Image
Loading
20/10/2023 12:00 SA
Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 10, năm 2021).
 
 
 
      Thạp gốm hoa nâu thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh có chất lượng tốt, ngoài việc sử dụng nguyên liệu đất sét trắng, nung ở nhiệt độ cao, kỹ thuật sản xuất góp phần quan trọng tạo nên giá trị của di vật. Thạp được tạo dáng từ việc chuốt tay dựa trên bàn xoay đồ gốm. Kết hợp bàn xoay là với bàn tay nghệ thuật tài hoa của người nghệ nhân làm gốm trong việc sửa dáng, tạo hoa văn cánh sen trên vai thạp.
       Thạp gốm hoa nâu thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh có chiều cao tổng thể 32,7 - 33,2cm; đường kính miệng 21,8 - 22,2cm; đường kính vành cánh sen 26cm; đường kính vai 27cm; thân dày trung bình 0,8 - 1cm, phần thân sát đáy dày 1,5cm; đường kính đáy 22cm; đáy dày trung bình 1,5 -2cm. Trọng lượng: 6kg.
        Đặc trưng tiêu biểu nhất, giá trị nhất của thạp gốm hoa nâu thời Trần tại Bảo tàng Quảng Ninh từ trên xuống dưới tạo nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần. 
       Thạp có miệng loe, mép miệng nhọn, vai gãy ngang trang trí cánh sen kép đắp nổi thành dải. Tổng cộng có 15 cánh sen chính liền nhau nằm trên và 15 cánh sen phụ nằm dưới giữa hai cánh sen chính. Các cánh sen chính phụ được khắc thủ công, nên không đều nhau, kích thước to nhỏ khác nhau. Cánh sen chính được tạo nổi 0,2 - 0,4cm, dài 1,5cm và rộng ngang cánh sen 3,7 - 5,3cm. Cánh sen mập, ngắn, mũi tròn, không tạo mũi cánh sen nhọn hất như các trang trí khác cùng thời. Cách tạo hình này, khiến cho cánh sen thêm sinh động hơn, chân thực hơn và có chiều sâu hơn. Cánh sen nhỏ được tạo nổi 0,2 - 0,3cm, dài 1,5cm và rộng ngang cánh sen 1,6cm; cánh sen mảnh, tròn, không tạo mũi sen. Cánh sen chính và phụ đều được lên men trắng xanhTiếp dưới lớp hoa văn cánh sen của vai thạp có bốn tai nhỏ nằm ngang và gắn liền toàn bộ vào vai thạp, không có lỗ giữa. Mỗi tai dài 4,2 - 5cm, rộng 1- 1,2cm và dày 0,7 - 1cm.
        Thạp gốm hoa nâu thời Trần tại Bảo tàng Quảng Ninh có 3 băng hoa văn ngang. Giới hạn 3 băng hoa văn được tạo bởi 4 vạch ngang phân chia, mỗi vạch ngang rộng 0,5 - 0,7cm, được tạo bởi hai đường chỉ chìm hai bên, khoảng trống ở giữa tô màu nâu. Vạch ngang thứ nhất cách mép miệng 4cm, vạch ngang thứ hai cách vạch thứ nhất 5cm, vạch ngang thứ ba cách vạch thứ hai 13,3 - 13,5cm, vạch ngang thứ tư cách vạch thứ ba 5cm và cách mép đáy 2,5 - 2,7cm.
       Băng hoa văn 1: trên cùng, rộng 5cm. Khắc các 5 cặp lá cây cách điệu, một cặp gồm một lá mảnh dài và một lá mập ngắn. Mỗi cặp cách nhau 2 - 8cm, hai lá trong một cặp cách nhau 0,5 - 2cm. Các lá đều có cuống gắn vào vạch ngang dưới, khiến cho băng hoa văn 1 như dây hoa bao quanh thân thạp. Kích thước lá: lá to rộng 5 - 6cm và cao 3 - 3,5cm, lá đứng và hơi xiên theo chiều ngược kim đồng hồ; lá nhỏ rộng 1 - 3cm và cao dài 7 - 9cm, xiên chéo lên trên theo hướng ngược kim đồng hồ.
      Băng hoa văn 2: là băng hoa văn chính, rộng 13,3 - 13,5cm. Khắc 2 con ngựa, 1 con hổ và 2 con chim theo chiều ngược kim đồng hồ. Băng giới hạn trên và dưới lần lượt có 1 và 2 dây lá cuốn vào băng hoa văn 2.
      Hình người cưỡi ngựa đầu tiên trong tư thế phi nhanh. Kích thước:  dài 19cm, cao 13cm. Một chân trước đang ở tư thế bước trên không, một chân trước còn lại và một chân sau đang trong tư thế đặt trên mặt đất, một chân sau còn lại đang trong tư thể chuẩn bị bước lên khỏi mặt đất. Đầu và cổ ngựa ngẩng cao, dướn về phía trước, hai tai dựng đứng, đỉnh đầu có gắn một vật trang trí dạng một lông vũ. Bờm ngựa dài, được thể hiện thành những đường khắc chìm cong ôm lấy cổ ngựa. Trên lưng ngựa có yên, một người đang ngồi trên yên, tay trái nắm dây cương ngựa, tay phải giơ cao ở phía sau trong tư thế cầm roi quất cho ngựa chạy nhanh. Người đội mũ chóp nhọn và rộng vành, thân người quay hướng ra bên tay phải, tức hướng về phía người xem. Khuôn mặt không quá rõ ràng, nhưng có lẽ là khuôn mặt của một người đàn ông. Đuôi ngựa dài cong và gần sát với đầu ngựa thứ hai.
        Hình người cưỡi ngựa thứ hai trong tư thế đi thong thả. Kích thước: dài 19cm, cao 13,5cm. Một chân trước đang ở tư thế sắp chạm mặt đất, một chân còn lại vừa nhấc khỏi mặt đất, đang dợm bước, hai chân sau đang trong tư thế đặt trên mặt đất. Đầu và cổ ngựa ngang trước sau, hai tai dựng đứng, đỉnh đầu có gắn một vật trang trí dạng một lông vũ. Bờm ngựa dài, được thể hiện thành những đường khắc chìm cong ôm lấy cổ ngựa. Trên lưng ngựa có một người đang ngồi khoanh chân, không có yên ngựa, tay trái trong tư thế nắm dây cương ngựa, nhưng không nhìn thấy rõ dây cương, tay phải giơ cao ở phía sau trong tư thế cầm một con dao ngắn. Người để đầu trần, không rõ mặt mũi và tóc, người ngồi được thể hiện quay hướng ra bên tay phải, tức hướng về phía người xem. Ngựa không có đuôi.
         Hình tượng ngựa và người cưỡi ngựa cũng từng thấy trên thạp gốm hoa nâu thời Trần. Như trên thạp của nhà sưu tầm ở Hà Nội có hình người cưỡi ngựa có nhiều điểm tương đồng so với hình ngựa đầu tiên. Đây có lẽ là một hình tượng khá tiêu biểu của nghệ thuật hội họa trên gốm hoa nâu thời Trần thế kỷ XII - XIV. Điều này góp phần khẳng định niên đại Trần của thạp gốm hoa nâu tại Bảo tàng Quảng Ninh.
      Hình hổ liền sát sau ngựa thứ hai, trong tư thế ngồi trên hai chân sau, một chân sau buông thõng xuống qua đường vạch phân chia băng hoa văn, một chân trước đang ở tư thế trong tư thế buông thõng, thân cong khom về phía trước. Kích thước: cao 12cm, rộng 9,6cm, rộng cả đuôi là 12,8cm. Đầu hổ có nét giống đầu rồng, đang trong tư thế há rộng hướng về phía trước, lộ rõ hai hàm răng trên dưới, tai dựng đứng. Bờm và vằn trên thân được thể hiện thành những đường khắc chìm cong. Đuôi dài và uốn cong, chạm mặt đất. Ở phía sau lưng hổ có một cặp dây lá to từ vành phân chia băng hoa văn ở trên rủ xuống.
       Hình hổ cũng đã gặp trên thạp gốm hoa nâu thời Trần. Trên thân một thạp gốm vẽ hình hai con hổ làm băng hoa văn chính. Tuy nhiên hình hai con hổ trên thạp này trong tư thế đổi nhau, khác hẳn hình hổ trong tư thể ngồi xổm của thạp gốm hoa nâu thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh. Hổ là loài tượng trưng cho sức mạnh, người thời Trần có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mông Nguyên, sức mạnh và sự biểu lộ sức mạnh thường được mọi người côi trọng. Do vậy, không phải ngẫu nhiên khi trên đồ gốm hoa nâu có khắc họa các hình tượng hổ.
         Hình chim đầu tiên trong tư thế bước đi về phía trước, cách đuôi hổ 3cm và cách lưng hổ 5,5cm. Kích thước: rộng 12cm, cao 11cm. Một chân đang ở tư thế bước về phía trước, sắp chạm mặt đất, một chân ở phía sau đang trong tư thế chuẩn bị nhấc khỏi mặt đất. Mỗi chân đều thể hiện có hai ngón ở hai chiều trước sau, cẳng chân nhỏ dài, đùi to. Đầu thon tròn, mào nhỏ, mỏ dài, cổ rất dài và trơn giống cổ ngỗng hay ngan vịt. Cánh to đươc thể hiện bằng sáu đường khắc chìm uốn lượn biểu thị các lớp lông vũ. Đuôi to dài, xòe to chạm đất, có nhiều nét giống đuôi công, trĩ hay gà lôi. Phía sau đuôi có một cành lá mọc thẳng lên trên có một lá rất nhỏ ở giữa thân và ba lá to ở ngọn đổ về lưng chim. Kích thước dây lá: cao 13,3cm và rộng 10cm.
         Hình chim thứ hai cũng trong tư thế bước đi về phía trước, liền sát cành dây lá của chim trước, cách chân ngựa đầu tiên 3,2cm. Kích thước: rộng 12cm, cao 11,5cm. Một chân đang ở tư thế bước về phía trước, sắp chạm mặt đất, một chân ở phía sau đang trong tư thế chuẩn bị nhấc khỏi mặt đất. Mỗi chân đều thể hiện có hai ngón ở hai chiều trước sau, cẳng chân nhỏ dài, đùi to. Đầu thon tròn, mào to hơn chim thứ nhất, mỏ dài thể hiện rất rõ đang ngậm một lá cây hoặc một con cá dài 4,5cm và rộng 0,7cm, cổ rất dài và trơn giống cổ ngỗng hay ngan vịt. Cánh to đươc thể hiện bằng năm đường khắc chìm uốn lượn biểu thị các lớp lông vũ. Đuôi to dài, xòe to chạm đất, có nhiều nét giống đuôi công, trĩ hay gà lôi. Phía sau đuôi có một cành lá mọc thẳng lên trên có một lá rất nhỏ ở giữa thân và ba lá to ở ngọn đổ về lưng chim. Kích thước dây lá: cao 13cm và rộng 11cm.
        Băng hoa văn 3: rộng 5cm, gồm 14 cánh sen to thô, mỗi cánh sen được thể hiện bằng hai đường chỉ chìm giới hạn vành ngoài và vành trong cánh sen để tô hoa nâu. Mỗi cánh sen dài 6 - 8,5cm và rộng 3 - 3,5cm, tiếp nối và liền sát nhau, đổ chéo theo chiều ngược kim đồng hồ. Các cánh sen này đều xut phát từ dải phân cách các băng hoa văn cuối cùng.
        Thạp gốm hoa nâu thời Trần là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống và tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của Bảo vật.
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

  • 23/11/2023 12:00 SA

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).