Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).
Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).
Thống đồng thời Trần được đúc bằng kim loại đồng (trên 75%) và có pha một số kim loại khác là chì và silic. Nhờ hợp kim đồng, chì và silic mà Thống đồng mới bền chắc và còn tồn tại nguyên vẹn với đường nét hoa văn hoàn mỹ và chất lượng bảo quản tốt như hiện nay. Căn cứ theo dấu tích còn để lại trên thống, có thể nhận thấy Thống đồng được đúc bởi khuôn nhiều mang. Có khuôn trong và khuôn ngoài. Khuôn trong gồm một khuôn, khuôn ngoài gồm hai khuôn chia nửa thống theo chiều dọc. Dấu vết ghép khuôn để lại trên thống là một đường ba via dọc chia đều hai đôi quai thống. Dấu ghép khuôn này thể hiện rất rõ ràng cả trong và ngoài thống. Đặc biệt sự lệch nhau đáng kể ở các đường chỉ nổi trên vai thống cho thấy rõ dấu tích ghép khuôn này. Hơn nữa, do ghép khuôn theo chiều dọc mà miệng thống dường như hơi lệch đôi chút, tạo thành hình hơi bầu dục, một cạnh có đường kính 42,5cm và một cạnh có đường 43,5cm (ở vị trí ghép hai khuôn dọc).
Thống đồng thời Trần có chiều cao tổng thể: 37cm; đường kính miệng: 42,5-43,5cm; đường kính thân: 45cm; đường kính đáy: 37,5cm. Khoảng cách từ gờ miệng đến quai: 11,6cm; khoảng cách giữa hai quai (đôi quai thứ nhất: 13,2cm; đôi quai thứ hai: 12,4 cm). Trọng lượng 15.000 gram.
Thống có dáng hình trụ, thành cong, gờ miệng phẳng, loe ngang; thân phình tang trống, đáy bằng. Thân đúc hai đôi quai nổi đối xứng qua thân, quai thống nằm giữa hai đường gờ nổi. Bám vào chân quai là bông hoa mai đúc nổi nhiều cánh, vừa có tác dụng gia cố, vừa mang tính chất trang trí. Đây là hình dáng quen thuộc thường thấy trên các loại hình thống và thạp gốm thời Lý-Trần đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam. Sự tương đồng này của các loại hình di vật khác nhau về chất liệu đã chứng minh tính thời đại của chiếc thống ở Bảo tàng Quảng Ninh. Chỉ đặc biệt ở chỗ, thống và thạp gốm thì nhiều, nhưng bằng đồng thì rất hiếm gặp. Hiện nay trong cả nước, mới chỉ có thống đồng trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh, còn thạp đồng thì chưa từng có thông báo phát hiện và trưng bày.
Hoa văn trên thân thống khắc chìm bốn băng hoa văn, từ trên xuống dưới: băng 1 là hoa văn hình rồng; băng 2 là hoa văn hoa chanh; băng 3 được trang trí với các chủ đề: vinh quy bái tổ, cảnh đấu vật, đấu kiếm, lễ hội; băng 4 là hoa văn cánh sen ở viền chân đế. Thống đồng thời Trần có sự đa dạng, phong phú và mang dấu ấn thời đại của các đề tài hoa văn trang trí trên thân thống. Các hoa văn này được người thợ khắc lên thống sau khi đã đúc rũa hoàn chỉnh về hình dáng và được đưa vào sử dụng một thời gian. Nét khắc chìm thể hiện hai dạng khác nhau, các băng 1, 2 và 4 đậm hơn, băng 3 nhạt hơn.
Bản thân kiểu dáng và kích thước, đặc biệt là chất liệu đồng của chiếc thống đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nó có nhiều yếu tố phục hưng văn hóa Đông Sơn, nhưng cũng thể hiện các giá trị nghệ thuật đặc trưng thời Trần như các loại hình thạp, thống, chậu gốm hoa nâu. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng kim loại đồng còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống cung đình và tín ngưỡng tôn giáo dân gian.