Đền Quan Đại tọa lạc ở thôn La Khê, xã Tiền An, thị xã Quảng Yên cùng với chùa La Khê và đền Mẫu, tạo thành cụm di tích đền - chùa La Khê, năm 2000 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá. Ngày 08/7/2014, đền Quan Đại được nâng cấp xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 2100/QĐ-BVHTTDL.
Đền Quan Đại
Đền Quan Đại xây dựng năm 1877, kiến trúc chữ nhị, trải qua thời gian đền bị hỏng. Năm 1993 nhân dân đã xây dựng lại trên nền cũ với 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói vẩy, hai đầu hồi bít đốc, trên đỉnh mái đắp lưỡng long chầu nhật, hai bên hiên xây cột trụ đèn lồng nghê chầu, sân đền có hai con voi đá chầu gắn với truyền thuyết voi xác đưa thân chủ về vùng đất này chôn cất. Đền tuy mới tôn tạo lại nhưng vẫn giữ được dáng dấp cổ xưa và lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự có giá trị, trong đó có 4 hộp sắc phong, 2 bia đá thời Nguyễn ca ngợi nghĩa khí của đại thần Trương Quốc Dụng, Văn Đức Giai và ghi tên những người góp công, góp của xây dựng đền.
Đền Quan Đại thờ hai vị quan triều Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai. Theo tài liệu lịch sử, khoảng giữa thế kỷ XIX, bọn phiến loạn do Tạ Duy Phụng lấy danh nghĩa là hậu duệ của nhà Lê đã cấu kết với bọn thổ phỉ từ Trung Hoa tràn sang nổi dậy cướp phá, hoành hành khắp vùng Đông Bắc. Lực lượng này được thực dân Pháp nuôi dưỡng, đã tìm mọi cách chống phá triều đình. Chúng xây dựng các căn cứ ở châu Tiên Yên, Hải Ninh, giao kết với các thế lực chống triều đình ở Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Sơn Tây, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Nghệ… Nhiều làng mạc, nhà cửa bị chúng phá hủy, nhân dân phải phiêu dạt ly hương. Để giữ vững vùng biên giới phía Bắc và ngăn chặn âm mưu mở rộng xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã cử Hiệp Thống Trương Quốc Dụng, Văn Đức Giai cùng một số đại thần, đại tướng đi dẹp các thế lực phản loạn đó.
Do lực lượng quân ta mỏng, không thể chống nổi trước thế mạnh của bọn phiến loạn, trong một trận quyết chiến với quân của Tạ Duy Phụng tại xã La Khê, tổng Hà Bắc, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên, ngày 29/7/1864 (26/6 âm lịch) Hiệp thống đại thần Trương Quốc Dụng, Tán lý Văn Đức Giai và nhiều đại thần khác đã tử trận.
Theo truyền thuyết, sau khi hai ông tử trận, hai con voi của các ông đã đưa thân chủ về phía rừng trúc, dẫm quang một khoảng rừng và đặt xác hai ông xuống đó. Sáng hôm sau nhân dân biết tin ra chôn cất đã thấy mối đùn lên thành hai ngôi mộ lớn, nhân dân bèn dựng đền để thờ hai ông, đó chính là ngôi đền Quan Đại ngày nay.
Hậu cung thờ Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai
Ông Trương Quốc Dụng sinh ngày 05/01/1802, quê xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Là người nổi tiếng thần đồng từ nhỏ, 4 tuổi đã khéo ứng tác câu đối. Khoa Tân Tỵ (1821) thi đỗ Tú tài, khoa Ất Dậu (1825) đỗ Cử nhân, khoa Kỷ Sửu (1829) đỗ Tiến sỹ. Ông từng giữ nhiều trọng trách: Tri phủ Tân Bình; Án sát Quảng Ngãi, Hưng Yên; Tả thị lang các Bộ: Lễ, Lại, Công, Hình; Tham tri các Bộ: Công, Binh, Hộ; Thượng thư Bộ Hình; Quản Viện Hàn Lâm; Quản Đô Sát viện; Chánh, Phó chủ khảo nhiều khoa thi Hương, thi Hội; Kinh diên nhật giảng (giảng sách cho vua); coi Khâm Thiên Giám (thiên văn, địa lý); Tổng tài Quốc sử quán; Hiệp biện Đại học sỹ; sung Hiệp Thống Hải An quân vụ đại thần...
Ông Văn Đức Giai sinh năm 1807 tại Quỳnh Lôi, Quỳnh Châu, Nghệ An. Ông thi đậu tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1844), sau đó giữ rất nhiều chức quan như Phú Yên tuyên Phủ sứ hiện biện ly hình bộ, Hộ lý Quảng Yên tuần phủ, cùng với ông Trương Quốc Dụng dẹp phỉ Quảng Yên.
Việc đầu tư tôn tạo đền Quan Đại, nâng cấp xếp hạng từ di tích cấp Tỉnh lên cấp Quốc gia đã thể hiện lòng tri ân sâu sắc của hậu thế nói chung, nhân dân thị xã Quảng Yên nói riêng với vị đại thần Trương Quốc Dụng, Văn Đức Gai và các cận thần của ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc./.
Phan Thị Thuý Vân