Bình gốm Đầu Rằm tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Bình gốm Đầu Rằm
Bình gốm Đầu Rằm tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 7, năm 2018).
Bình gốm được đặt theo địa danh - nơi phát hiện hiện vật tại núi Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Căn cứ vào phong cách chế tác và nghệ thuật trang trí, các nhà nghiên cứu khảo cổ học nhận định bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) thuộc giai đoạn Phùng Nguyên muộn, niên đại 3400-3000 năm cách ngày nay.
Bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) được làm bằng đất nung, thuộc loại gốm tương đối cứng, hay còn gọi là gốm chắc; thường được nung ở nhiệt độ khoảng 700 - 800°C. Xương gốm màu xám đen và được làm từ đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm, làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Xương gốm màu xám đen, được làm bằng cách dùng đất sét mịn, nhào kỹ, trộn với vụn vỏ nhuyễn thể. Do đất được nhào kỹ, vỏ nhuyễn thể được nghiền nhỏ, trộn đều với tỷ lệ vụn vỏ nhuyễn thể với đất sét phù hợp, nên thân bình gốm gần như không có các biến dạng như nứt, rạn, vênh méo, xương gốm chắc, bề mặt bình ít nốt rỗ do sự phân hủy của vụn vỏ nhuyễn thể.
Bình gốm được tạo dáng bằng kỹ thuật bàn xoay kết hợp với bằng tay. Bàn xoay giúp cho bình gốm có hình dáng cố định. Người thợ gốm còn nặn bằng tay để tạo dáng cho bình gốm có hình gần vuông. Việc sử dụng các dụng cụ bàn đập, hòn kê đã giúp người thợ làm cho thành bình gốm được chắc hơn. Kỹ thuật tạo xương gốm và áo gốm của cư dân Đầu Rằm, Hoàng Tân tương tự như kỹ thuật chế tác xương gốm và áo gốm của cư dân văn hóa Hạ Long, tiêu biểu là gốm trong di tích Ba Vũng, di tích hang Bái Tử Long, di tích hang Đông Trong…
Bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) được nung ngoài trời, không có lò cố định. Người thợ thủ công xếp phôi gốm xem lẫn nguyên liệu và đốt. Nhiên liệu thường là những cành củi gỗ nhỏ, khi cháy cho nhiệt độ cao nhưng nhanh tàn. Nhiệt độ nung bình gốm khoảng 700 - 8000C. Vì không có buồng lò nên nhiệt độ nung không đều, tạo ra những mảng màu khác nhau trên bình gốm. Đây là kiểu nung gốm phổ biến trong thời tiền sơ sử. Hiện nay người Chăm ở Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận vẫn nung gốm theo kiểu tương tự.
Bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) có chiều cao tổng thể 25,3cm; đường kính vai 14cm. Thân bình được chia thành ba phần: miệng có đường kính 6,5cm và vai bình cao 2,3cm; thân bình cao 16,2cm; chân đế bình có hình vuông với kích thước mỗi cạnh 6,8cm. Thân bình ở vị trí gần vai có một lỗ nhỏ gần tròn với đường kính 3cm, có thể đây là lỗ của vòi bình đã bị vỡ. Xương gốm dày trung bình 0,5 - 0,7cm. Trọng lượng: 1.000 gram.
Bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) có hình dáng như một chiếc gùi tre, gồm ba phần, phần miệng và vai bình hình chóp nón cụt, thân bình hình chóp cụt, bên trên lớn hơn bên dưới, chân bình hình thang có đáy là một hình vuông. Cả ba phần trên được gắn chắp với nhau một cách hài hòa, có hình dáng giống như một chiếc gùi tre. Gần miệng bình có một vòi nhỏ đã mất, để lại một lỗ gần tròn có đường kính khoảng 3cm. Toàn bộ thân bình có màu đỏ sẫm, 2/5 thân bình có màu trắng xám, do bị vôi hóa bởi nước trong hang đá vôi khi lộ ra ngoài mặt đất (trong hang đá). Xương gốm có màu xám đen. Miệng, vai và thân bình được tạo dáng bằng phương pháp dải cuộn kết hợp với sử dụng phương pháp chải, phương pháp bàn xoay. Chân đế được tạo dáng bằng phương pháp bàn đập để tạo chân hình vuông. Sau khi chế tác, ba phần miệng và vai, thân bình và chân đế được gắn chắp với nhau rất hài hòa, uyển chuyển.
Các hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh): Hoa văn đường chỉ chìm, hoa văn đường chấm dải, hoa văn hình chiếc lá/ elip, hoa văn hình chữ S, hoa văn khắc vạch song song, hoa văn khắc vạch chéo hình ô trám, hoa văn chải.
Căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí và kích thước, các nhà nghiên cứu đoán định bình gốm Đầu Rằm (Quảng Ninh) là một vật dụng có tính chất cao quý, một vật dụng được sử dụng trong các nghi lễ như bát bồng và thố của người Phùng Nguyên vùng Đất Tổ, của cư dân trong thời đại kim khí ở Đầu Rằm, Hoàng Tân.