Sáng ngày 03/12/2022, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam; Viện Khảo cổ học và Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại các điểm di tích: Đền An Sinh, Am Hoa và Trại Cấp.
Để tiếp tục củng cố tư liệu và làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến di tích Đền An Sinh, Am Hoa và Trại Cấp, phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là Di sản Văn hóa Thế giới. Thực hiện các Quyết định số: 1955/QĐ-BVHTTDL, ngày 19/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch V/v Khai quật khảo cổ di tích Am Hoa và di tích đền An Sinh thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số: 1957/QĐ-BVHTTDL, ngày 19/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch V/v Khai quật khảo cổ di tích Trại Cấp thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
1. Kết quả khai quật tại di tích đền An Sinh
Đền An Sinh là một di tích lớn, quan trọng trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Năm 2017, di tích đền An Sinh được khai quật lần đầu tiên.
Kết quả sơ bộ lần khai quật thứ hai này cho thấy: Khu vực Đền An Sinh phụ cận tại Đồng Sinh (diện tích hố khai quật 230m2) xuất lộ các dấu vết nền, bó nền, 02 sân gạch và 38 gia cố móng cột thuộc về nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau (trong đó có 04 đơn nguyên kết nối liên hoàn, các đơn nguyên này được ký hiệu là ĐS.KT01, ĐS.KT02, ĐS.KT03 và ĐS.KT04).
- Kiến trúc ĐS.KT01: Có mặt bằng lớn nhất, đã làm xuất lộ 21 gia cố móng cột. theo đó ĐS.KT01 có mặt bằng hình chữ nhật dài theo chiều Đông - Tây 23,7m; rộng Bắc - Nam 8,9m. Có kết cấu 7 gian, 8 hàng cột, mỗi hàng 4 cột. Gian giữa lớn nhất rộng 4,5m; các gian bằng nhau, rộng 3,2m. Khoảng cách hai cột cái trong một hàng là 4,5m và giữa cột cái với cột quân là 2,2m.
- Kiến trúc ĐS.KT02: Kết nối vuông góc với kiến trúc ĐS.KT01 tại các gian giữa. Hiện đã xuất lộ 10 gia cố móng cột và 1 tảng kê chân cột cùng dấu vết bó nền, cho phép xác định kiến trúc ĐS.KT02 có mặt bằng hình chữ nhật, dài theo chiều Bắc - Nam, kết nối vuông góc với kiến trúc ĐS.KT01 ở các gian giữa, cấu trúc 3 gian, 4 hàng cột, có kết nối với 2 cột quân của kiến trúc ĐS.KT01. Gian giữa lớn nhất rộng 4,5m; các gian còn lại rộng 3,2m; Khoảng cách hai cột cái trong một hàng là 4,5m và giữa cột cái với cột quân là 2,2m.
- Kiến trúc ĐS.KT03: Nằm phía Tây của kiến trúc ĐS.KT02, cách kiến trúc ĐS.KT02 một khoảng sân; kết nối vuông góc với kiến trúc ĐS.KT01 ở đầu hồi phía Tây. Dấu vết đã xuất lộ gồm 02 gia cố móng cột, dấu vết bó nền. Các dấu vết còn lại cho thấy, kiến trúc có các gian bằng nhau, rộng 3,2m; vì 2 cột có khoảng cách 4,5m.
- Kiến trúc ĐS.KT04 nằm phía Đông của kiến trúc ĐS.KT02, cách kiến trúc ĐS.KT02 một khoảng sân; kết nối vuông góc với kiến trúc ĐS.KT01 ở đầu hồi phía Đông. Dấu vết đã xuất lộ gồm 04 gia cố móng cột. Các dấu vết còn lại cho thấy, kiến trúc có các gian bằng nhau, rộng 3,2m; vì 2 cột, khoảng cách giữa hai cột là 4,5m.
Kiến trúc thời Trần phát lộ tại Hố khai quật trên cánh Đồng Sinh
|
|
Đại biểu nghe báo cáo tại hố khai quật
trên cánh Đồng Sinh
|
Sân lát gạch theo kỹ thuật nêm cối,
đồ án hoa chanh
|
2. Kết quả khai quật tại Di tích Am Hoa
Di tích Am Hoa thuộc thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều.
Kết quả sơ bộ tại 03 hố khai quật tổng diện tích 500m2 và điều tra tổng thể di tích đã phát hiện 07 vị trí nền móng công trình với 10 đơn nguyên kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau phân bố trên khu vực khoảng 250.000m2.
Khu vực nền thứ nhất có ký hiệu AH.Nn01, ở vị trí cao nhất, gồm 3 cấp kiến trúc: AH.KT01, AH.KT02 và AH.KT03 (Kiến trúc AH.KT01: Xuất lộ 23 chân tảng, kè xếp bao quanh nền có hệ thống cống thoát nước. Mặt bằng hình chữ nhật, (dài Đông - Tây 13,25m; rộng Bắc - Nam 5,3m). Kết cấu 5 gian 6 hàng cột, mỗi hàng 4 cột. Gian giữa lớn nhất, rộng 3,15m; các gian bên liền sát gian giữa rộng 2,75m, hai gian ngoài cùng rộng 2,3m; Kiến trúc AH.KT02: Xuất lộ 8 chân tảng, dấu vết bao nền. Mặt bằng hình chữ nhật (dài Bắc - Nam 5,8m, rộng Đông - Tây 5,2m). Kết nối vuông góc với kiến trúc AH.KT01 và Kiến trúc AH.KT03 ở gian giữa. Kết cấu 3 gian, kết cấu vì 4 cột, gian giữa rộng nhất 2,7m; khoảng cách giữa hai cột cái trong 1 vì là 3,15m; giữa cột cái với cột quân là 0,9m; Kiến trúc AH.KT03: Nằm song song và kết nối với Kiến trúc AH.KT01 qua Kiến trúc AH.KT02. Dấu vết còn lại gồm bó nền, chân tảng. Phần lớn mặt bằng của Kiến trúc AH.KT03 bị công trình hiện nay đè phủ lên. Các dấu vết còn lại cho phép xác định, Kiến trúc AH.KT03 có mặt bằng hình chữ nhật (dài Đông - Tây 9,5m; rộng Bắc - Nam 6,5m). Kết cấu 3 gian, 4 hàng cột, mỗi hàng 2 cột, gian giữa rộng nhất 3,15m; hai gian bên bằng nhau rộng 2,75m). Các đơn nguyên kết nối liên hoàn tạo thành tổng thể kiến trúc có mặt bằng hình chữ Công (工)
Các nền cấp còn lại ký hiệu AH.Nn02, AH.Nn03, AH.Nn04, AH.Nn05, AH.Nn06, AH.Nn07 được xây dựng nương tựa vào địa hình, do vậy, hướng công trình không đồng nhất. Có dấu vết kè xếp đá tạo đường dẫn lên. (Đáng chú ý, Nn06 có mặt bằng khá vuông, kích thước 7x8m. Cấu trúc mặt bằng vuông được xây dựng trên khu vực có đủ không gian để mở rộng thành mặt bằng hình chữ nhật, kiểu mặt bằng phổ biến của công trình cho thấy, sự khác biệt của công trình này).
|
|
Đại biểu nghe báo cáo tại Di tích Am Hoa |
Một góc cấp nền trúc AH.Nn01 |
3. Kết quả khai quật tại Trại Cấp:
Di tích chùa Trại Cấp được điều tra và phát hiện năm 2016, khai quật lần 1 năm 2021. Kết quả cho thấy đây là di tích chùa tháp, nằm trong hệ thống di tích chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử. Chùa được xây dựng từ thời Trần và được tu bổ tôn tạo dưới thời Lê Trung Hưng.
Kết quả sơ bộ trong lần khai quật thứ 2 này cho thấy: Tại 03 hố khai quật trên tổng diện tích 980m2 phát lộ dấu vết kiến trúc thời Trần nằm phía dưới kiến trúc thời Lê Trung Hưng, bao gồm: kiến trúc tường bao, cổng và một số di tích di vật.
- Dấu vết tường bao và Tam quan: Được phát hiện ở phía Nam của khu kiến trúc Trung tâm, nằm cùng trục chính tâm với kiến trúc trung tâm. Dấu vết móng tường còn lại rộng trung bình 1,3-1,6m. Các dấu vết còn lại cho phép xác định tường được xếp bằng cuội, giữa đầm đất theo kiểu trình tường, mái lợp ngói. Giữa hai đoạn tường có một khoảng trống, rộng 6,4m. Đây có thể là phần kiến trúc cổng.
- Dấu vết kiến trúc Trung tâm: Ngoài các dấu vết kiến trúc thời Trần được xuất lộ trong cuộc khai quật năm 2021, tại vị trí của TC.KT01 khi cắt qua lớp nền đã tìm thấy dấu vết bó nền của 1 công trình. Dấu vết còn lại cho phép xác định, công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài Đông - Tây 8,9m; rộng Bắc - Nam 6,4m.
Với việc phát hiện kiến trúc này cho thấy, dưới thời Trần, kiến trúc Trung tâm là một quần thể với nhiều công trình kết nối liên hoàn với 1 kiến trúc trung tâm nằm giữa, bao quanh có các lớp kiến trúc và hành lang.
Kết quả khai quật sơ bộ 3 điểm Di tích trên đã cung cấp thêm thông tin, làm cơ sở việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là Di sản Văn hóa Thế giới. Đồng thời giúp các nhà khoa học và địa phương đề xuất kiến nghị, đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trong thời gian tới.
(Bài, ảnh: Phòng NC-ST-TB - Bảo tàng Quảng Ninh)