Image
Loading
12/11/2020 04:00 CH
Hiện nay, tại Việt Nam số lượng tháp thời Trần được biết đến không nhiều như: tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), Phổ Minh (Nam Định), Hắc Y (Yên Bái) hay Bảo tháp (Vân Đồn). So với các loại hình tháp thời Trần thì Bảo tháp tại Vân Đồn mang tính chất đặc biệt hơn các tháp còn lại bởi đây là công trình ở vùng biển đảo, phía đầu Đông Bắc của Tổ quốc nằm tromg hệ thống Thương cảng cổ một thời của nước Đại Việt.
 Nằm trên ngọn đồi nhỏ thuộc thôn 1, đảo Cống Tây, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, di tích Bảo Tháp thuộc hệ thống di tích bến Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi, được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2003); là một trong số các công trình tín ngưỡng trên đảo.
 
Bảo tháp hiện chỉ còn lại là phế tích, qua kết quả khai quật gồm 3 cấp nền: Sân, nền chân móng tháp và đế thân tháp, trong đó cấp nền chân móng tháp có mặt bằng hình vuông, nằm sát chân núi, mỗi cạnh rộng 8m, cao hơn mặt nền sân 0,95m; xung quanh được bó bằng đá vôi bị phong hoá tạo thành nhiều hình thù khác nhau, được xếp thoải dạng chân đê như những đợt sóng vỗ bạc đầu, rộng 0,4m. Chính giữa mặt trung tâm móng tháp có dấu vết bậc cấp lên xuống rộng 2m, tháp quay theo hướng Tây Bắc (lệch hướng Tây 160). Cấp nền đế tháp nằm chính giữa chân móng tháp, đế tháp được xếp bằng đá núi, vuông vức xếp trực tiếp trên mặt nền chân móng, qua mặt móng đá còn lại ở phía Đông Nam có thể xác định chiều dài của đế tháp là 4m, chính giữa mặt sau móng đá còn dấu tích gia cố những viên đá được ghè nhỏ có bề rộng 0,9m nằm giữa nền móng đá lớn vuông vức cửa tháp, đây được coi là dấu tích cửa ra vào của tháp và có thể tháp sẽ được bố trí 4 cửa ở 4 hướng xung quanh tháp (minh chứng sự tồn tại tầng khám của Bảo tháp). Hai bên hồi tháp đối diện phần tiếp giáp chân móng có dấu vết của bậc lên xuống cao 0,3m; rộng 0,5m; được kê bằng một viên đá núi có bề mặt phẳng.
 
Dấu tích nền móng của Bảo tháp còn xót lại
 
Tại cấp nền dưới chân bậc lên xuống này là hai nền móng nhỏ (thấp hơn và thu vào trong so với móng tháp) đối xứng hai bên tháp, nền có sự xuất hiện của những viên gạch quy vuông và các chân tảng nằm đối xứng hai bên, đây có thể là công trình phụ trợ có mái che cho khu vực trung tâm tháp. Toàn bộ cấp nền trung tâm của tháp được bó bằng những tảng đá núi vuông vức, bao bên ngoài là những phiến đá san hô có tính chất trang trí (đây là một trong những thất bảo của nhà Phật). Về phía hai bên của khu vực trung tâm tháp có sự xuất hiện của các công trình phụ trợ trên gò đất nhỏ đều có mái che được dựng bằng tre, gỗ (Vì tại khu vực này không thấy dấu hiệu của vật liệu xây dựng, đây là các công trình có thể được dựng vào giai đoạn sau thời gian xây dựng tháp). Khu vực trung tâm tháp nối ra công trình phụ trợ hai bên tháp bằng hệ thống hành lang kè đá. Đường đi lên xuống sân tháp ở trung tâm xác định được cho đến thời điểm xuất lộ trong quá trình khai quật khảo cổ là hệ thống cấp bậc kè đá với số lượng 35 bậc. Thông qua hiện vật thu thập được tại tháp cho thấy tháp được xây bằng gạch, các phần trang trí nội, ngoại thất của tháp được nung đánh số, vị trí, hướng ở từng điểm sau đó được lắp ráp lại. Để liên kết lắp ráp giữa các mảng trang trí được tạo rời này, người ta dùng phương pháp đổ chì nóng chảy vào các mộng hình đuôi cá ở các kết cấu hay dùng đinh sắt để liên kết. Nhờ đó tìm được số tầng của tháp ít nhất là 11 tầng (cao khoảng 16m - theo tính toán khoa học nghiên cứu chiều cao của tháp gấp 4 lần so với chiều ngang của tháp), nghệ thuật trang trí hoa văn cũng có sự độc đáo riêng, các mảng hoa văn với các đề tài: rồng, phượng, hoa chanh, sen, Kinnari, tượng hộ pháp, Apsara,… được làm rời sau đó mới được dán lên cốt chứ không khắc trực tiếp lên cấu kiện.
 
Ngoài các di vật bằng đất nung tại Bảo tháp còn có sự xuất hiện của loại hình gốm, sành có niên đại từ XIII-XVII. Trong số đó có di vật đáng chú ý tìm được tại đây là bệ sen tròn tiết diện nửa bán cầu bằng gốm men trắng có niên đại với tháp (đường kính mặt: 0,35m; đường kính đế: 0,8-0,85m; cao: 0,15m; đường kính lòng: 0,18m). Bệ sen được dùng để đặt tượng thờ Phật tại tháp, thông thường tháp thờ thường đặt xá lị bên trong và nằm trong khuôn viên của chùa (thờ các vị sư trụ trì chùa) nhưng ở đây tháp được xây dựng với ý nghĩa trong việc thờ Phật, được coi là một trong những công trình tiêu biểu tại vùng biển đảo Đông Bắc (trong đó loại hình tháp đất nung cao tầng và dùng để thờ Phật vào thời điểm lúc bấy giờ là rất ít).
Mô phỏng Bảo tháp trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
 
 
Như vậy, công trình Bảo tháp ở phía đầu đảo Cống Tây, nơi đầu sóng ngọn gió mang phong cách xây dựng độc đáo thể hiện qua vật liệu trang trí kiến trúc với các mô típ trang trí hoa văn phong phú mang phong cách gần với thời Lý cho thấy các công trình chùa, vụng cùng dấu tích của các nếp nhà cổ trên đảo khẳng định về sự hình thành một trung tâm văn hoá, hành chính của cư dân hải đảo mang đậm sắc thái tâm linh Phật giáo, gắn liền với sự phát triển của cả một vùng Thương cảng rộng lớn.
 
Quảng Ninh, được biết đến với hai trung tâm Phật giáo lớn thời Trần tại Quỳnh Lâm (Đông Triều) và Yên Tử (Uông Bí), nay tại bến thuyền cổ Cống Tây, nơi được coi là Trung tâm Thương cảng nước Đại Việt một thời, với sự xuất hiện của các di tích chùa tháp phân bố dày đặc trên đảo (gồm 5 chùa và 1 tháp), phải chăng vào thời Trần, một trung tâm Phật giáo khác tại vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh đã được xây dựng?
 
Nguyễn Trung Dũng, BTQN
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN