Chùa Mỹ Cụ tọa lạc trên núi Chè, thuộc khu Mỹ Cụ, phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, đã được xếp hạng là di tích Quốc gia tại Quyết định số 13/2000-QĐ-BVHTT, ngày 28/7/2000.
Tên gọi của chùa xuất phát từ tên gọi của làng. Chuyện xưa kể rằng, khi vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành, dân làm cỗ ngọn dâng vua nên mới có tên là Mỹ Cụ (Mỹ có nghĩa là hạt gạo, Cụ có nghĩa là đầy đủ). Tên chữ là “Sùng Khánh tự”; “Sùng” có nghĩa là đức tin tuyệt đối, tôn kính, đề cao Phật pháp vô biên, “Khánh” có nghĩa là tốt lành. “Sùng Khánh tự” có nghĩa một ngôi chùa luôn đem lại điều tốt lành cho mọi người.
Chùa Mỹ Cụ
Qua văn bia và truyền thuyết của nhân dân địa phương thì chùa Mỹ Cụ được xây dựng vào thời Trần, thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Đại Việt, trải qua thời gian dài nên chùa đã xuống cấp và được trùng tu nhiều lần vào các năm: Cảnh Hưng thứ 2 (1741), Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), Gia Long thứ 18 (1819), Tự Đức thứ 11 (1858), Thành Thái thứ 11 (1899). Ban đầu chùa được xây dựng với quy mô vừa phải, kiến trúc đơn giản theo kiểu chữ đinh (J), theo năm tháng thì chùa ngày càng được quan tâm tu sử khang trang, xây thêm các hạng mục khác gồm nhà tăng, nhà tổ, tam quan, nhà khách, nhà bếp… nhưng từ cuối thời Nguyễn đến nay chùa đã bị hủy hoại nhiều do tác động của thiên nhiên và chiến tranh…
Ban thờ Phật chùa Mỹ Cụ
Chùa quay hướng Đông - Nam, phía trước là cánh đồng lúa, xa hơn là dòng sông Quế uốn lượn. Có tổng diện tích khoảng hơn 600m2 gồm các công trình: Chùa chính, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà tăng, sân... Chùa chính kiến trúc chữ đinh (J), diện tích 168m2, có 7 gian bái đường và 3 gian hậu cung, tường xây gạch đỏ, móng bằng đá, nền chùa cao hơn sân chừng 1,1m, mái lợp ngói mũi hài thời Lê. Hai hồi nhà bít đốc, trên bờ nóc đắp nổi hình 2 con nghê chầu vào, chính giữa mái là bức đại tự đắp nổi chữ “Sùng Khánh tự” (chùa Sùng Khánh). Hậu cung tuy mới tu sửa lại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi chùa cổ. Toàn bộ hệ thống vì kèo, cột đều bằng gỗ lim. Vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường với 4 hàng chân cột. Cột cái có đường kính 30cm, cột quân 25cm kê trên các tảng đá xanh. Hiện vật còn lưu giữ được khá nhiều, thuộc các thời kỳ Lê, Tây Sơn, Nguyễn, gồm tượng Phật, tượng Mẫu, bia đá, tháp, chiêng đồng, chuông đồng, câu đối, đại tự… Đặc biệt chùa có một số pho tượng thời Nguyễn như tượng: A Di Đà, tượng Thích Ca Mầu Ni, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Ca Diếp, tượng Anan… trong đó đa phần đắp bằng đất sét, được tạo tác rất tỉ mỉ, khéo léo, có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc. Mỗi pho tượng một hình dáng trầm mặc, thể hiện các nét nội tâm khác nhau thông qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã mang đậm nét văn hóa dân gian thời bấy giờ.
Ban thờ Tổ chùa Mỹ Cụ
Cũng như bao ngôi chùa khác, vào các ngày rằm, lễ, tết, Phật Đản… Phật tử xa gần đều chuẩn bị mâm lễ chay gồm hương, hoa, đăng, quả, nếu không có điều kiện sắm sửa đầy đủ chỉ cần đến với Phật bằng lòng thành kính cũng đủ. Ngoài ra chùa Mỹ Cụ cũng có 1 kỳ lễ hội đầu xuân tổ chức trong 3 ngày (10-12/Giêng). Trong ngày hội, các cụ ông mặc áo dài, khăn xếp, các cụ bà mặc áo nâu, đeo tràng hạt tập trung tại chùa tụng kinh, niệm Phật. Mọi người đến nơi cửa Phật cầu mong cho gia đình một năm yên bình, no ấm.
Hiện nay chùa Mỹ Cụ không chỉ là địa chỉ tín tâm đối với nhân dân trong vùng mà ngày càng thu hút được đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái.
Phan Thị Thúy Vân