Image
Loading
04/07/2019 10:31 SA
Trong 30 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đợt I, có 5 tài liệu có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các tác phẩm: “Đường cách mạng”, “Nhật ký trong tù”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước”, và “Di chúc”. Tạp chí Thế giới Di sản giới thiệu một trong 5 văn bản tiêu biểu có giá trị tư tưởng và nhân văn sâu sắc đó- Bản Di chúc lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết văn bản lịch sử này trong 4 năm, khởi thảo ngày 10-5-1965 và Người xem lại lần cuối vào ngày 19-5-1969, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người. Trong 4 năm ấy, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp sinh nhật Người lại lấy văn bản xem lại, sửa chữa, bổ sung, viết thêm hoặc thay đổi vài từ. Đúng 9 giờ sáng ngày 19-5-1969 Bác xem lại kỹ toàn bộ các bản viết của mình.
 
Năm đầu Bác viết tài liệu này với ý định như vài lời dặn lại, nguyên văn Người viết là “Tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi”. Tuy nhiên, sau 4 năm lời dặn lại của Bác trở thành một văn kiện quan trọng định hướng cho sự nghiệp phát triển của đất nước ta sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng. Năm 1965 Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta với dã tâm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”. Ngày 18-3-1965, Mỹ bắt đầu đổ quân vào Đà Nẵng, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, chuyển cuộc chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Trong tình hình đó, bạn bè gần xa đều lo lắng cho Việt Nam, có người không tin Việt Nam có thể giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu lịch sử hoàn toàn không cân sức với Mỹ. Nhưng Di chúc Bác đã khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; khẳng định chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.” “Dù khó khăn gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.” Ngày 9-9-1969, khi Đảng ta công bố Di chúc của Bác tại buổi lễ truy điệu trọng thể Người ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, lời của Bác nhắn nhủ lại đã làm xúc động hàng chục triệu con tim đất Việt, tiếp sức để nhân dân ta vượt lên, biến đau thương thành hành động cách mạng. Di chúc cũng như những lời của Bác trước đó “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và gần 6 năm sau, nhân dân ta đã thực hiện được trọn vẹn lời thề thiêng liêng trước anh linh Người. Đó là chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước- nguyện vọng thiêng liêng Bác đã giành cả cuộc đời phấn đấu và cho đến những ngày cuối cùng Bác vẫn ngày đêm mong mỏi.
 
“Còn non, còn nước, còn người,
 
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
 
Đây thật sự là điều kỳ diệu của Di chúc Bác Hồ. Trong hoàn cảnh đất nước còn đang chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, Bác Hồ đã nghĩ đến một ngày mai chiến thắng và vạch ra những công việc cần phải làm để đưa nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới.
 
Bác viết: “Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Đây đúng là lời của một vị lãnh tụ thiên tài và đúng như sự khẳng định của Bác khi viết Di chúc “đã là người xưa nay hiếm, nhưng tinh thần , đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Lời dặn của Bác “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”, không những chỉ đúng vào thời điểm ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mà cho đến hôm nay và mai sau, trên những chặng đường mới của dân tộc vẫn còn giữ nguyên giá trị.
 
“Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ, đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.” Đọc kỹ Bản Di chúc trong đoạn này, thấy Bác còn gạch dưới 4 chữ “chỉnh đốn lại Đảng” cho chúng ta thấy rõ Bác đã nhìn thấy trước tầm quan trọng của vấn đề Bác dặn lại đối với Đảng. Một lần nữa Bác khẳng định Đảng là nhân tố quyết định của công cuộc xây dựng lại đất nước, phát triển đất nước. Đó chính là tầm nhìn xuyên suốt cả một chiều dài lịch sử và chắc chắn sẽ là hành trang quý báu của thế hệ hôm nay cùng non sông đất nước trên những chặng đường mới.
 
Nếu chỉnh đốn lại Đảng là công việc phải làm trước tiên đối với Đảng, thì công việc đối với con người là công việc đầu tiên Đảng phải quan tâm. Trong Di chúc lại một lần nữa Bác đặt vấn đề quan tâm đến con người một cách rất toàn diện, từ việc coi trọng yếu tố con người đến vấn đề chăm lo lợi ích của con người, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục con người, yêu thương con người. Di chúc Bác Hồ là tình thương yêu bao la Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân với lời nhắn nhủ mà cho đến hôm nay vẫn làm xúc động trái tim chúng ta. “ Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”Đọc lại lời Bác chúng ta hiểu vì sao mùa thu năm 1969 toàn dân tộc ta đã khóc thương tiễn đưa Người về cõi bất tử trong khung cảnh “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.” “Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.” Trong Di chúc một lần nữa khẳng định chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không giành riêng cho một tầng lớp nào mà cho cả cộng đồng dân tộc và cộng đồng quốc tế. Người luôn gắn con người riêng lẻ với cộng đồng, gắn dân với nước, hướng tới dân giàu, nước mạnh. Bản thân Người luôn tự đặt mình bình đẳng với những người trong cộng đồng, hay như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói lúc sinh thời: “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam, là cái tầm của dân tộc. Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam, để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm người”.
 
Bác có ý định đến ngày chiến thắng “Sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Sau đó Bác “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.” Đó thật sự là một nghĩa tình trọn vẹn, thủy chung, là suy nghĩ của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Đó cũng là lời tạ từ của Người, một lời lỡ hẹn vì biết mình không kịp thấy, không kịp làm điều mà Người đã thiết tha muốn làm.
 
Di chúc Bác Hồ là sự tổng kết súc tích, khoa học quá trình đấu tranh cách mạng gần nửa thế kỷ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, là văn kiện có sức lay động sâu xa trái tim của hàng triệu triệu con người, thôi thúc hành động không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với tất cả những ai đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người. Đó là lý do vì sao chúng ta tôn vinh Di chúc của Bác là bảo vật của quốc gia.
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

  • 23/11/2023 12:00 SA

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).