134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2024). Nhớ về Người cha già của dân tộc - Danh nhân Văn hóa Thế giới, một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Người đã để lại cho muôn đời sau một tâm gương đạo đức mà mỗi khi ta soi vào đấy là thấy tâm hồn ta trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn và con người của ta như được nâng cao hơn. Bởi vì, tấm gương của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất đỗi bình dị, rất đỗi đời thường. Người sống rất gương mẫu, là tấm gương sáng về đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là mẫu mực về đời sống trong sáng, nếp sống giản dị, khiêm tốn, cả cuộc đời Người lo việc nước, việc dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến công nhân vùng Mỏ, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh. Bác đã nhiều lần về thăm Quảng Ninh. Người đã đặt tên cho tỉnh là “Quảng Ninh” với mong muốn nơi đây sẽ là vùng rộng lớn, yên vui. Di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh là rất lớn cả về vật thể và phi vật thể. Ngoài các di tích lưu niệm nơi Người đã thăm, nói chuyện với đồng bào, chiến sỹ, dừng chân tại nhiều địa phương trong tỉnh thì tại Bảo tàng Quảng Ninh đã dành riêng một không gian lưu giữ trưng bày rất nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu về Bác với Quảng Ninh. Không gian trưng bày nằm ở vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng Quảng Ninh (tầng 3). Trong rất nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu về Bác với Quảng Ninh được trưng bày tại không gian này, tôi rất ấn tượng với hiện vật là “ĐÔI DÉP CAO SU”.
Hình ảnh Đôi dép cao su (dép lốp) được trưng bày
tại Không gian Bác Hồ với Quảng Ninh - tầng 3 - Bảo tàng Quảng Ninh
Nhìn hình ảnh tư liệu những lần Người về thăm Quảng Ninh, đôi dép cao su luôn theo Người đi khắp muôn nơi: Hình ảnh Người thăm đảo Tuần Châu, ngày 05/10/1957; thăm mỏ Đèo Nai chiều ngày 30/3/1959, thăm đảo Hòn Rồng trên vịnh Hạ Long ngày 31/3/1959, thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh ngày 19/02/1960; thăm đảo Cô Tô ngày 09/5/1961… (nguồn tham khảo: những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh, Nxb: Thông tấn xã, 2019) Tất cả những hình ảnh này toát lên sự dung dị, gần gũi của Người. Đôi dép cao su của Bác ra đời vào năm 1947, đôi dép được làm từ vỏ lốp ô tô quân sự, chiến lợi phẩm do bộ đội ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc và gửi tặng Bác như một kỷ niệm chiến thắng. Đôi dép đã được Người sử dụng trong suốt hơn 20 năm cho đến lúc Người về cõi vĩnh hằng. Điều đáng ngạc nhiên là đôi dép cao su của Người đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều giới văn, nghệ sĩ cả trong và ngoài nước. Hình ảnh về đôi dép của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhà thơ Tạ Hữu Yên viết vào năm 1969 như sau: “Đôi dép đơn sơ; Đôi dép Bác Hồ; Bác đi từ ở chiến khu Bác về; Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê; Đều in dấu dép Bác về Bác ơi; Dép này Bác trải đường dài; Đã cùng Bác vượt chông gai; Xây non nước nhà; Đường đi chiến đấu gần xa; Dấu dép cha già dẫn lối con đi…” Đôi dép đã cùng Bác vào sinh ra tử, nó chất chứa bao kỉ niệm sâu sắc và cảm động không thể nào quên. Đôi dép cao su không chỉ bên cạnh Bác trong cuộc sống thường nhật mà còn cùng Bác đi khắp mọi miền của nửa Tổ quốc thân yêu và đến với bầu bạn xa gần trên thế giới. Trong cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, Bác đều dùng đôi dép cao su; riêng vào mùa đông, Bác thường đi thêm đôi tất vải để giữ ấm cho chân.
Khi tới thăm đồng bào, chiến sỹ, đặc biệt thăm hỏi động viên bà con nông dân, Bác đi dép cao su, mặc bộ quần áo nâu chàm (hoặc bộ kaki bạc màu), trông rất giản dị và gần gũi. Có khi Bác còn tháo dép xách tay, xắn quần đi trên đồng nước bùn lầy cùng với bà con. Đôi dép của Người lúc nào trông cũng sạch sẽ và đen bóng. Ở bất kỳ nơi đâu, nhân dân cũng nói về đôi dép của Bác như một báu vật mà họ muốn chiêm ngưỡng. Đặc biệt là các cháu thiếu nhi, khi Bác tới thăm, chúng đã tìm mọi cách để được sờ tận tay và được tận mắt ngắm nhìn đôi dép của Bác. Rồi đến những chiến sĩ ngoài đảo xa, có dịp Bác về thăm cũng tranh nhau được sửa sang lại chiếc dép cho Bác được chắc chắn hơn. Năm 1960, khi Bác đến thăm một đơn vị Hải quân Nhân dân Việt Nam, mọi người vây quanh đề nghị bác thay đổi đôi dép cũ, Bác nói: “Các cháu nói đúng nhưng chỉ đúng một nửa, dép của Bác cũ nhưng chỉ mới tụt quai, cháu đã chữa lại chắc chắn thì còn thọ lắm, mua một đôi khác chẳng đáng là bao nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải biết tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo” (Hồ Chí Minh).
Đôi dép cao su được xem như là một trong những biểu tượng về “cuộc đời cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sử dụng dép lốp đơn giản bởi sự tiết kiệm và tiện dụng của nó. Tuy nhiên, với cương vị là nguyên thủ Quốc gia, trang phục giản dị và tiết kiệm của Người, trong đó có đôi dép cao su (dép lốp) trở thành biểu tượng tuyên truyền hiệu quả, tạo ra sự khác biệt về hình ảnh Hồ Chí Minh gần gũi với dân chúng và thường được nêu để dân tộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức này. Có thể nói, đôi dép cao su có một chiều dài lịch sử - qua bao năm tháng - đã gắn bó cùng Bác từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cho tới lúc Người đi xa. Đôi dép cao su của Bác tưởng chừng như rất bình dị song nó lại là một kỷ vật vô giá Bác đã để lại - chỉ dân tộc Việt Nam ta mới có. Đôi dép cao su của Bác có ý nghĩa vô cùng lớn lao và nhắc nhở chúng ta phải luôn biết nâng niu, trân trọng những giá trị của cuộc sống. Hình ảnh Người bước đi ung dung, thư thái với đôi dép cao su giản dị mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm lạ thường, lúc nào cũng khiến chúng ta ngưỡng mộ. Đôi dép cao su không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Bác mà với cả dân tộc Việt Nam./.
Bài và ảnh: Vũ Thị Kim Dung