Thống gốm hoa nâu An Sinh (Niên đại: Thế kỷ XIII) ở Bảo tàng Quảng Ninh là một hiện vật đặc biệt nằm trong số 23 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 (đợt 10, năm 2021).
Bảo vật Quốc gia Thống gốm hoa nâu An Sinh
Thống gốm hoa nâu An Sinh được phát hiện cùng di tích kiến trúc thời Trần ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu trong cuộc khai quật quy mô lớn năm 2017 - 2018 tại đền An Sinh, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Dựa vào hình dáng, chất liệu, dòng men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí dây lá, vân mây, rồng, hoa sen dây hình sin, chim, hoa chanh; so sánh với hệ thống di vật tương tự và nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần, các chuyên gia xác định đây là hiện vật gốc có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII.
Thống gốm hoa nâu An sinh là hiện vật quý giá, mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn, đại diện tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu thời Trần. Được xác định là chiếc thống có kích thước lớn nhất trong hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ thời Trần ở nước ta. Thống có chiều cao tổng thể 71,5 - 73cm; đường kính miệng 107-108cm; đường kính thân rộng nhất 100cm; đường kính đáy 68 - 69cm; Trọng lượng: 126kg.
Đặc trưng tiêu biểu nhất giúp nhận diện giá trị và chức năng của thống gốm hoa nâu An Sinh là hoa văn trang trí. Từ trên xuống dưới thống phân chia thành 6 băng hoa văn trang trí khác nhau, có hoa văn chính, có hoa văn phụ, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần.
Băng hoa văn 1: trên cùng, khắc các hoa dây lá dài nằm ngang; mỗi hoa dây lá đều có bố cục nhụy ở giữa mọc ra bốn lá nhỏ hướng về bốn góc tạo hình giống hoa chanh, hai lá to trải dài về hai bên, tổng cộng có 15 hoa dây lá.
Băng hoa văn 1
Băng hoa văn 2: Khắc các vân mây có đuôi dài nằm ngang, bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ; Mỗi vân mây đều được thể hiện gồm hai phần. Phần thân có dáng hình như một bông hoa có một đài hoa hình bầu dục chính giữa, hai bên có bốn cánh, hai cánh trong tư thế nở muộn cong lên trên, hai cánh trong tư thế nở sớm cuốn xuống dưới. Phần dưới cuống hoa biến thành dải lụa uốn cong hình sin bay theo chiều kim đồng hồ và thuôn nhỏ dần. Thủ pháp thể hiện này có nhiều điểm tương đồng như đuôi phượng, bờm rồng trong nghệ thuật đất nung thời Trần. Ở một góc nhìn khác, vân mây gợi hình ảnh của một tiên nữ đang bay.
Băng hoa văn 2
Băng hoa văn 3: Dùng kỹ thuật khắc dây hoa hình sin, khắc nối từ các đường giới hạn nằm ngang thành 8 khoảng riêng biệt. Trong mỗi khoảng khắc một con rồng đang bay theo chiều kim đồng hồ, vừa bay vừa phun châu nhả ngọc. Mỗi hình rồng đều có tư thế vận động chân, thân, đầu khác nhau đôi chút, cho thấy 8 con rồng được mô tả như là một con rồng đang trong các tư thế vận động khác nhau để thực hiện một hành vi nhả ngọc phun châu. Rồng uốn chín khúc với tư thế đang bay từ bên phải sang bên trái, miệng mở to hết cỡ trong tư thế nhả ngọc, ngọc đã ra khỏi miệng, hai hàm răng trên dưới lộ rõ to thô, lưỡi nhỏ dài và có khi dính liền ngọc báu.
Băng hoa văn 3
Băng hoa văn 4: Dùng kỹ thuật khắc dây hoa hình sin, mỗi nhịp uốn cong lại tạo thành một bông hoa riêng biệt. Tổng cộng có 12 bông hoa mọc theo hai chiều trên dưới xen kẽ nhau, phần dây hoa được điểm xuyết bằng các lá to nhỏ dài ngắn khác nhau; hoa và dây lá đều tô hoa nâu.
Băng hoa văn 4
Băng hoa văn 5: Khắc 12 con chim trong tư thế vận động ngược chiều kim đồng hồ, tô hoa nâu; giữa các con chim không có khoảng cách, liền sát nhau, có khi cành hoa dây của chim sau nằm trên đuôi và lưng của chim trước. Mỗi con chim đều có đặc điểm chung về hình dáng, cho thấy chúng cùng một chủng loài: lông vũ, đuôi dài, chân dài, cổ cao, có mào, mỏ dài ngậm một cành hoa dây. Tuy nhiên, mỗi một con lại được khắc họa với chi tiết khác nhau ở dây hoa, mào, cánh, đuôi và tư thế của chân… cho thấy dường như chúng đều được khắc họa để mô tả của một con chim trong các tư thế vận động khác nhau để thực hiện một hành vi ngậm cành hoa dây hiến dâng trong một một nghi lễ nào đó.
Băng hoa văn 5
Băng hoa văn 6: Khắc 39 hình hoa bốn cánh thể hiện theo các đường chéo của hình vuông. Trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, các nhà nghiên cứu gọi là hoa chanh, còn ở Trung Quốc gọi là hoa văn đồng tiền (連錢紋), cấu tạo của nó gồm bốn hình bầu dục ghép lại mà thành, tạo nên hoa văn trung tâm là một đồng tiền tròn có lỗ gần vuông.
Băng hoa văn 6
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh còn nguyên vẹn về cả cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí.
Căn cứ vào kích thước, hình dáng, hoa văn trang trí được tạo tác tỷ mỷ, nhất là hoa văn 8 con rồng trên thân thống, có thể nhận định thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh là đồ dùng của tầng lớp quý tộc nhà Trần, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa). Đặc biệt, dựa vào bối cảnh khảo cổ phát hiện thống, trong khoảng sân lát gạch gần kiến trúc trung tâm ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu, thống này có thể được dùng trong đời sống hàng ngày hoặc nghi thức cung đình của gia đình Trần Liễu.
Thống gốm hoa nâu An Sinh được trưng bày trang trọng
tại tầng 2 ở Bảo tàng Quảng Ninh
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của di vật./.