Image
Loading
23/06/2019 01:54 CH
Chùa Yên Đông, tên chữ là “Pháp Âm tự’ (Phật pháp âm đức), toạ lạc ở khu Yên Đông, phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên. Tên của chùa thường được nhân dân gọi theo tên của làng cho dễ nhớ: Làng Yên Đông hay An Đông có nghĩa là yên ổn ở phía Đông.
Chùa Yên Đông
 
Hiện nay chưa tìm được tư liệu nào nói về năm khởi dựng chùa. Căn cứ theo nội dung văn bia trùng tu có tiêu đề “An Đông tự bi ký” khắc năm Hưng Trị thứ 3 (1590), triều vua Mạc Mậu Hợp, thì trước đó chùa đã được dựng khá đẹp, tượng phật đầy đủ uy nghiêm, nhưng đã hỏng, Phật tử cùng nhân dân thập phương góp tiền công đức khởi công xây dựng lại. Ngày 21 tháng 8 năm Đinh Hợi, niên đại Đoan Thái (1587) dựng một toà thượng điện. Ngày 4 tháng 2 năm Mậu tý (1588) tạc 8 pho tượng Phật. Ngày 23 tháng 6 năm đó làm lễ khánh thành. Năm 1590 dựng bia để lưu truyền ngàn năm.
Sau khi chùa Yên Đông được trùng tu xây dựng lại thì nơi đây càng trở nên linh thiêng, Phật tử quy y, Tăng, Ni kế tiếp trụ trì. Chùa đã qua nhiều lần sư trụ trì, xá lỵ của các sư được táng trong tháp ngay cạnh chùa như tháp Tịnh Hành của Tỳ kheo Thanh Huy, tự Tịnh Hoà, đã hoá thân bồ tát; tháp Phổ Tuệ của Tỳ kheo Thích Cung Cẩn, hiệu Từ Đức hoá thân bồ tát; tháp Thanh Nguyên của Sa Môn tự Nguyên Ngọc Đào, hoá thân bồ tát; tháp của Thanh Ư Tỳ kheo, tự Tịch Lý; tháp của Hoàng Hoàng Tỳ kheo, tự Hy Đăng; tháp của Tử Sa Môn, tự Thanh Hoa và một tháp nữa của nhà sư trụ trì gần đây nhất là Nguyễn Văn Lộc. Hiện nay chùa có sư cô Thích Nữ Tịnh Nguyên trụ trì nên chùa khang trang ấm áp, không lúc nào vắng tiếng chuông ngân.
Cung Tam bảo chùa Yên Đông
 
Tồn tại hơn 400 năm, chùa Yên Đông đã trải qua bao nhiều lần trùng tu, sửa chữa được ghi lại qua bia đá như: Năm Đoan Thái thứ 2 (1587); năm Đoan Thái thứ 3 (1588); năm Hưng Trị thứ 3 (1590); năm Hưng Trị thứ 4 (1591); năm Minh Mệnh thứ 13 (1832); năm Tự Đức thứ 14 (1861); năm Tự Đức thứ 21 (1868); năm Tự Đức thứ 25 (1872); năm Tự Đức thứ 29 (1876); năm Tự Đức thứ 32 (1879); năm Khải Định thứ 6 (1921); năm Khải Định thứ 8 (1923); năm Bảo Đại thứ 6 (1931); năm Giáp Ngọ (1954) và gần đây nhất là năm 2007.
Trong khuôn viên rộng hơn 3.000m2, có các công trình xây dựng gồm: chùa chính; nhà tổ; nhà sắp lễ; nhà khách; nhà ni; nhà bếp; tam quan, sân, vườn tháp, vườn bia; hồ nước; vườn chùa... Chùa Yên Đông quay hướng Tây, kiến trúc kiểu chữ đinh (J) 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, hệ thống cột, vì kèo, cửa ra vào đều được làm bằng gỗ lim. Hiện nay chùa vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn hệ thống tượng Phật, đồ thờ tự, bia đá vô cùng giá trị có niên đại từ thời Mạc, Lê, Nguyễn, được sư trụ trì bài trí, sắp xếp đúng ngôi vị, càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng huyền bí cho chùa.
Chùa Yên Đông hiện nay thu hút được rất đông Phật tử và nhân dân trong vùng đến lễ Phật vào dịp đầu Xuân năm mới và các tuần tiết trong năm. Với những giá trị đó, ngày 24/11/2000, chùa Yên Đông đã được xếp hạng Di tích Nghệ thuật Quốc gia./.
 
Bài, ảnh: Phan Thị Thuý Vân
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN