu các nghề truyền thống của Việt nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng theo hình thức hỏi - đáp, các em còn được trải nghiệm thực tế vẽ trên các ly, cốc sứ, qua đó các em hiểu biết thêm những kiến thức về làng nghề truyền thống. Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Nghề truyền thống” góp phần tạo nên một sân chơi thân thiện, bổ ích, để các em học sinh được trải nghiệm, được thử sức nhằm hình thành và phát triển về năng lực phẩm chất cũng như giáo dục các em kỹ năng sống, phát huy năng lực, sở trường trong học tập và tham gia các hoạt động tập thể; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tiểu học.
 
Một số hình ảnh các em học sinh khối 4 - Trường Tiểu học Lê Hồng Phong hào hứng tham gia trả lời câu hỏi về làng nghề truyền thống và trải nghiệm vẽ trên ly sứ
 
 
 
Các hoạt động trải nghiệm của Bảo tàng Quảng Ninh luôn được đổi mới, sáng tạo, đa dạng về nội dung, thu hút sự tham gia đông đảo, thường xuyên của công chúng, đặc biệt là các em học sinh. Có thể thấy, hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Quảng Ninh không còn là sự truyền đạt kiến thức một chiều từ thuyết minh viên sang các em học sinh mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Nhà trường không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho các em, mà quan trọng hơn “các em học sinh học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Ở đây, học sinh là người học chủ động, chứ không còn là người nghe thụ động, Bảo tàng là nơi giúp học sinh trải nghiệm, tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập và thể hiện sự sáng tạo của mình qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo hướng giáo dục tích cực.
Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng giúp cho học sinh tiếp cận với lịch sử, địa lý địa phương một cách trực quan sinh động, hoạt động này cũng làm tăng thêm sự gắn kết, gần gũi giữa nhà trường, các em học sinh và những người làm công tác bảo tàng. Qua đó, định hướng cho các em có những hành động thiết thực góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa địa phương, tích cực góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Giáo dục trải nghiệm di sản cũng là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách./.
 
Bài viết; sưu tầm ảnh: Vũ Thị Kim Dung
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Chương trình trải nghiệm

Chương trình trải nghiệm "TÌM HIỂU VỀ VĂN HOÁ, CON NGƯỜI QUẢNG NINH"

  • 09/11/2024 08:45 CH

Chương trình trải nghiệm "TÌM HIỂU VỀ VĂN HOÁ, CON NGƯỜI QUẢNG NINH" tại Bảo tàng Quảng Ninh.