Ngày 03/12/2023, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại di tích đình Xích Thổ.
Thực hiện Quyết định số 3452/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/11/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Khai quật khảo cổ di tích đình Xích Thổ, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại di tích cho thấy có dấu vết kiến trúc và hiện vật xuất lộ tại 5 hố khai quật có ký hiệu lần lượt là: H1; H2; H3; H4; H5.
Kết quả tại hố H1 và H2 có dấu vết nền đình: Mặt bằng khai quật tại H1 cho thấy nền đình được đắp cao hơn so với lớp đất tự nhiên. Kết cấu nền đình gồm 3 lớp: lớp đất đắp lên trên nền đất tự nhiên dày 44 -76cm là đất đồi màu nâu vàng, được đầm chặt, khá thuần nhất; lớp thứ hai có độ dày khác nhau từ 6-28cm là lớp đất được chọn lọc kỹ lưỡng, đất mịn, đầm chặt và lớp trên cùng là đất pha trộn cùng đá sạn nhỏ, đầm chặt tạo bề mặt của nền kiến trúc. Mặt cắt địa tầng tại H2 cho thấy, lớp đất đắp thứ nhất ở H1 có có nền cao hơn so với lớp đất nền ở H1, điều này cho thấy vị trí chênh cốt nền có thể là vị trí của bó nền kiến trúc, nó cho thấy khu vực có cốt nền cao hơn có thể là nền kiến trúc trong khi khu vực có cốt nền thấp hơn có thể là phần sân. Việc hiện vật xuất hiện trong các lớp đất có độ xốp cao hơn so với ở H1 là minh chứng cho giả thuyết này.
Mặt bằng khai quật hố 1
Mặt bằng khai quật hố 2
Hiện vật xuất lộ tại các hố khai quật theo nhiều chất liệu (trong đó có chất liệu đá: chân tảng kê cột, cầu đá… gốm, sành sứ và một số vật dụng sinh hoạt có niên đại khoảng thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX.
Theo nhận xét của TS. Nguyễn Văn Anh- Giảng viên bộ môn khảo cổ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: kết quả khai quật di tích đình Xích Thổ đã cung cấp những tư liệu quan trọng cho phép nhận diện vị trí, dự đoán được cấu trúc và quy mô của công trình: (1) Khu vực khai quật thuộc khuôn viên của đình làng Xích Thổ. Ban đầu, đình được dựng bằng tranh tre, mái lợp lá trên sườn đồi, sau được đựng lại kiên cố ở dưới chân đồi, tương đương với vị trí các hố khai quật H1, H2; (2) Dấu vết đắp nền tìm thấy ở H1 và H2 cho thấy, khu vực H1 và H2 là trung tâm của đình. Cấu trúc của một ngôi đình thường có một kiến trúc gọi là Đại Đình, sân và nghi môn. Đình Xích Thổ có Đại Đình và Sân đình, không có nghi môn. Kết quả khai quật kết hợp kết quả phỏng vấn cho phép suy đoán, Đại Đình của đình Xích Thổ nằm ở vị trí từ hố H1 về phía sau đồi và mở rộng về phía Đông Nam, bao phủ toàn bộ mặt bằng và đường bê tông ở khu vực này; (3) Các dấu vết đắp nền, hệ thống chân tảng kê cột bằng đá, cột, hoành, kết hợp với những ghi chép và tường thuật của những người cao tuổi trong làng đã từng trực tiếp chứng kiến ngồi đình trước khi nó bị phá huỷ có thể suy đoán, đình Xích Thổ có mặt bằng hình chữ Đinh (丁), Toà Tiền Tế kết cấu khung gỗ, cấu trúc 3 hoặc 5 gian, xung quanh có hiên. Chân tảng cột cái và cột quân là chân tảng đế vuông, u tròn nổi cao; chân tảng cột hiên là loại chân tảng hình vuông có lỗ mộng; toà Hậu Cung 01 gian; mái lợp ngói Tây. Các hoành gỗ còn lại cho thấy, bước gian lớn nhất rộng khoảng 2,65m. Cấu trúc của đình Xích Thổ gồm có toà Đại Đình, Sân đình, Ao và Sân đình. Đình Xích Thổ được xây dựng kiên cố vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Hiện vật phát lộ trong quá trình khai quật
Kết quả khai quật khảo cổ tại di tích đình Xích Thổ đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc khẳng định sự tồn tại, vị trí, quy mô, niên đại sơ bộ của đình Xích Thổ, bổ sung tư liệu và tăng cường hiểu biết về di tích Quốc giá quần thể di tích danh thắng núi Mằn, cung cấp cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Xích Thổ tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
(Bài, ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh)