Image
Loading
20/10/2023 12:00 SA
Hộp vàng Ngoạ Vân – Yên Tử tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 7, năm 2018).
 
     Hộp vàng Ngoạ Vân – Yên Tử có niên đại từ thế kỉ XIV, có dáng hình cầu (gồm hai phần: thân và nắp hộp), chất liệu bằng vàng ta; được phát hiện trong quá trình mở rộng con đường hành hương lên am Ngọa Vân, nơi đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, thuộc khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
     Hộp vàng Ngoạ Vân – Yên Tử có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn, khi làm xuất lộ, lưỡi gầm máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm cho thân hơn bị biến dáng. Hộp gồm hai phần, thân và nắp. Tổng chiều cao bao gồm cả nắp toàn thân 42mm, trong đó phần thân cao 28,4mm-32mm, chân đế cao 6mm; đường kính miệng 49mm, đường kính thân (chỗ lớn nhất) 51mm, đường kính chân đế 35mm; trọng lượng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng). Thân hộp có chân đế cao 6mm, chân đế tạo múi, mặt để trơn, phần thân tạo múi liền với chân đế, lòng múi sen có trang trí văn hoa chanh (hay còn gọi là hoa liên tiền) nổi trên nền văn mây hình khánh; phần miệng thân có khớp để đậy nắp hộp vừa kít với thân. Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 múi chính là phần đầu khớp với các cánh sen ở phía dưới thân tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn.
     Hộp hình hoa sen sử dụng 3 nhóm đề tài họa tiết trang trí gồm: hoa sen, văn mây và hoa chanh (hay còn gọi là văn liên tiền). Bản thân hình dáng của Hộp là một đóa sen đang độ mãn khai. Đài sen có 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm, trong đó, ngoài cùng là lớn nhất với 11 cánh nằm đan cài với cánh lớn, các cánh to, mập, được tạo tác với đường nét rất tinh xảo và giàu tính hiện thực; lớp cánh thứ hai nhỏ hơn với 33 cánh, giữa lớp cánh thứ hai và lớp cánh thứ nhất có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi, các cánh ở lớp này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với lớp cánh thứ nhất nhưng được thể hiện rất tinh xảo và mang tính tả thực; lớp thứ ba có 28 cánh, lớp thứ tư là lớp trong cùng có 15 cánh, các cánh ở lớp thứ ba và lớp thứ tư có kích thược nhỏ nhưng đường nét rất sắc xảo. Chính giữa tâm nắp hộp là gương sen được tạo lõm xuống càng làm tăng khối hình cho các lớp sen bao quanh đồng thời nhìn tổng thể chiếc hộp từ trên xuống giống như một đóa sen mãn khai với nhiều lớp cánh đang khoe sắc và tỏa hương.
 
      Toàn bộ hình dáng được gò trên khuôn; phần chân đế được gò tách biệt sau đó được hàn vào với thân. Căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí và kích thước, các bài nghiên cứu trên các tạp chí, đài, báo chúng ta có thể khẳng định hộp hình hoa sen là vật dụng quý được chế tác bởi cá thợ kim hoàn khéo tay tại kinh thành Thăng Long và nó có thể là đồ dùng quý trong hoàng cung. Một ý kiến khác cho rằng Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một vật dụng quan trọng trong nghi lễ Phật giáo được gọi là Át-già-khí.
     Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm phản ánh giá trị tư tưởng của thời nhà Trần; kỹ thuật và trình độ tay nghề của thợ thủ công; Các họa tiết hoa văn thể hiện trình độ thẩm mỹ, giá trị tư tưởng được truyền tải qua các hình tượng hoa văn,… Đây là những thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa tư tưởng và mỹ thuật của chủ thời Trần, xứng đáng là Bảo vật Quốc gia./.

 

 
 

 

 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

  • 23/11/2023 12:00 SA

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).