Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là hiện vật gốc độc bản, hiện đang được lưu giữ, bảo quản và bài trí trong tháp Huệ Quang (thường gọi là tháp Tổ), chùa Hoa Yên, thuộc khu di tích và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí. Đây là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỉ XVII
Tượng được tạc bằng đá xanh, một trong hai loại đá sử dụng xây xếp tháp Huệ Quang hiện nay và cũng là loại đá xây dựng tháp Huệ Quang thời Trần. Tượng gồm hai phần: Bệ và thân tượng, cao tổng thể 83,8cm, đầu rộng 13,5cm (đo tại vị trí hai bên thái dương); đế rộng 59cm. Kích thước các phần cụ thể như sau:
- Phần thân: Thân cao 59cm, rộng đầu 13,5cm x 16cm (đo tại vị trí hai bên thái dương và trán chỏm đầu), đùi xếp bằng rộng 48,3cm.
- Phần bệ: Gồm 2 phần, kích thước tổng thể của bệ, rộng 59cm x 48,5cm; cao tổng thể 24,8cm (góc bệ phía trước bên phải (theo hướng của người nhìn) thấp hơn so với góc bên trái khoảng hơn 1cm); trong đó phần mặt vuông phía trên cao 8cm, rộng 51,8cm x 40,7cm; phần chân quỳ và đế cao 16,8cm rộng 59 x 48,5cm.
Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên. Thân thẳng vuông góc với bệ, đầu thẳng, mắt nhìn thẳng; mũi to; eo thon, ngực đầy nhưng không nổi khối. Bàn tay phải đặt trên đầu bàn chân trái, đầu ngón tay giữa và ngón cái chạm vào nhau, ngón trỏ đè lên trên; hai đốt trên của ngón út và ngón áp út gập lại. Thế tay này không có trong các thế thủ ấn của Phật giáo. Tay trái đặt trên chân trái, các ngón tay duỗi thẳng, không bắt ấn. Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn thân hình thanh thoát mà dáng vẻ uy nghiêm; Các nếp áo, quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển; họa tiết hoa văn trên vạt áo, gấu quần chi tiết và sắc nét.
Bệ sập được tạo thành hình dạ cá, hai mặt trước sau có thêm chân ở giữa. Các chân ở giữa được tạo theo kiểu chân quỳ biến tấu thành khối mây hình khánh, đặt lên trên một bệ hình vuông. Mặt trước bệ sập và mặt trước của các chân trước được trang trí hết sức cầu kỳ với nhiều đồ án hoa văn khác nhau.
Tượng Phật hoàng tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên là pho tượng cổ nhất hiện còn thể hiện hình tướng của vị vua xuất gia tu hành thành Phật – Điều ngự Giác hoàng, tức vị vua Giác Ngộ. Các mô tả của sử cũ và kết quả nghiên cứu gần đây đều thống nhất cho rằng hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lỵ đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lị của Đức Phật Thích-Ca-mâu-ni. Có lẽ đây là nguyên nhân tại sao tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang được thể hiện mặc vận pháp phục tam y, trong đó cả y hạ, y trung và y thượng đều là loại y theo hình mẫu tam y của Phật giáo nguyên thủy, không phải loại y phổ biến của Phật giáo Bắc Tông. Trong khi, hai pho tượng Phật hoàng cùng thời ở Vĩnh Nghiêm và Hồ Thiên đều mặc vận tam y trong đó y thượng đã được cải biến giống như áo hậu trong hệ thống pháp phục của sư tăng Phật giáo Bắc truyền Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII. Điều này cũng logic với việc tại sao pho tượng Phật hoàng nhập niết bàn tại Phổ Minh cũng được khoác tam y với y trung là loại y vai trái, pháp phục của Phật giáo nguyên thủy.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc tiêu biểu như trên, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 9, năm 2020).