Image
Loading
11/04/2021 02:42 CH
Nghè Trần Khánh Dư nằm trong Cụm Di tích Lịch sử, Kiến trúc - Nghệ thuật đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn, thuộc thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn đã được xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 575 - QĐ, ngày 17/4/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du Lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch).
Nghè thờ Trần Khánh Dư, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn
 
Nghè thờ Trần Khánh Dư nên nhân dân gọi nghè Trần Khánh Dư. Nghè được xây dựng từ thời Hậu Lê ở bến Cái Làng, cùng thời với đình Quan Lạn. Thời Nguyễn, dân làng chuyển về đất Quan Lạn nên đình, nghè, miếu, chùa cũng được chuyển theo. Trải qua thời gian, nghè cũ bị hỏng, năm 2011 xây dựng lại với quy mô lớn như hiện nay với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương khoảng 12 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hoá hợp pháp. Các công trình xây dựng gồm nghè chính, nhà tả vu, hữu vu, miếu Tứ vị Thánh Nương, nghi môn trụ biểu, hồ bán nguyệt, cuốn thư, am hoá vàng, nhà bếp, sân, vườn, tường bao... Nghè kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường có ba gian, hai chái, bốn mái, lợp ngói mũi hài, các đầu đao góc mái uốn cong đầu rồng, đầu kìm đắp nổi đầu rồng ngậm bờ nóc, bờ dải đắp hình nghê chầu. Hậu cung có ba gian, hai chái, ngăn cách giữa hậu cung với bái đường bằng bức tường cửa gỗ. Toàn bộ hệ thống cửa ra vào và cấu kiện kiến trúc bên trong được làm bằng gỗ lim, chạm khắc công phu, tỷ mỷ, mô phỏng theo phong cách thời Trần. Tuy mới được trùng tu tôn tạo, nhưng mang dáng dấp cổ kính trang nghiêm, vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ giá trị, có niên đại từ thời Hậu Lê, thời Nguyễn.
 
Nghè có mối liên quan với đình Quan Lạn, Nghè là nơi thờ chính Thành hoàng Trần Khánh Dư, Đình là nơi thờ vọng. Hàng năm đến ngày lễ hội (16-20/6 âm lịch) dân làng đến Nghè rước Thành hoàng về Đình dự hội, tổ chức các nghi lễ cúng tế trang nghiêm, đặc biệt là hội đua thuyền chải trên biển của hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ rất sôi động, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự. Kết thúc lễ hội, dân làng Quan Lạn lại rước Thành hoàng trở về Nghè an vị.
 
Trần Khánh Dư là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vì là dòng tôn thất nên ông được phong tước Nhân Huệ Vương. Sinh thời, Trần Khánh Dư là một vị tướng tài, có nhiều đóng góp xuất sắc trong cả ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân dân ta thế kỷ XIII. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, tên tuổi của Trần Khánh Dư được nổi bật với chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục.
 
Năm 1287, quân Nguyên tiến vào nước ta bằng đường bộ và đường thủy. Đường Thuỷ do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy, đi sau là đoàn thuyền chở lương thực của giặc do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Kế hoạch đập tan đạo thủy binh của Ô Mã Nhi được triều đình tin cậy trao cho Trần Khánh Dư thực hiện “Bấy giờ, quân Nguyên đánh vào Vân Đồn. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng đang đóng ở Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư bị bất lợi. Thượng Hoàng Thánh Tông hay tin, liền sai Trung sứ ra để xiềng Khánh Dư giải về kinh đô. Khánh Dư nói với Trung sứ rằng: Nay nếu lấy quân pháp mà xử, tôi xin cam chịu tội. Nhưng, tôi xin được khất vài ba ngày để mưu lập công rồi về chịu trận búa rìu cũng chưa vội gì. Viên Trung sứ cũng nghe theo lời xin đó. Khánh Dư đoán rằng, binh thuyền của giặc đã qua thì ắt đoàn thuyền tải lương phải theo sau, bèn thu tập tàn binh để đợi chúng. Chẳng bao lâu sau đó, đoàn thuyền tải lương của giặc quả nhiên xuất hiện. Trần Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương và khí giới của giặc nhiều không kể xiết. Tù binh cũng rất đông. Ông lập tức sai người chạy ngựa đem tin thắng lợi tấu trình. Thượng Hoàng liền tha tội cho, không hỏi đến nữa”. - Đại Việt sử ký toàn thư.
 
Thắng lợi của Trần Khánh Dư trong trận Vân Đồn - Cửa Lục có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần làm nên đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Để tưởng nhớ công lao của Ông ở vùng đất Vân Đồn, sau này nhân dân xã Quan Lạn cũng như một số xã ở khu vực luồng sông Mang như xã Minh Châu và Bản Sen đã tôn Ông làm Thành hoàng làng cùng với một số vị Thành hoàng khác, thờ ở đình và có miếu, nghè thờ riêng. Hàng năm vào dịp tháng 6 âm lịch, nhân dân các xã mở hội rước tế rất linh đình, cầu đảo rất linh ứng.
Kiến trúc vì kèo bái đường, nghè Trần Khánh Dư
 
Hiện nay tại đình Quan Lạn vẫn còn lưu giữ được sắc phong của vua Thành Thái năm thứ nhất, ngày 18 tháng 11 năm 1889 phong cho Thành hoàng Trần Khánh Dư với nội dung: Xã Quan Lạn, huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên thờ thần Đông Đạo Tiết Chế Thành Quốc Công Cảm Ứng giúp nước, giúp dân rất linh ứng nhưng từ trước đến nay chưa được dự phong, nay vâng mệnh trời phong là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng chi thần, cho phép thờ thần như trước, thần hãy phù hộ cho dân ta.
 
Hậu cung thờ Trần Khánh Dư
 
Những gì mà hậu thế đã làm hôm nay trên đất Quan Lạn thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với Trần Khánh Dư, vị tướng tài của dân tộc. Là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những giá trị đó, ngày 14/7/1990 Nghè Trần Khánh Dư được xếp hạng Di tích Quốc gia trong Cụm Di tích Lịch sử, Kiến trúc - Nghệ thuật đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn theo Quyết định số 575 - QĐ, ngày 17/4/1990 của Bộ Văn hóa -Thông tin, Thể thao và Du Lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch).
 
Phan Thị Thuý Vân
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN