Cụm di tích núi Bài Thơ gồm: Bia khắc trên núi; chùa Long Tiên và đền Đức Ông, thuộc địa giới hành chính phường Bạch Đằng và phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Núi Bài Thơ (nhìn từ hướng Đông Nam)
Trước kia, núi Bài Thơ vẫn còn là một đảo đá giữa vịnh Hạ Long. Từ cuối thế kỷ XIX, trong quá trình khai thác than, thực dân Pháp đã bóc đất đá từ các tầng lò đổ xuống bờ vịnh, lấp dần biển tạo cho núi Bài Thơ một thế đứng mới. Nửa vòng phía Bắc chứng kiến bao cuộc sống sôi động của thành phố, nửa vòng còn lại phía Nam nằm kề bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp vẫn ngày đêm đùa dỡn cùng sóng biển. Đầu thế kỷ XXI, do đô thị phát triển, nửa vòng phía Nam cũng đã được bồi đắp, xây dựng cây cầu ôm một phần chân núi Bài Thơ và xây dựng các khu biệt thự liền kề khang trang, sầm uất bậc nhất của thành phố Hạ Long bên bờ di sản thiên nhiên thế giới.
Núi Bài Thơ cao 106m, tựa như ngọn tháp khổng lồ bên bờ Cửa Lục. Đứng trên đỉnh núi, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Hạ Long và phóng tầm mắt tận hưởng cảnh quan kỳ vĩ của vịnh Hạ Long. Núi và nước hoà quyện với nhau tạo thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình thật đẹp. Lúc đầu núi có tên Dọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng, gắn với câu truyện truyền thuyết các triều đại phong kiến Việt Nam đã lập đồn trú cắt cử lính đến canh gác tại nơi đây. Đêm đêm lính đồn trú treo ngọn đèn lồng lên đỉnh núi báo hiệu tình hình phía Đông Bắc vẫn bình yên. Khi có giặc dã, người lính đốt củi khô lẫn phân chó sói cho ngọn khói bốc cao báo động về đất liền.
Năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang và đóng quân ở chân núi Truyền Đăng. Xúc cảm trước cảnh đẹp nơi đây, ông đã làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi Truyền Đăng, từ đó núi có tên Đề Thơ và sau gọi là núi Bài Thơ “Mùa Xuân tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (1468) ta thân đem 6 quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió lành cảnh đẹp, biển không nổi sóng, bèn lướt thuyền trên biển Hoàng Hải đi du tuần An Bang đến đóng quân dưới núi Truyền Đăng, mài đá đề một bài thơ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách núi năm 1468
Hai trăm sáu mươi mốt năm sau (1729) trong một chuyến đi kinh lý qua vịnh Hạ Long, chúa Trịnh Cương đã làm một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc vào phía bên trái “Nay gặp buổi thái bình, thích nhân muôn việc dư nhàn nên cũng đi chơi làm phép, ta cưỡi binh thuyền ra tới bể đông trông thấy núi non như vẽ, bể lặng sóng trong. Quân thuỷ bộ đều mạnh mẽ như hổ, vang lừng như sấm, tinh thần ta khi ấy muốn sinh hứng thú bèn thuật theo vần thơ đề vách đá trước, làm ra bài thất ngôn lưu đề vách đá”.
Bài thơ của chúa Trịnh Cương, khắc trên vách núi năm 1729
Ngoài hai bài thơ trên, còn có bài thơ của Nguyễn Cẩn khắc năm Canh Tuất (1910) và một số bài thơ của các thi sỹ khác cũng được khắc trên vách núi ca ngợi cảnh đẹp vịnh Hạ Long.
Núi Bài Thơ còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trong của người dân thành phố Hạ Long.
Năm 1930, thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam phát động một cao trào rộng lớn trong cả nước nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, Đảng uỷ Hồng Gai đã tổ chức tuyên truyền đấu tranh rộng lớn bằng nhiều hình thức như treo cờ Đảng, rải truyền đơn, dán áp phích…Sáng 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ, đây là một sự kiện quan trọng, cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào công nhân khu mỏ, khắc sâu trong tâm trí người dân Hạ Long và trở thành biểu tượng của đất mỏ anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trận địa pháo 12,7mm của dân quân tự vệ phường Bạch Đằng đặt trên núi Bài Thơ đã tham gia chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, bảo vệ thị xã Hồng Gai (cũ) góp phần vào thắng lợi chung của quân dân vùng mỏ.
Tại các hang ở sườn phía Đông Bắc núi Bài Thơ, trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964-1975), Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh đã sơ tán nhà cơ vụ và đặt một trạm vi ba để phát sóng truyền đi những thông tin quan trọng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Tự vệ của Bưu điện đã anh dũng đánh trả lại máy bay Mỹ bảo vệ trạm phát sóng an toàn cho khu mỏ. Tại sườn phía Bắc núi Bài Thơ, hang Thị đội là nơi thường trực chỉ huy chiến đấu của Ban chỉ huy quân sự thị xã Hồng Gai. Trong các hang đá phía Bắc chân núi Bài Thơ còn được sử dụng làm nơi sơ tán an toàn cho Trạm sửa chữa cơ khí của Xí nghiệp tuyển than Hồng Gai, nhà trẻ cơ khí, cửa hàng mậu dịch, lớp học, trạm cấp cứu phòng không…
Chùa Long Tiên (ảnh chụp tháng 6.2020)
Ở phía Bắc chân núi Bài Thơ có chùa Long Tiên, tuy xây dựng vào cuối thời Nguyễn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc cổ truyền Việt Nam và là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Hạ Long. Trong chiến tranh chống Mỹ, chùa Long Tiên là nơi tập trung, lưu giữ tượng của các đền chùa khác chuyển về nên ngoài cung thờ Phật, cung thờ Mẫu, chùa Long Tiên còn có cung thờ Trần Triều thờ Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh của nhà Trần như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Nguyễn Chế Nghĩa…
Ở sườn phía Tây núi Bài Thơ có đền Đức Ông thờ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn
(Do dịch bệnh Covid-19 đền đóng cửa, ảnh chụp ngày 25.02.2021)
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hảo tâm đóng góp của nhân dân, giờ đây khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và chùa Long Tiên được tôn tạo xây dựng lại khang trang. Tại khuôn viên đền Đức Ông xây dựng thêm hai công trình tâm linh đó là đền Mẫu (bên phải) và chùa Hưng Quốc Thiền (bên trái). Phía sau đền Đức Ông, hơi chếch về bên phải, trên bình độ cao hơn có khu đất rộng, bằng phẳng đã xây dựng thêm công trình Khu văn hóa núi Bài Thơ có hồ bán nguyệt, tam quan, nhà tả vu, hữu vu, đền thờ vua Lê Thánh Tông, các cận thần của nhà vua và hai ban thờ quan văn, quan võ là những nhân vật lịch sử có cống hiến với vùng đất Quảng Ninh. Tại khu vực có các bài thơ khắc trên vách núi, xây dựng ngôi đền thờ bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông và các bài thơ của các thi sĩ có thơ đề trên vách núi.
Đền thờ tại khu vực có bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông
(Do dịch bệnh Covid-19 đền đóng cửa, ảnh chụp ngày 25.02.2021)
Ngày 31/8/1992, cụm di tích núi Bài Thơ được xếp hạng Di tích lịch sử, danh thắng quốc gia. Ngày 24/11/2000, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Núi Bài Thơ đã trở thành biểu tượng của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Các công trình tín ngưỡng tâm linh trong cụm di tích núi Bài thơ mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái, nhất là trong đêm giao thừa và những ngày đầu xuân năm mới./.
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân