Image
Loading
13/11/2024 12:00 SA
Từ ngày 12/11, đến hết ngày 22/12, khi đến với Bảo tàng Quảng Ninh, người dân và du khách sẽ được tham quan triển lãm trưng bày chuyên đề đặc sắc lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Sắc màu Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa phi vật thể Việt Nam”.

Triển lãm là hoạt động phối hợp giữa Bảo tàng Quảng Ninh với Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Quảng Ninh, Triển lãm giới thiệu đến đại biểu, nhân dân và du khách hai phần chính gồm: Phần 1 - “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh; Phần 2 - “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Quảng Ninh”. 

Quảng Ninh có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như một vùng trầm tích đang ngày càng được đánh thức và khai thác giá trị. Quảng Ninh là vùng đất cổ, có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa rất riêng tiêu biểu tạo nên cho Quảng Ninh sự phong phú, đa dạng của một vùng văn hóa độc đáo. Tại địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 300 di sản văn hóa phi vật thể gồm 7 loại hình: lễ hội dân gian truyền thống, di sản nghề thủ công truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, di sản ngữ văn dân gian, di sản tập quán xã hội, di sản tiếng nói chữ viết, di sản tri thức dân gian. Đến nay, bên cạnh 2 di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và then Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh, tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Bạch Đằng; Nghi lễ Then của người Tày; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà; Lễ hội đình Vạn Ninh; Lễ hội Xuống đồng.

Đặc biệt, Quảng Ninh có những di sản văn hóa phi vật thể riêng có không hề lẫn với nơi khác như: Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình là một diễn xướng dân gian đặc sắc; Lễ hội Tiên Công là một trong những lễ hội độc đáo, là lễ hội rước người sống duy nhất ở Việt Nam; Lễ hội đình Trà Cổ là di sản văn hoá phi vật thể độc đáo với hội rước ông Voi, diễn ra ở nơi được coi là cột mốc văn hoá ở địa đầu Tổ quốc; Lễ hội Bạch Đằng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc ngay cả với những người bên kia chiến tuyến; Hay như nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ Quảng Ninh là tục hát gắn với phong tục đẹp Slạm nhịt hụi, nơi mà những cặp đôi không lấy được nhau có một ngày trong năm để gặp lại hát ca mà không bị cấm đoán.

Trong thời gian qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh được nghiên cứu phục dựng bảo tồn và phát huy giá trị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”. Một trong những việc làm thiết thực là tổ chức triển lãm của Bảo tàng Quảng Ninh. Thông qua 76 bức ảnh, phim tư liệu; 32 bản trích và 6 tổ hợp tượng trưng bày trích đoạn tái hiện các diễn xướng dân gian, triển lãm góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân và du khách về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú của Quảng Ninh. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Trong không gian trưng bày chuyên đề tại khối hội nghị của Bảo tàng Quảng Ninh, nội dung phần 1 “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh”. Ở đây, 15 loại hình di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu qua hệ thống bản trích (1 bản trích khái quát và 15 bản trích cụ thể từng loại hình), 40 hình ảnh các nghệ nhân thực hành di sản. Tất cả đem lại một cái nhìn bao quát, như vườn hoa đa sắc trong kho tàng văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam.

Nội dung phần 2 “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia tỉnh Quảng Ninh” được giới thiệu 12 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia của Quảng Ninh. Các bản trích dẫn được tóm lược một cách cô đọng nhất những nội dung đặc sắc của di sản, năm được công nhận. Đi kèm với đó là 36 hình ảnh các nghệ nhân dân gian Quảng Ninh thực hành di sản, biểu diễn trên sân khấu và truyền dạy cho thế hệ trẻ. 

Tại triển lãm trưng bày 06 cụm tượng và các màn hình trình chiếu các video clip về di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam được UNSECO ghi danh. Đáng chú ý có cụm tượng về diễn xướng dân gian hát ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca Quan Họ Bắc Ninh và đờn ca tài tử Nam bộ. Trong số đó, hát ca trù là diễn xướng tồn tại ở các vùng rộng lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, trong đó có cả các vùng ở đồng bằng Quảng Ninh, tập trung ở Quảng Yên, Đông Triều và Uông Bí. Khi di chuyển ra vùng đồng bằng ven biển phía Đông của Quảng Ninh ca trù đã biến thể thành hát nhà tơ, hát cửa đình đi kèm với múa và ca nương đứng hát. Đặc biệt hơn, trong số cụm tượng này có cụm tượng tái hiện thực hành nghi lễ Then của người Nùng ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Về cơ bản, thực hành nghi lễ Then của người Nùng Lạng Sơn chỉ khác đôi chút so với người Tày Quảng Ninh ở chỗ sắc độ đậm nhạt của trang phục và số lượng dây trên cây đàn tính. Tuy nhiên, không gian trưng bày này cũng đã đem lại cho người dân và du khách cái nhìn đối sánh để nhận ra nét đặc sắc sinh động và phong phú của nghi lễ Then người Tày Quảng Ninh trong bức tranh chung của thực hành Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Triển lãm, có nhiều nghệ nhân dân gian được mời về tham quan và biểu diễn đã bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào, vinh dự khi loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc mình được ghi danh, quảng bá như cách mà Bảo tàng Quảng Ninh đang làm. Triển lãm là cơ hội để giới thiệu những nét bản sắc văn hóa có giá trị đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đến với nhân dân trong và ngoài nước. Đây là một trong những tiền đề để tỉnh Quảng Ninh tiến tới thực hiện phát triển “Công nghiệp văn hóa”.

Một số hình ảnh Triển lãm:






Hồng Nguyên - BTQN

trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Công đoàn Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức hoạt động bảo trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Tiên Yên

Công đoàn Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức hoạt động bảo trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Tiên Yên

  • 09/11/2024 12:00 SA

Thực hiện Kế hoạch công tác của BCH Công đoàn Bảo tàng Quảng Ninh nhiệm kỳ (2023-2028). Ngày 07/11/2024, Công đoàn Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức chương trình bảo trợ cho 02 cháu được nhận đỡ đầu tại thôn Tềnh Pò, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng...