Image
Loading
12/11/2021 09:59 SA
Đúng ngày này của 85 năm về trước – ngày 12/11/1936, tại Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai thuộc phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra cuộc tổng bãi công của hơn 1 vạn thợ mỏ Cẩm Phả giành thắng lợi hoàn toàn, bắt chủ mỏ phải chấp thuận những yêu sách như tăng lương, giảm giờ làm, bảo hộ lao động... Cuộc bãi công sau đó đã lan ra khắp các nhà máy, hầm lò ở Cửa Ông, Mông Dương, Hòn Gai... tạo thành cuộc tổng bãi công lớn, thu hút hơn 3 vạn công nhân thuộc Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ tham gia.
Di tích Địa điểm lịch sử Ngã Tư đường lên mỏ Đèo Nai
 
Năm 1883, thực dân Pháp chiếm đóng khu mỏ Quảng Ninh. Năm 1888 Công ty Pháp, mỏ than Bắc Kỳ (SFCT) thành lập và tiến hành khai thác than. Quá trình khai thác than ở Quảng Ninh của bọn chủ mỏ thực dân Pháp gắn liền với qúa trình hình thành đội ngũ công nhân mỏ. Quảng Ninh là tiền thân cho khu mỏ trở thành một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
 
Ngay từ khi mới ra đời, công nhân mỏ đã bị bọn chủ mỏ áp bức bóc lột dã man. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp thực hiện khai thác thuộc địa với quy mô lớn hơn. Người công nhân mỏ ngày càng bị bóc lột thậm tệ, đời sống càng trở nên cùng cực… Vì vậy nhiều cuộc đấu tranh chống lại bọn chủ đã diễn ra nhưng hầu hết là tự phát, thắng lợi chỉ là tạm thời.
 
Đầu năm 1928, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) đã cử một số hội viên về vô sản hoá ở vùng mỏ, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong công nhân mỏ và phát động phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của bọn chủ mỏ thực dân Pháp.
 
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân mỏ Quảng Ninh đã cùng công nhân cả nước làm nên cơn bão táp cách mạng 1930-1931 và phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ rầm rộ trong thời kỳ 1936-1939.
 
Sự kiện nổi bật trong thời kỳ 1936-1939 ở Quảng Ninh là cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ diễn ra tháng 11 năm 1936.
 
Công nhân mỏ đấu tranh với tên Đại lý hành chính Vavatxơ, tháng 11/1936
(ảnh TL Bảo tàng Quảng Ninh)
 
Mở đầu cuộc bãi công ở vùng mỏ là cuộc đấu tranh quyết liệt của một vạn công nhân mỏ Cẩm Phả nổ ra sáng ngày 12/11/1936. Tất cả các cơ sở sản xuất tầng lò đều nhất loạt bãi công và đưa ra những yêu sách bắt chủ mỏ phải chấp thuận. Cuộc bãi công nổ ra ồ ạt, nhất loạt và bất ngờ khiến cho bọn thực dân Pháp hốt hoảng. Chúng dùng thủ đoạn vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa đàn áp, chúng điều về khu mỏ hàng trăm lính lê dương, lính khố xanh để uy hiếp, đàn áp cuộc bãi công. Nhiều tên thực dân đầu sỏ như Thanh tra chính trị Bắc Kỳ Đen Xan Lơ, Chánh mật thám Bắc Kỳ Ác Nu, Công sứ Quảng Yên Mát Xi Ni lần lượt kéo đến Cẩm Phả cùng bọn chủ mỏ, chính quyền thực dân và bù nhìn ở đây để bàn cách đối phó cuộc bãi công. Nhưng với sức mạnh đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật, cuộc bãi công đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
 
Công nhân mỏ đấu tranh với chủ mỏ và binh lính Pháp
trong cuộc tổng đình công tháng 11/1936 (ảnh TL Bảo tàng Quảng Ninh)
 
Sau 7 ngày đấu tranh quyết liệt kiên trì, đến 3 giờ chiều ngày 20/11/1936 bọn chủ mỏ phải tuyên bố chấp nhận những yêu sách của công nhân như: Trả lương công nhân 3 hào/người/ngày; Trả nửa tiền cuốc xẻng và chịu tiền dầu mỡ cho các xe goòng; Công nhân vắng mặt bất cứ lý do gì cũng không bị phạt.
 
Đây là cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần đoàn kết, bền bỉ, kiên quyết và có tổ chức kỷ luật chặt chẽ của công nhân mỏ.
 
Nhận định về cuộc bãi công này, Báo Le travail ra ngày 27/11/1936 đã viết “Đấu tranh trong bình tĩnh kỷ luật, đấu tranh với ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là đặc tính chủ yếu được toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục ở Cẩm Phả. Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã đạt được một thắng lợi rực rỡ, lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ mỏ”.
 
Cuộc bãi công thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân toàn khu mỏ. Chỉ sau 2 ngày, khắp công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã đồng loạt nổ ra các cuộc đấu tranh.
 
Sáng ngày 23/11/1936, có khoảng 1.500 công nhân cơ khí Hòn Gai nghỉ việc để đấu tranh đưa yêu sách. Cũng sáng hôm ấy, công nhân Nhà máy Than luyện, Nhà sàng và Cảng Hòn Gai, công nhân Nhà máy Điện Cột Năm, Hà Tu, Hà Lầm…cùng nhất loạt nghỉ việc hưởng ứng cuộc đấu tranh, làm toàn bộ hệ thống sản xuất than từ khai thác, chuyên chở đến chế biến, sàng lọc, bốc rót của khu vực Hòn Gai đều ngừng trệ, phố mỏ hừng hực khí thế đấu tranh của thợ mỏ.
 
Ngày 24/11/1936, phong trào bãi công của công nhân đã lan tới Cửa Ông, Mông Dương… tạo thành cuộc tổng bãi công, thu hút toàn bộ công nhân thuộc Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ gồm 3 vạn người tham gia.
 
Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ Quảng Ninh tháng 11/1936 là một trong ba cuộc tổng bãi công có tầm vóc lớn nhất trong phong trào công nhân Việt Nam và toàn Đông Dương những năm 1936-1939. Cuộc tổng bãi công chỉ có khẩu hiệu đấu tranh kinh tế nhưng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, chính quyền thực dân và bọn chủ mỏ phải chấp nhận thất bại, buộc phải nhượng bộ, giải quyết toàn bộ yêu sách của thợ mỏ. Với thắng lợi vang dội của cuộc Tổng bãi công, thợ mỏ càng vững tin vào lực lượng của mình, vào ý thức tổ chức kỷ luật của mình.
 
Thắng lợi của cuộc tổng bãi công mãi mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ công nhân khu mỏ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
 
Sau khi vùng mỏ được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và cán bộ, công nhân ngành Than đã lấy ngày 12/11 hằng năm làm ngày truyền thống công nhân mỏ Quảng Ninh.
 
Không gian trưng bày về phong trào vô sản hóa ở khu mỏ và cuộc tổng bãi công
tháng 11/1936 tại Bảo tàng Quảng Ninh
 
Năm 1996, nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống công nhân mỏ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã cho xây dựng đài kỷ niệm 12/11/1936 tại ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ, để ghi dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử vùng mỏ. Ngày 05/11/1997, địa điểm này đã được Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia (Quyết định số 3457/VH-QĐ)./.
 
Phan Thị Thuý Vân
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN