Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn (Niên đại Thế kỷ III - II trước Công nguyên) hiện đang được lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị tại Bảo tàng Quảng Ninh là một trong số 23 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2021 (đợt 10, năm 2021).
Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ III - II TCN
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn có chiều cao 52,4 cm; đường kính miệng 39,5 cm, đường kính đáy 38,5cm; thân cao 45,4cm, nắp đậy cao 7cm; trọng lượng 14,5 kg được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp nóng chảy. Đây là thạp đồng Đông Sơn đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này cho thấy kỹ thuật đúc đồng bằng phương pháp này.
Thạp có hình trụ tròn, miệng hơi thu lại, thân phình rộng hơn miệng, đáy thót nhỏ hơn miệng, là loại thạp có nắp, nắp thạp hình nón, chính giữa là hình sao với 12 cánh nhọn, đúc nổi nhẹ. Trên vành nắp thạp có 4 khối tượng khỉ quay về bốn phía. Toàn thân thạp được phủ một lớp patina đồng màu xanh thẫm. Thạp được gắn quai ở cả nắp và thân, trên nắp có gắn 2 đôi quai kép hình vành khuyên đối xứng nhau. Thạp được trang trí bằng rất nhiều hoa văn, ngoài hoa văn trên nắp thạp còn có hoa văn hình người, thuyền nằm ở băng thứ 11 trên thân thạp. Đây là băng hoa văn chính của thạp đồng, được tả rất thực, sinh động và đẹp mắt. Có tất cả 04 thuyền, hướng từ trái sang phải. Thuyền có phần mui thuyền, đuôi thuyền cong vút lên. Đuôi thuyền vuông, có cắm 02 cột thẳng đứng, trên đầu cột có gắn một vật hình tam giác trông giống như một lá cờ cách điệu, mũi thuyền cong, chia nhánh, trên mũi thuyền có hình chim đậu. Mạn thuyền có trang trí hoa văn, là đường tròn tâm nổi tiếp tuyến, giữa thuyền đặc tả khoang thuyền với hình những trống đồng xếp trong khoang. Người trên thuyền đội mũ cài lông chim, tất cả ở tư thế chân hơi khuỵu xuống lấy đà. Số lượng người và các tiểu tiết trên mỗi thuyền tương đối khác nhau. Về trang phục có thể thấy mỗi thuyền có người chỉ huy và người đánh trống mặc váy xòe, những người còn lại đóng khố. Nhìn tổng thể thì đây là con thuyền chở chiến binh vì người trên thuyền đều cầm trong tay các loại vũ khí như cung, tên, giáo, rìu chiến.
Hình tượng khỉ và các hoa văn trên nắp thạp
Hoa văn và trang trí đề tài động vật: Các khối tượng khỉ trên nắp thạp là một trong những nét đặc sắc ở thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Quảng Ninh. Là thạp đồng Đông Sơn duy nhất có hình tượng này. Hình chim thú cũng được thể hiện sinh động trên băng hoa văn thứ 11 trên thân thạp cùng với hình thuyền - người. Xen kẽ giữa các thuyền, các hình chim được khắc họa trong các tư thế bay ngang, bay lên, 2 con chim có mào ở tư thế đứng, cụp cánh, 2 con chuồn chuồn đang ở tư thế đậu, dưới thuyền có hình cá đang bơi, rùa, sam biển, tất cả được khắc họa ở trong tư thế đang hoạt động, có những con cá được vẽ đang cong mình như đang nhảy lên khỏi mặt nước. Những hình ảnh trên làm thành một bức tranh vô cùng sinh động, cùng với bố cục liên hoàn theo băng chạy quanh vòng tròn của thân thạp tạo nên ấn tượng đang chuyển động cho người xem.
Hoa văn hình người, thuyền trên thân thạp
Hoa văn hình học: Các hoa văn này giữ vai trò là các họa tiết đệm phụ trợ cho hoa văn chính và tạo ra tính ngắt quãng hợp lý: hoa văn hình răng cưa được tạo bởi các hình tam giác; hoa văn chấm nổi, hoa văn các đường gấp khúc tạo hình thoi, hoa văn hình chữ S cách điệu liên tiếp nhau, tạo ra tính cân đối, hài hòa cho tổng thể.
Hoa văn hình học trên thân thạp
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn còn tương đối nguyên vẹn, trên nắp và thân có một số chỗ vỡ nhỏ, một số vị trí đã được phục chế. Nhưng trên tổng thể, những vết vỡ đó không ảnh hưởng đến hình dáng, hoa văn của thạp.
Thạp đồng Đông Sơn được Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh sưu tầm tháng 12 năm 2015, trong Dự án Sưu tầm bổ sung hiện vật phục vụ trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là hiện vật gốc, độc bản, thể hiện bản sắc của văn hóa Đông Sơn. Dù mang những đặc trưng chung của thạp đồng văn hóa Đông Sơn, nhưng thạp đồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh có những nét riêng, độc đáo như sau:
Thứ nhất, là: toàn bộ thân và nắp thạp được đúc bằng kỹ thuật dùng khuôn sáp nóng chảy; dấu vết đậu rót còn ở trên đáy thạp và trong lòng nắp, không có dấu vết ráp khuôn.
Thứ hai, là: 04 khối tượng khỉ được thể hiện trên nắp thạp, quay mặt về 04 hướng khác nhau, đây là thạp đầu tiên có hình tượng này.
Thứ ba, là: hoa văn tả thực hình người, chim, thú, … Đặc biệt là hình các loại: cá biển, sam biển, rùa biển … rất thực và sinh động. Hình người được mô tả trong tư thế khuỵu chân lấy đà, chim được mô tả trong tư thế đang bay, cá đang bơi, nhảy trên mặt nước... Hình tượng các động vật vùng biển đã chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn. Trước đây, những yếu tố này chưa được thể hiện rõ, nhưng những phát hiện gần đây cho thấy yếu tố biển là một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa Đông Sơn, thể hiện qua những họa tiết sinh vật biển ở trống đồng Kính Hoa và chiếc thạp Đông Sơn này.
Có thể nói, thạp đồng văn hóa Đông Sơn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh đã góp thêm những bằng chứng mới, xác thực và sinh động chứng minh sự phát triển rực rỡ và đa dạng về văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, xứng đáng là một trong số các Bảo vật Quốc gia được công nhận./.
Đặng Hoa