Image
Loading
13/05/2019 10:05 SA
Thương cảng Vân Đồn gồm nhiều bến thuyền cổ, phạm vi 200km2 trong vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
 
Sơ đồ Khu di tích thương cảng Vân Đồn
 
Thiên nhiên ưu đãi cho Vân Đồn một vùng tài nguyên rừng, biển phong phú với rất nhiều lâm, hải sản quý có giá trị kinh tế cao. Hàng trăm hòn đảo nhấp nhô tạo thành các dải nước sâu, dòng rộng, kín gió, thuyền cập bến giao thương, tránh trú bão an toàn. Từ xa xưa đây là tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng trong nước và quốc tế.
Từ thế kỷ VIII, vùng biển Vân Đồn đã có thuyền buôn Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cổ đại như Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, Tam Phật Tề qua lại buôn bán. Nhưng Vân Đồn chính thức được thành lập và trở thành thương cảng đầu tiên của Việt Nam từ tháng 2 năm 1149, đời vua Lý Anh Tông “Đại Định năm thứ 10 (đời vua Lý Anh Tông 1149), mùa xuân tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để buôn bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương”1 . Thời kỳ này, nhà Lý đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương, phát triển đất nước nên hoạt động giao thương buôn bán tại Thương cảng Vân Đồn đã phát triển cực thịnh.
Sang thời Trần, thời kỳ đầu hoạt động buôn bán ở Thương cảng Vân Đồn vẫn phát triển mạnh và mở rộng quan hệ với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Chà Bồ, Phi-líp-pin và các nước châu Âu. Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, chùa Vụng Cây Quéo, chùa Vụng Chuồng Bò, Bảo Tháp ở khu vực Cống Đông (nay thuộc xã Thắng Lợi) để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật. Thời kỳ sau, do các cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, các vua Trần đã đưa ra những chính sách hạn chế ngoại thương làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán tại Vân Đồn.
Thời Lê, sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương, đặc biệt là sự kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán tư thương. Tuy hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam.
Thời Mạc, với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại Thương cảng Vân Đồn lại được hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện (Cống Tây, xã Thắng Lợi), xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước.
Thời Hậu Lê, hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, nay thuộc xã Quan Lạn.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp… được vào sâu trong nội địa buôn bán đã làm cho thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Tuy nhiên qua những đồ gốm sứ tìm thấy tại Vân Đồn thời nhà Thanh (Trung Quốc) và Việt Nam cùng thời, đặc biệt là tiền đồng thời Tây Sơn (TK XVIII) cho thấy thời kỳ này hoạt động buôn bán ở Vân Đồn vẫn được diễn ra.
Thời Nguyễn, Thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương cho sản xuất nghề cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước. Đảo Cống Đông trở thành trung tâm hành chính của huyện Nghiêu Phong với tên gọi “Cống Đông thập bát xã” hay “Vụng huyện”.
Về vị trí của thương cảng Vân Đồn, sử sách ghi chép không rõ ràng lên có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thông qua nhiều cuộc điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định vị trí trung tâm của thương cảng Vân Đồn có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Thời Lý, chưa xác định được ở bến nào. Thời Trần, thời Mạc ở bến Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi). Thời Hậu Lê chuyển sang bến Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn).
Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của khu thương cảng Vân Đồn xưa không còn nữa. Hiện nay, trong lòng đất, trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ vỡ hay nguyên vẹn, nhiều nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Bến Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi) và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) thuộc các bến thuyền cổ thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT, ngày 29/10/2003.
Khu di tích thương cảng Vân Đồn đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt./.
Bến Cống Đông - Cống Tây, xã Thắng Lợi
 
Dấu tích cầu cảng cổ, bến Cống Tây (xã Thắng Lợi)

 
 
Hiện vật khai quật khảo cổ tại bến Cái Làng (xã Quan Lạn)
 
Khảo sát điền dã tại Thương cảng Vân Đồn
 
Đình xây dựng từ thời Lê trên bến Cái Làng, sau chuyển sang Quan Lạn
 
 *Ghi chú: 
1- Đại Việt sử ký toàn thư - Tập 1; Tr 281

 
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân.

 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN