Chùa Bắc Mã có tên chữ là Phúc Chí Tự (chùa hướng tới cái phúc), thuộc thôn Bắc Mã, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đã được xếp hạng theo quyết định số 2379QĐ/BT ngày 05/9/1994 của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Chùa Bắc Mã tôn tạo xây dựng lại năm 2005
Chùa Bắc Mã xưa được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng hơn 1ha. Theo nội dung văn bia, chùa được xây dựng vào thời nhà Trần (khoảng cuối thế kỷ XIV) và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo vào thời Lê (năm 1608, 1739, 1768). Lần trùng tu vào thời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đã đúc quả chuông đồng, hiện nay còn lưu giữ tại chùa. Năm Bảo Đại nguyên niên (1925) chùa được xây lại quy mô to đẹp bề thế, kiến trúc chữ đinh (J), gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện.
Năm 1920, nhà sư Võ Giác Viên, trụ trì ở chùa này, một nhà sư yêu nước thương dân, từng đón tiếp nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, đàm đạo thế sự, sự nghiệp và con đường yêu nước. Những năm 1930, kế tục trụ trì là nhà sư Võ Giác Thuyên (sư Nguyệt), tính tình khí khái có tấm lòng yêu nước, thương dân. Năm 1942, chùa Bắc Mã lại được đón vị khách bí mật, nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt. Sau khi thoát khỏi nhà tù, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tuệ đã đến chùa với danh nghĩa nhà sư (thường gọi là sư Tuệ). Tại đây, sư Tuệ cùng sư Nguyệt tuyên truyền đường lối kháng Nhật, diệt phỉ, lập ra một tổ chức những người cứu đói từ thiện, vận động trai tráng vào đội tự vệ, tự trang bị vũ khí chống phỉ. Từ đây đã xây dựng nhiều cơ sở Việt Minh. Cuối tháng 4/1945, lực lượng vũ trang đầu tiên được thành lập ở Bắc Mã bao gồm du kích các làng Bác Mã, Hổ Lao, Đạm Thuỷ... nhanh chóng làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Sáng 8/6/1945, quân du kích đã chia làm nhiều ngả đồng loạt nổ súng cùng một lúc hạ 4 đồn Nhật ở Chí Linh, Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch. Ngày 9/8, tại sân chùa Bắc Mã, Uỷ ban lãnh đạo Chiến khu Trần Hưng Đạo (đệ tứ chiến khu) chính thức ra mắt. Như vậy, vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, chùa Bắc Mã từ một cơ sở liên lạc trở thành đầu não của Chiến khu cách mạng Đông Triều.
Năm 1947, thực dân Pháp quay lại Đông Triều, vì là nơi hình thành các căn cứ cách mạng trước đây nên chúng đã đốt phá, làm hư hỏng toàn bộ kiến trúc của chùa. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn lưu lại được một số hiện vật có giá trị như: một bia đá thời Lê, năm Hoàng Định thứ 7 (1606), một bia đá năm Long Đức thứ 2 (1733), một cột đá năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752), tám tảng đá kê chân cột, một bia đá năm Bảo Đại nguyên niên (1925), một con rồng đá xếp ở bậc lên xuống, hai tháp mộ sư, một chuông đồng đúc vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), một lư hương đồng. Các hiện vật này đang được bảo quản cẩn thận trong vườn chùa và trưng bày trong nhà lưu niệm.
Để ghi nhớ công lao của nhân dân Bắc Mã, năm 1967 Chính phủ đã tặng bằng “Có công với nước” và kỷ niệm chương “Đệ tứ Chiến khu”. Năm 1999, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cho xây dựng nhà bia trong khuôn viên chùa Bắc Mã. Năm 2010 phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã với nhiều hạng mục như: Tam quan, tam bảo, nhà tổ, gác chuông, nhà tăng. Năm 2016, điều chỉnh bổ sung các hạng mục như: đình Bắc Mã, nhà lưu niệm… với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 8/6 dương lịch hàng năm, tại chùa Bắc Mã, UBND thị xã Đông Triều đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến, ôn lại thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chùa Bắc Mã - Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nhân dân thị xã Đông Triều nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung và là điểm dừng chân cho khách du lịch đến với Quảng Ninh.
Một số hình ảnh liên quan đến Chiến khu Đông Triều hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
Phan Thị Thúy Vân